1. Vai trò của tập luyện đối với người mắc bệnh mạch vành
Lối sống tĩnh tại, không vận động thường xuyên dễ dẫn đến nguy cơ mắc bệnh mạch vành. Nguyên nhân là do các chất dinh dưỡng không được chuyển hóa thành năng lượng, tích tụ lại dưới dạng chất béo.
Những người lười vận động thường có nguy cơ cao bị xơ vữa động mạch, thúc đẩy sự hình thành hoặc tiến triển của bệnh mạch vành. Chính vì vậy, việc tăng cường vận động, tập luyện thể dục thể thao có ý nghĩa quan trọng đối với việc cải thiện hoặc phòng ngừa bệnh mạch vành.
Tập luyện thường xuyên giúp làm giảm huyết áp động mạch, cải thiện nồng độ cholesterol trong máu: làm giảm các thành phần mỡ có hại trong máu (LDL hoặc cholesterol toàn phần), làm tăng các thành phần mỡ có lợi (HDL), nhờ đó làm giảm tiến triển của xơ vữa động mạch - yếu tố nguy cơ chính của bệnh mạch vành.
Bên cạnh đó, việc tập luyện thường xuyên giúp tăng cường dưỡng khí cho cơ tim, thúc đẩy sự hình thành và hoạt động vòng tuần hoàn nhánh, tăng lượng huyết lưu của vòng tuần hoàn này. Đồng thời, giảm thiểu tình trạng tiêu hao dưỡng khí cho cơ tim và tăng khả năng phản ứng chung của hệ thống tuần hoàn máu…
![Những lưu ý đối với người bệnh mạch vành khi tập luyện- Ảnh 1. Những lưu ý đối với người bệnh mạch vành khi tập luyện- Ảnh 1.](https://suckhoedoisong.qltns.mediacdn.vn/324455921873985536/2025/1/19/photo-1737259575381-1737259575530286022999.jpeg)
Tập luyện thường xuyên có ý nghĩa quan trọng đối với việc cải thiện hoặc phòng ngừa bệnh mạch vành.
2. Những môn thể thao tốt cho người bệnh mạch vành
Tập thể dục thường xuyên là một phần quan trọng trong quá trình điều trị và phòng ngừa bệnh mạch vành. Các bài tập phổ biến phù hợp cho người bệnh bao gồm:
2.1. Đi bộ
Đi bộ là bài tập đơn giản, dễ thực hiện. Đi bộ có thể giúp giảm cholesterol trong máu, đồng thời giảm nguy cơ tăng huyết áp. Các chuyên gia khuyên, nên đi bộ ít nhất 30 phút mỗi ngày, 5 ngày mỗi tuần; có thể đi bộ ở công viên, quanh nhà hoặc trên máy chạy bộ.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, bỏ ra 30 phút mỗi ngày để đi bộ có thể giảm 18% nguy cơ mắc bệnh mạch vành; hay đi bộ 3 tiếng mỗi tuần thì nguy cơ nhồi máu cơ tim sẽ giảm được 35%.
![Những lưu ý đối với người bệnh mạch vành khi tập luyện- Ảnh 2. Những lưu ý đối với người bệnh mạch vành khi tập luyện- Ảnh 2.](https://suckhoedoisong.qltns.mediacdn.vn/324455921873985536/2025/1/19/photo-1737259576451-17372595765671991320796.jpeg)
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, đi bộ 30 phút mỗi ngày có thể giảm 18% nguy cơ mắc bệnh mạch vành.
2.2. Đạp xe đạp
Đạp xe là bài tập hiệu quả giúp cải thiện sức khỏe tim mạch, tốt cho người bệnh mạch vành. Đạp xe không những giúp cơ bắp dẻo dai mà còn giúp tăng sức bền cho tim, thúc đẩy quá trình tuần hoàn máu và trao đổi chất. Người bệnh tim mạch có thể lựa chọn đạp xe đạp tại nhà với máy tập. Đây là phương pháp tập luyện an toàn vì không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài như thời tiết, giao thông cũng như chủ động được thời gian tập luyện.
![Những lưu ý đối với người bệnh mạch vành khi tập luyện- Ảnh 3. Những lưu ý đối với người bệnh mạch vành khi tập luyện- Ảnh 3.](https://suckhoedoisong.qltns.mediacdn.vn/324455921873985536/2025/1/19/photo-1737259576932-1737259577006629500066.jpeg)
Đạp xe là bài tập hiệu quả giúp cải thiện sức khỏe tim mạch, tốt cho người bệnh mạch vành.
2.3. Aerobic
Đây là một loại hình tập luyện không quá nặng và cần nhiều sức, chính vì thế nó rất an toàn đối với những người bị bệnh tim mạch. Đối với những người đang có vấn đề về tim mạch có thể tập luyện khoảng 20-25 phút mỗi buổi tập và nên tập những bài tập nhẹ nhàng khoảng 5 buổi/tuần.
2.4. Bơi lội
Bơi lội giúp cơ thể phát triển cơ bắp và góp phần quan trọng trong việc cải thiện hệ tim mạch. Bơi lội là bài tập toàn thân, giúp nâng cao sức khỏe, ổn định nhịp tim hiệu quả, rất tốt cho người bệnh mạch vành. Bơi lội thường xuyên còn giúp ổn định huyết áp và thúc đẩy quá trình tuần hoàn máu.
Nên bơi khoảng 30-60 phút/buổi, 3-4 buổi/ tuần có thể giúp giảm nguy cơ tim mạch, đột quỵ, đái tháo đường.
![Những lưu ý đối với người bệnh mạch vành khi tập luyện- Ảnh 5. Những lưu ý đối với người bệnh mạch vành khi tập luyện- Ảnh 5.](https://suckhoedoisong.qltns.mediacdn.vn/324455921873985536/2025/1/19/photo-1737259577413-1737259577474713395945.jpeg)
Bơi lội thường xuyên giúp ổn định huyết áp và thúc đẩy quá trình tuần hoàn máu.
2.5. Chạy bộ
Chạy bộ là cách tập luyện rất tốt cho người bệnh tim. Mỗi buổi tập nên bắt đầu chạy chậm, sau đó nhanh dần nhưng vừa sức và đều đặn. Khi thấy mệt thì chạy chậm dần lại trước khi dừng hẳn. Những buổi tập đầu tiên nên chạy những quãng đường ngắn, vài trăm mét hoặc người yếu thì vài chục mét, nhưng sau đó sẽ tăng dần lên. Có thể mỗi tuần chỉ chạy 3 - 4 lần, với điều kiện tổng số chiều dài quãng đường được nâng dần lên.
![Những lưu ý đối với người bệnh mạch vành khi tập luyện- Ảnh 6. Những lưu ý đối với người bệnh mạch vành khi tập luyện- Ảnh 6.](https://suckhoedoisong.qltns.mediacdn.vn/324455921873985536/2025/1/19/photo-1737259577889-1737259577943305010000.jpeg)
Chạy bộ là phương thức tập luyện rất tốt giúp cải thiện sức khỏe nói chung và hệ tim mạch nói riêng.
2.6. Yoga
Các chuyên gia tim mạch cho rằng, việc áp dụng yoga như một phương pháp tập luyện đều đặn hàng ngày và theo đúng cách là lựa chọn lý tưởng cho những người mắc các bệnh lý liên quan đến tim mạch. Sau một khoảng thời gian, sự giảm đáng kể về mức đường huyết, huyết áp, và nồng độ triglycerides trong cơ thể của những người này rất rõ rệt. Sự suy giảm này đối với những yếu tố có hại cho tim mạch không chỉ giúp cải thiện tình trạng sức khỏe mà còn giảm nguy cơ mắc bệnh.
Người bệnh mạch vành có thể tham khảo thực hiện một số tư thế yoga tốt cho tim mạch như tư thế cây cầu, rắn hổ mang, cái cây, mèo - bò,…
![Những lưu ý đối với người bệnh mạch vành khi tập luyện- Ảnh 7. Những lưu ý đối với người bệnh mạch vành khi tập luyện- Ảnh 7.](https://suckhoedoisong.qltns.mediacdn.vn/324455921873985536/2025/1/19/photo-1737259578395-173725957848228737089.jpeg)
Việc áp dụng yoga như một phương pháp tập luyện đều đặn hàng ngày là lựa chọn lý tưởng cho những người mắc các bệnh lý liên quan đến tim mạch.
3. Người bệnh mạch vành cần lưu ý gì khi tập luyện?
Tập luyện rất tốt cho sức khỏe, tuy nhiên đối với những người mắc bệnh mạch vành cần hết sức lưu ý để không tăng gánh nặng cho tim.
Những bài tập có cường độ quá cao không thích hợp với người mắc bệnh mạch vành. Do vậy, nên tăng dần cường độ và tần suất tập luyện. Đối với những người thể trạng yếu, phương thức luyện tập phù hợp là vài phút thì tạm nghỉ bằng thời gian tập hoặc nghỉ gấp đôi thời gian tập, tiếp tục lặp đi lặp lại trong thời gian khoảng 30-40 phút cho một lần tập luyện. Tiến hành tập luyện như thế đến khi thể lực được tăng cường mới lại kéo dài thời gian tập. Cần duy trì tập luyện đều đặn và thường xuyên.
Trước khi bắt đầu bất kỳ một bài tập nào, người bệnh đều cần khởi động kỹ tối thiểu 15 phút để cơ thể thích nghi dần.
Trong quá trình tập, không nên gắng sức vì có thể dẫn đến nguy hiểm. Cần lưu ý đến những dấu hiệu của việc vận động quá sức. Nếu cảm thấy chế độ tập luyện quá nặng nên giảm cường độ tập luyện xuống. Nếu xuất hiện những triệu chứng như đau ngực, khó thở, hoa mắt, chóng mặt, ngất, đau nhức cơ xương hoặc bất kỳ triệu chứng bất thường nào thì cần dừng lại. Nếu triệu chứng không giảm, cần đến bác sĩ kiểm tra.
Thời tiết cũng là một yếu tố người bệnh cần chú ý. Vận động ở thời tiết có độ ẩm cao sẽ làm cơ thể nhanh mệt. Vận động trong thời tiết quá nóng hay quá lạnh đều có thể ảnh hưởng đến hệ tuần hoàn, gây khó thở, đau ngực, khiến huyết áp dao động, không ổn định và có thể là yếu tố khởi phát cho những đợt đau thắt ngực hay nhồi máu cơ tim.
Sau khi tập, nếu dừng hoạt động đột ngột sẽ khiến tim khó thích nghi ngay, gây tác động không tốt cho tim. Vì vậy, một điều rất quan trọng là cần để cơ thể có thời gian hồi tĩnh sau khi tập, đồng thời cần lưu ý tới phản ứng của nhịp tim và huyết áp.
Tóm lại, tập luyện là một phần không thể thiếu trong quá trình điều trị bệnh mạch vành. Tuy nhiên, trước khi tập luyện, người bệnh cần đến gặp bác sĩ để được tư vấn cụ thể về chế độ tập luyện với cường độ phù hợp với thể trạng của mình.