Thực phẩm là nguồn cung cấp chủ yếu vitamin cho cơ thể. Nếu chế độ dinh dưỡng tốt, cơ thể chúng ta đã được cung cấp đầy đủ vitamin. Trong một số trường hợp do bệnh tật, người già yếu, phụ nữ có thai…, nhu cầu vitamin tăng cao hay khi chế độ dinh dưỡng không cung cấp đủ vitamin, các thầy thuốc sẽ chỉ định bổ sung vitamin cho cơ thể. Trong thành phần của các thuốc này, thường chứa nhiều loại vitamin nên còn được gọi là viên thuốc đa sinh tố (multivitamin).
Khi bổ sung vitamin cho cơ thể, cần lưu ý với các tương tác thuốc đối với từng loại vitamin có trong thành phần:
Vitamin A (retinol):
Vitamin A là vitamin tan trong dầu, có nhiều trong gan, bơ, sữa và các loại rau quả có màu cam hoặc xanh như: gấc, cà rốt, rau diếp… Vitamin A đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường thị lực, tăng trưởng xương, cấu trúc biểu mô, tăng cường hệ miễn dịch… Khi cơ thể thiếu hụt vitamin A sẽ gây ra bệnh khô mắt, quáng gà. Trong trường hợp nghiêm trọng có thể dẫn đến mù!
Cần lưu ý:
- Không nên phối hợp vitamin A với các chế phẩm retinoid (có công thức tương tự vitamin A) như: isotretinoin, acitretin sẽ gây độc tính cho cơ thể (tương tự như độc tính do dùng vitamin A liều cao).
- Một số loại thuốc như: neomycin, cholestyramin, parafin lỏng làm giảm hấp thu vitamin A nên lưu ý không sử dụng đồng thời với nhau.
- Các thuốc uống tránh thai có thể làm tăng nồng độ vitamin A trong huyết tương.
Vitamin B6 (pyridoxine):
Vitamin B6 là vitamin tan trong nước, có nhiều trong thịt, cá, ngũ cốc, rau quả. Vitamin B6 có vai trò quan trọng trong dẫn truyền thần kinh và tạo ra hồng cầu cho cơ thể. Khi cơ thể thiếu hụt vitamin B6 sẽ gây ra các triệu chứng nhức đầu, thiếu máu, co giật, bong da…
Cần lưu ý: tránh kết hợp vitamin B6 với levodopa hoặc phenytoin do ức chế sự hoạt động của hai loại thuốc này và làm giảm tác dụng.
Vitamin E (tocopherol):
Vitamin E là vitamin tan trong dầu, có nhiều trong dầu thực vật, các hạt ngũ cốc, mầm lúa mì và các quả hạch. Vitamin E là chất chống oxy hóa rất quan trọng, giúp bảo vệ tế bào và các mô của cơ thể khỏi bị tấn công bởi các phân tử gốc tự do. Khi cơ thể bị thiếu hụt vitamin E sẽ gây ra một số bệnh lý như: xơ vữa động mạch (atherosclerosis), bệnh Alzheimer, ung thư…
Cần lưu ý: vitamin E sẽ làm gia tăng nguy cơ chảy máu khi kết hợp với warfarin (thuốc chống đông máu) hoặc aspirin (thuốc chống kết tập tiểu cầu).
Vitamin K (phytomenadione, menaquione):
Vitamin K là vitamin tan trong dầu, có trong các loại rau lá xanh và gan, thịt. Vitamin K góp phần cho sự tạo thành prothrombin trong gan, có vai trò thiết yếu cho quá trình đông máu.
Cần lưu ý vitamin K làm giảm tác dụng của warfarin nên không được sử dụng chung với nhau.
Vitamin PP (niacin):
Vitamin PP (còn gọi là vitamin B3) là vitamin thuộc nhóm B tan trong nước, có trong thịt, trứng, sữa, cá, rau xanh, ngũ cốc. Vitamin PP cần thiết để tạo ra năng lượng cho sự hoạt động cùa các tế bào trong cơ thể và sản sinh ra các axít béo.
Khi cơ thể thiếu hụt vitamin PP sẽ gây ra bệnh Pellagra với các triệu chứng viêm da ở vùng không che phủ, suy nhược, tiêu chảy…
Cần lưu ý khi kết hợp vitamin PP với các thuốc sau:
- Nhóm thuốc statin (Simvastatin, Lovastatin…) khi kết hợp với vitamin PP, có thể làm gia tăng nguy cơ gây tiêu cơ vân (rhabdomyolysic).
- Với thuốc điều trị cao huyết áp: vitamin PP là thuốc gây giãn mạch, thường gây ra hiện tượng đỏ bừng mặt và hạ huyết áp. Vì vậy tránh kết hợp vitamin PP với thuốc điều trị cao huyết áp vì có thể gây ra hạ huyết áp quá mức.
- Với các thuốc chống đông máu (warfarin, dicoumarol…): nên tránh kết hợp với vitamin PP, Do vitamin PP làm tăng tác dụng của thuốc chống đông máu, gia tăng nguy cơ gây chảy máu.
Axít folic:
Axít folic (còn gọi là vitamin B9) là vitamin tan trong nước, có trong rau qủa, ngũ cốc, gan, thịt. Axít folic cần thiết cho quá trình tạo máu và tổng hợp axít nucleic trong cơ thể. Nhu cầu axít folic tăng cao ở phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh. Khi mang thai, nếu cơ thể ngưởi mẹ bị thiếu axít folic, trẻ sinh ra có nguy cơ bị khuyết tật ống thần kinh. Và khi cơ thể không được cung cấp đầy đủ axít folic trong thời gian dài, sẽ gây ra bệnh thiếu máu nguyên hồng cầu khổng lồ (Megaloblastic anemia).
Cần lưu ý khi kết hợp axít folic với các thuốc sau:
- Khi kết hợp với sulfasalazin hoặc các thuốc tránh thai, axít folic có thể bị giảm hấp thu trong cơ thể.
- Với các thuốc chống co giật như phenytoin, nồng độ các thuốc này sẽ bị giảm đi khi hấp thu trong cơ thể.
- Khi kết hợp với cotrimoxazol sẽ làm giảm tác dụng điểu trị bệnh thiếu máu nguyên hồng cầu khổng lồ của axít folic.
Với những lưu ý trên cho thấy việc sử dụng thuốc bổ sung vitamin cũng cần phải hết sức thận trọng. Một chế độ dinh dưỡng phong phú, đầy đủ các chất sẽ là cách bổ sung vitamin hiệu quả và an toàn nhất cho cơ thể!