Ưu điểm của bọc răng sứ
Bọc răng sứ là phương pháp phục hình răng thật bằng răng sứ, được cố định trên răng thật. Đây là phương pháp thẩm mỹ và cải thiện chức năng cơ bản của các răng thật bị bệnh lý răng miệng như sâu răng, răng bị nứt nẻ, mất răng, răng ố màu…
Với phương pháp này, bác sĩ nha khoa sẽ sử dụng một lớp sứ mỏng để bao phủ toàn bộ phần răng thật, nhằm che đi những khuyết điểm về hình dáng, màu sắc hoặc cấu trúc của răng... giúp bảo vệ sức khỏe răng miệng, mang lại hình dáng đều, đẹp và màu sắc tự nhiên cho răng.
Theo đó, khi bọc răng sứ sẽ mang lại những lợi ích:
Cải thiện thẩm mỹ: Khi răng thật có những khuyết điểm như sứt mẻ, màu sắc xỉn hoặc ố vàng... khi bọc răng sứ sẽ che đi các khuyết điểm này. Răng sứ cũng có màu sắc tự nhiên và hình thể giống với răng thật nên giúp hàm răng đều đặn, trắng sáng và nụ cười trở nên tươi xinh hơn.
Bảo vệ răng thật: Lớp sứ giúp bảo vệ răng thật khỏi những tác động bên ngoài như nhiệt độ, lực nhai mạnh. Răng sứ cứng hơn răng thật nên có thể bảo vệ răng thật khỏe mạnh, chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn.
Khôi phục chức năng nhai: Khi bọc răng sứ, bác sĩ sẽ mài cùi răng ở ngưỡng cho phép đảm bảo tránh bị ê buốt khi ăn. Răng sứ cũng được gắn kết vững chắc với răng thật bằng chất kết dính sinh học trong nha khoa, nên có thể ăn uống bình thường và cảm nhận thức ăn giống với răng thật. Hơn nữa, với răng thật khi bị sứt mẻ hoặc sâu răng thì chức năng nhai sẽ bị kém đi. Khi bọc răng sứ còn giúp phục hồi chức năng nhai như bình thường.
![Những lưu ý khi bọc răng sứ- Ảnh 1. Những lưu ý khi bọc răng sứ- Ảnh 1.](https://suckhoedoisong.qltns.mediacdn.vn/324455921873985536/2025/2/9/truoc-va-sau-khi-boc-rang-su-1739078610324851665706.jpg)
Trước và sau khi bọc răng sứ.
Nhược điểm khi bọc răng sứ
Ngoài các lợi ích trên thì bọc răng sứ cũng gặp phải một số nhược điểm, do đó cần cân nhắc giữa ưu và nhược điểm trước khi quyết định bọc răng sứ. Theo đó những nhược điểm có thể gặp phải sau khi bọc răng sứ gồm:
Răng thật bị xâm lấn: Trước khi bọc răng sứ, bác sĩ nha khoa cần tiến hành mài cùi răng thật, gây tác động đến cấu trúc răng, đặc biệt là khi bác sĩ nha khoa thiếu kinh nghiệm, thực hiện không được thành thục. Đây là nhược điểm lớn nhất của phương pháp bọc sứ, dẫn tới một số vấn đề ảnh hưởng như:
- Răng dễ bị ê buốt, đau nhức, đặc biệt là khi đánh răng hoặc ăn uống.
- Mài răng sai kỹ thuật có thể ảnh hưởng xấu tới tủy răng và ảnh hưởng đến việc bảo tồn răng thật.
- Cấu trúc răng thật bị tác động dẫn tới việc sai lệch khớp cắn và rối loạn khớp thái dương hàm.
Răng trở nên kém nhạy cảm: Với người có cơ địa răng nhạy cảm, việc mài bớt cùi răng thật sẽ khiến răng trở nên kém nhạy cảm, đặc biệt là việc cảm nhận thức ăn, nước uống… Tình trạng này sẽ dẫn đến cảm giác kém ngon miệng, lâu dài sẽ cản trở quá trình ăn nhai, thậm chí gây biếng ăn.
Tuổi thọ không cao như răng thật: Tuổi thọ của răng sứ sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như vật liệu sứ, tay nghề bác sĩ, cách chăm sóc răng… Tuy nhiên dù sao thì răng sứ cũng không có tuổi thọ cao như răng thật. Trung bình, khi bọc răng sứ loại tốt, có độ bền khoảng 10 năm, nhưng nếu sử dụng các dòng sứ chất liệu trung bình, tuổi thọ của răng có thể ngắn hơn.
Răng sứ dễ bị vỡ, nứt, gãy: Chính vì chất liệu sứ khá cứng, giòn và độ liên kết kém hơn răng thật nên cũng rất dễ bị vỡ. Khi sử dụng loại vật liệu sứ kém chất lượng thì răng càng dễ bị nứt, vỡ dù không có lực tác động mạnh. Ngoài ra, do khả năng chịu nhiệt kém, nên trong quá trình ăn uống nếu sử dụng nóng hoặc lạnh, răng sứ rất dễ bị ảnh hưởng và giảm độ bền.
Viêm nướu, hôi miệng: Trường hợp này thường gặp khi thực hiện bọc răng sứ ở phòng khám nha khoa không có nhiều thiết bị, máy móc hiện đại. Quá trình lấy dấu và chế tác răng sứ không chính xác nên răng sứ không sát khít với cùi răng và tạo ra khe hở, khiến thức ăn dễ mắc kẹt lại, tạo điều kiện cho vi khuẩn có hại phát triển, gây hôi miệng, viêm nướu, nhiễm trùng…
Hậu quả dẫn đến là gây đau đớn và mất thẩm mỹ, răng sứ xuống cấp chỉ sau một thời gian, thậm chí màu răng còn đổi màu ố vàng, quanh nướu sẽ xuất hiện các viền đen gây mất thẩm mỹ. Trường hợp bác sĩ thực hiện không có nhiều kinh nghiệm, tay nghề kém, mài răng sai tỷ lệ và xâm lấn quá nhiều vào cấu trúc của răng thật sẽ khiến nguy cơ tổn thương tủy răng. Lúc này răng sẽ rất nhạy cảm, dễ bị hư hại và không thể khôi phục.
![Những lưu ý khi bọc răng sứ- Ảnh 3. Những lưu ý khi bọc răng sứ- Ảnh 3.](https://suckhoedoisong.qltns.mediacdn.vn/324455921873985536/2025/2/9/tut-nuou-o-rang-boc-su-1739078780118799895204.jpg)
Nếu kỹ thuật bọc răng không tốt, sau khi bọc răng sứ có thể bị đổi màu, tạo kẽ hở...
Khi nào nên bọc răng sứ?
Với những ưu nhược điểm trên, nên bọc răng sứ không phải giải pháp tối ưu cho tất cả mọi người.
Chỉ định bọc răng sứ trong các trường hợp:
- Răng thật bị gãy, vỡ, sứt mẻ gây khó khăn trong việc ăn nhai và làm mất thẩm mỹ.
- Răng bị yếu do sâu răng ở mức độ nặng, nếu không điều trị về lâu dài có thể dẫn đến mất răng.
- Răng gặp các vấn đề về thẩm mỹ như răng thưa, hở kẽ, bề mặt men bong tróc, răng bị nhiễm màu nặng, răng bị khấp khểnh hoặc lệch lạc nhẹ.
Những trường hợp không nên bọc răng sứ:
- Sai lệch khớp cắn: Khi cấu trúc xương hàm bị lệch khiến khớp cắn sai lệch thì không nên bọc răng sứ. Nếu muốn bọc răng sứ để bảo đảm thẩm mỹ cần thực hiện phẫu thuật hoặc chỉnh nha để đưa xương hàm về đúng vị trí khớp cắn trước.
- Răng quá nhạy cảm: Trong quá trình trồng răng sứ sẽ phải tiến hành mài cùi răng thật, sẽ tác động đến cấu trúc răng thật, khiến răng thật trở nên nhạy cảm hơn. Trong quá trình thực hiện bọc răng sứ sẽ thất khó chịu, thậm chí sau khi hoàn thành, quá trình bảo vệ răng sẽ phức tạp hơn, thậm chí có thể gây nên một số hiện tượng bất thường đối với sức khỏe răng miệng.
- Răng bị lung lay: Lúc này chân răng đã không còn chắc chắn, nếu tiến hành mài cùi răng sẽ khiến răng yếu hơn nên việc bọc răng sứ không hiệu quả mà còn rất lãng phí. Trường hợp này nên điều trị bảo tồn nếu có thể, trường hợp không thể bảo tồn thì nên nhổ răng thật để trồng răng mới bằng các phương pháp khác phù hợp hơn.
- Răng bị nhiễm trùng: Răng sâu, viêm nha chu, nhiễm trùng... việc bọc răng sứ không có tác dụng phục hồi răng thật mà còn khiến tình trạng bệnh nặng hơn.
- Chân răng yếu: Bọc răng sứ đòi hỏi chân răng phải đủ chắc để nâng đỡ răng sứ. Nếu chân răng yếu, răng vỡ nặng hoặc quá ngắn thì khi bọc răng sứ sẽ dễ bị lung lay. Sau khi bọc răng sứ sẽ không đủ lực để ăn nhai và có thể bị tổn thương, rễ gãy rụng.
Ngoài ra, bọc răng sứ còn chống chỉ định với người mắc các bệnh lý về tim mạch, máu khó đông...
Mời độc giả xem thêm video:
Đánh răng mỗi ngày nhưng không phải ai cũng làm đúng cách | SKĐS