Những lưu ý khi bị trào ngược dạ dày - thực quản

09-12-2019 06:23 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Bệnh lý trào ngược dạ dày - thực quản chiếm tỷ lệ khoảng 10 - 15% trong dân số nhưng xu thế ngày càng tăng do những thay đổi về chế độ ăn uống cũng như sinh hoạt.

Bệnh không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống do các triệu chứng mà còn có thể gây các biến chứng nặng như loét thực quản, hẹp thực quản và ung thư hóa.

Nguyên nhân do đâu?

Cho đến nay, chưa có bằng chứng cụ thể về nguyên nhân gây hội chứng trào ngược dạ dày - thực quản (TNDD-TQ) nhưng có một số yếu tố thuận lợi làm cho hội chứng này xuất hiện. Có thể do gene vì qua tổng kết cho thấy ở một số gia đình có nhiều người cùng mắc chứng TNDD-TQ. Động tác co thắt thực quản chủ yếu là do hệ thống cơ thắt dưới thực quản đảm đương chủ yếu (phía trong là cơ tròn, phía ngoài là cơ vân) làm cho thực quản co bóp nhịp nhàng, mỗi khi nuốt thì chúng giãn ra, hết nuốt là chúng co lại và đóng kín để không cho dịch vị và thức ăn ở dạ dày trào ngược lên. Khi hệ thống cơ này bị rối loạn do tác động cơ học như: viêm, loét, u, đặt ống thông dạ dày hoặc do rối loạn hệ thần kinh thực vật thì sẽ xuất hiện hội chứng trào ngược. TNDD-TQ cũng có thể do thoát vị hoành, bệnh xơ cứng bì. Một số loại thức ăn hàng ngày nếu kéo dài và lặp lại nhiều lần cũng có thể gây nên hội chứng TNDD-TQ như: thức ăn có nhiều mỡ, nhiều gia vị, nhất là các loại gia vị cay nhiều (ớt, hạt tiêu, bồ tạt), hành, bạc hà hoặc một số thực phẩm có khả năng làm giảm trương lực cơ trơn như: caffein, sôcôla, nước giải khát có gas. Một số người ăn quá nhiều loại gia vị này làm cho rối loạn co bóp của thực quản, dạ dày và các hệ thống tiêu hóa khác.

Những lưu ý khi bị trào ngược dạ dày - thực quảnTrào ngược dạ dày - thực quản có thể gây các biến chứng nặng nề.

Người ta thấy có những trường hợp béo phì, ít vận động hoặc ăn xong là nằm ngay gây khó khăn cho việc dạ dày nhào trộn thức ăn cũng gây nên hội chứng TNDD-TQ. Những người uống nhiều bia, rượu hoặc nghiện thuốc lá cũng có nguy cơ cao mắc chứng TNDD-TQ. Bởi vì rượu, bia hoặc chất nicotin đều có tác động mạnh vào niêm mạc thực quản, dạ dày gây viêm và gây tăng tiết dịch vị (dạ dày). Ngoài các yếu tố trên thì TNDD-TQ có thể gặp ở những người dùng một số thuốc để điều trị một bệnh nào đó như thuốc an thần, thuốc chẹn kênh canxi trong điều trị bệnh tăng huyết áp.

Các triệu chứng điển hình

Triệu chứng chính thường gặp là ợ nóng với cảm giác nóng rát ở vùng ngực sau xương ức, từ thượng vị lan lên cổ và họng. Triệu chứng này thường xuất hiện sau bữa ăn và khi ở tư thế khi cúi gập người hoặc khi nằm và thường tăng lên về đêm. Do vậy, nhiều người cho rằng mình bị viêm loét dạ dày - tá tràng, viêm thanh quản, hen...

Dưới đây là một số biểu hiện cụ thể:

Nóng bỏng sau xương ức: Cảm giác nóng, đau ở thượng vị lan lên ngực, sau xương ức. Thường xảy ra sau bữa ăn hoặc cúi mình về phía trước, lúc nằm ngửa. Ăn vào có thể làm triệu chứng kéo dài, nặng thêm như khi ăn nhiều mỡ, uống cà phê, ăn sôcôla. Ban đêm bị đau, khó chịu nếu ngồi dậy hoặc nâng cao đầu thì đỡ.

Ợ chua: Dịch trào ngược có thể ứa lên miệng vị chua. Đây cũng là triệu chứng đặc trưng của bệnh.

Các biểu hiện ở tai - mũi - họng: Họng rối loạn cảm giác thường có, làm bệnh nhân mô tả đủ kiểu, lo lắng vì dai dẳng. Cảm giác nuốt nghẹn như có dị vật hoặc vướng. Vị trí ở giữa sau xương ức hay yết hầu hoặc chỉ một bên cổ, đôi khi lan lên tai, họng mất cảm giác, khi nuốt nước bọt vào thì hết. Nuốt khó, nuốt đau, nếu có kèm theo nghẹn thức ăn thì gợi ý có hẹp thực quản. Biểu hiện ở thanh quản: có khản tiếng, sáng dậy khản đặc rồi hết nhanh, thường ho nhiều

Các biểu hiện ở phổi: Khó thở ban đêm: Do hít phải dịch axit vào phế quản ít gặp nhưng nặng.

Đau ngực: TNDD-TQ là nguyên nhân thông thường nhất của đau ngực không do bệnh tim. Đau thường sau bữa ăn hoặc ban đêm, đau kéo dài nhiều giờ, sau xương ức, không lan sang bên, đau giảm khi uống thuốc kháng acid. Đau giống như cơn đau thắt ngực.

Ngoài ra còn có các biểu hiện không điển hình và hiếm gặp: ợ, nấc từng đợt.

Những lưu ý khi bị trào ngược dạ dày - thực quản

Chẩn đoán và điều trị

Chủ yếu dựa vào lâm sàng qua hỏi kỹ triệu chứng chức năng trong bệnh sử. Nội soi thực quản dạ dày: xác định được tổn thương của viêm thực quản, phân loại mức độ viêm thực quản để có hướng xử trí.

Về điều trị, tùy từng trường hợp mà bác sĩ có chỉ định cụ thể. Tùy thuộc mức độ nặng của bệnh, có thể phối hợp các phương pháp sau đây:

Làm giảm độ acid của dạ dày bằng các thuốc kháng acid (làm trung hòa acid trong dạ dày), các thuốc kháng H2 (làm giảm tiết acid ở dạ dày) và các thuốc ức chế bơm proton (làm giảm tiết acid tốt nhất, duy trì độ pH của dạ dày trên 4). Người ta khuyến cáo nên dùng thuốc ức chế bơm proton ngay từ đầu, chi phí điều trị cao nhưng bù lại có thể làm giảm triệu chứng nhanh nhất và giảm được số lần phải tái khám.

Khi không đáp ứng với điều trị nội khoa, có thể sử dụng các phương pháp điều trị xâm hại tối thiểu như: điều trị bằng nhiệt độ cực thấp, cắt niêm mạc nội soi, điều trị bằng laser hay sóng cao tần. Cần lắm mới phải làm phẫu thuật khâu gấp đáy vị của dạ dày quanh đoạn dưới thực quản để tăng cường cho cơ thắt dưới thực quản, chống trào ngược. Trong các trường hợp thực quản Barrett với loạn sản nặng hay ung thư thực sự, cân nhắc khả năng cắt bỏ phần lớn thực quản.

Người bệnh cần chú ý gì?

Bên cạnh việc dùng thuốc thì việc duy trì chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý sẽ góp phần quan trọng trong việc điều trị bệnh lý TNDD-TQ.

Thay đổi lối sống bằng cách: Bỏ thuốc lá, rượu bia, cà phê, các thức ăn và gia vị cay chua; Tránh cúi gập người, tránh vận động hoặc đi nằm ngay sau khi ăn; Cố gắng giảm cân nếu bị béo phì; Tránh mặc quần áo bó sát, thắt lưng quá chặt; Ngủ nằm đầu cao bằng cách kê cao đầu giường khoảng 15 - 20cm; Tránh ăn quá no, nên chia ra nhiều bữa nhỏ.


ThS.BS. Quốc Minh
Ý kiến của bạn