1. Bệnh gout là gì?
Bệnh gout - là một bệnh khớp sinh ra do rối loạn chuyển hoá các nhân purin, dẫn đến tăng nồng độ acid uric trong máu. Khi acid uric máu tăng đến một mức nào đó (mức độ này thay đổi ở từng cá thể), chúng sẽ bị bão hoà ở dịch ngoài tế bào dẫn đến lắng đọng tại các mô, khớp, thận gây nên các triệu chứng của bệnh gút trên lâm sàng. Bệnh thường gặp ở nam giới tuổi trung niên, đỉnh khởi phát bệnh là 50 tuổi, nhưng tỷ lệ mắc bệnh tăng dần ở cả hai giới nam và nữ ở các nhóm tuổi cao hơn.
Bệnh gout được chia làm hai loại: Gout nguyên phát và gout thứ phát.
Gout nguyên phát do rối loạn chuyển hoá bẩm sinh dẫn đến tăng tổng hợp acid uric quá nhiều hoặc giảm khả năng đào thải acid uric của thận mà không có tổn thương thực thể tại thận.
Gout thứ phát do tăng tổng hợp acid uric thứ phát như trong chế độ ăn nhiều purin, bệnh lý tuỷ tăng sinh, tan máu, bệnh vẩy nến… hoặc giảm đào thải acid uric máu do nguyên nhân thận như suy thận, toan chuyển hoá, mất nước, do thuốc (lợi tiểu, cyclosporin, pyrazinamid, ethambutol, aspirin liều thấp).
Như vậy, tình trạng tăng acid uric máu mạn tính trong bệnh gout có thể là hậu quả của tăng sản xuất hoặc giảm đào thải acid uric qua thận hoặc phối hợp cả hai cơ chế. Ở nồng độ dưới 7,0mg/dl (420mmol/l) và pH bằng 7,4 acid uric gần như hoà tan hoàn toàn trong máu dưới dạng ion (+) urat. Khi nồng độ này trong máu vượt quá nồng độ hoà tan tối đa, urat kết tủa thành các vi tinh thể urat. Các điều kiện thuận lợi cho sự lắng đọng và kết tủa tinh thể bao gồm nhiệt độ thấp (ở các khớp ngoại vi, trời lạnh), giảm pH dịch ngoài tế bào; ngoài ra còn có các yếu tố khác như stress, chấn thương...
2. Vì sao ngày tết bệnh gout dễ khởi phát?
Trong ngày tết có rất nhiều yếu tố tác động có thể gây khởi phát cơn gout cấp hoặc làm nặng thêm tình trạng bệnh. Đầu tiên phải nói đến là chế độ ăn uống không hợp lý.
Uống nhiều rượu bia: Các bữa ăn ngày tết thường có rất nhiều rượu bia. Theo một nghiên cứu ở Việt Nam có tới 75% bệnh nhân gout uống rượu bia thường xuyên trung bình từ 7-10 năm và khoảng 30% bệnh nhân uống nhiều hơn 2 loại rượu bia; đồng thời trong các ngày tết lượng rượu bia được sử dụng cao gấp nhiều lần ngày thường. Uống nhiều rượu bia sẽ gây tăng tổng hợp và giảm đào thải acid uric dẫn đến làm acid uric máu tăng và acid uric nước tiểu giảm.
Uống rượu thậm chí còn làm tăng acid uric máu rõ rệt hơn chế độ ăn nhiều chất đạm, biểu hiện ở nhóm nghiện rượu nhiều, ăn đạm ít có tỷ lệ tăng acid uric máu cao hơn nhóm nghiện rượu ít hơn nhưng ăn đạm nhiều hơn. Như vậy có thể giải thích hiện tượng ngày xưa cho rằng bệnh gout là bệnh của người giàu, người béo, vì người giàu có chế độ ăn nhiều đạm thịt. Tuy nhiên, thực té chúng ta vẫn thấy nhiều người nghèo, người gầy bị gout do họ uống nhiều rượu.
Chế độ ăn: Ngày tết chế độ ăn giàu đạm thịt cũng là một nguyên nhân quan trọng gây khởi phát cơn gout cấp. Thực phẩm ngày tết thường có các loại thịt có màu đỏ như thịt trâu, bò, thịt dê, thịt chó; phủ tạng động vật như lòng, tim, gan, thận, óc, lưỡi; hay hải sản, trứng gia cầm, nhất là các loại trứng đang phát triển thành phôi như trứng vịt lộn... được xếp vào nhóm thức ăn nguy cơ cao vì chứa rất nhiều nhân purin là nguyên liệu tổng hợp nên acid uric.
Một số loại rau củ như măng tre, măng trúc, măng tây, nấm, giá, dọc mùng cũng được xếp vào nhóm nguy cơ cao cần tránh dùng cho bệnh nhân gout vì làm tăng tốc độ tổng hợp acid uric trong cơ thể. Nhóm thực phẩm giàu đạm xếp vào nhóm nguy cơ vừa bao gồm đạm động vật nói chung như thịt lợn, thịt gà, thịt vịt; cá và các loại thủy sản như lươn, cua, ốc, ếch; các đạm có nguồn gốc thực vật như đậu hạt nói chung như đậu Hà Lan, đậu trắng, đậu đỏ, đậu xanh. Có một điều thú vị là các chế phẩm từ đậu nành như như đậu phụ, sữa đầu nành… nhìn chung lại ít làm tăng acid uric hơn các loại đậu chưa chế biến.
Chế độ sinh hoạt: Ngoài chế độ ăn uống thì chế độ sinh hoạt cũng là một trong những yếu tố góp phần khởi phát cơn gout cấp. Ngày tết là lúc con người ta dễ bỏ qua những nguyên tắc sinh hoạt điều độ ngày thường, thường hội họp, bài bạc dẫn đến thức khuya quá mức; ăn mặc phong phanh không giữ đủ ấm; dễ bị các tai nạn giao thông, chấn thương do uống rượu không kiểm soát được bản thân... Các yếu tố trên gọi chung là các stress đều là những yếu tố thuận lợi phối hợp với chế độ ăn uống như đã nói ở trên dễ làm khởi phát cơn gout cấp.
Người mắc bệnh gout còn có thể mắc nhiều bệnh và các yếu tố nguy cơ kèm theo như béo phì, tăng huyết áp, các rối loạn chuyển hoá khác như tăng đường máu, rối loạn lipid máu hoặc có tiền sử dùng thuốc như thuốc lợi tiểu trong điều trị điều trị tăng huyết áp, suy tim, bệnh thận... Việc dùng corticoid, aspirin liều thấp kéo dài hay dùng các thuốc điều trị lao như pyrazynamide và ethambutol cũng làm tăng acid uric máu và góp phần làm trầm trọng thêm triệu chứng của bệnh.
Trong ngày tết, thay đổi về chế độ ăn uống, sinh hoạt, vận động thể lực cũng như sự tuân thủ điều trị kém hơn ngày thường (do tâm lý vui chơi quá đà hay chủ quan cho rằng bỏ thuốc một vài ngày cũng không ảnh hưởng) dễ làm nặng thêm tình trạng bệnh kèm theo cũng là yếu tố dễ gây khởi phát cơn gout cấp hay làm nặng thêm bệnh gút.
3. Người bệnh gout trong ngày tết cần chú ý những gì?
Kiêng tuyệt đối các thức ăn xếp vào nhóm nguy cơ cao như đã nói ở trên. Giảm bớt những thực phẩm thuộc nhóm nguy cơ vừa, không nên ăn quá 150g thực phẩm giàu đạm mỗi ngày. Giảm các thực phẩm giàu chất béo nguồn gốc động vật như mỡ, da động vật, thức ăn chiên, quay. Các thực phẩm chế biến với các chất béo no như mì tôm, thức ăn nhanh phải hạn chế ăn.
Nên ăn nhiều các thực phẩm giàu chất xơ nói chung như: Các loại rau xanh, dưa leo, xà lách, cà rốt, bắp cải, dưa chuột, dưa gang, cà chua... Nên ăn gạo, hoa quả các loại giúp làm chậm quá trình hấp thu đạm, làm giảm sử dụng đạm để sinh năng lượng góp phần giảm sự hình thành acid uric.
Tuyệt đối không ăn, uống bất kỳ một dạng chất chứa cồn nào như rượu, bia, cái rượu. Hạn chế đồ uống có ga, nước uống ngọt nhiều đường; hạn chế các đồ uống có tính acid như nước cam, chanh vì làm tăng nguy cơ kết tinh urat ở ống thận, tăng nguy cơ sỏi thận. Nên uống nhiều nước, tối thiểu 2 đến 3 lít nước mỗi ngày. Nên uống nước khoáng kiềm giúp tăng đào thải acid uric.
Duy trì một chế độ sinh hoạt điều độ, tránh thức khuya dậy sớm, tránh lạnh, tránh mọi mỏi mệt cả về tinh thần lẫn thể chất, làm việc nhẹ nhàng. Trong ngày Tết vẫn cần các bài tập rèn luyện sức khoẻ như ngày thường.
Mời độc giả xem thêm video:
Nhiễm COVID-19 nhẹ vẫn bị ảnh hưởng đến trí nhớ và khả năng chú ý |SKĐS