Hà Nội

Những lưu ý đặc biệt khi dùng thuốc trị nám, sạm da

30-07-2018 13:49 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Nám má, sạm da là một hiện tượng tăng sắc tố khiến cho tình trạng da của người bệnh đen sạm hơn so với da bình thường của chính mình.

Tình trạng này thường tăng nặng vào mùa hè. Mặc dù là bệnh lành tính nhưng ảnh hưởng nhiều đến tâm sinh lý và thẩm mỹ của người bệnh, đặc biệt là phụ nữ. Vậy dùng thuốc trị như thế nào?

Nguyên tắc điều trị

Nguyên tắc đầu tiên khi điều trị là phải tìm nguyên nhân, sau đó điều trị kết hợp với dự phòng tái phát bằng các loại thuốc bôi và thuốc uống.

Cụ thể, nếu nám má, sạm da do các bệnh tính chất bẩm sinh, di truyền phải hiệu chỉnh trong cấu trúc gene bệnh. Nếu sạm da do nhiễm khuẩn hay viêm nhiễm phải dùng kháng sinh và các thuốc chống viêm. Nếu do cháy nắng, rám nắng khi đi ra ngoài trời có biện pháp bảo vệ bằng kem chống nắng, áo dài tay, mũ rộng vành, kính... Nếu sạm da do hóa chất hay thuốc thì cần ngừng không sử dụng thuốc hay hóa chất gây sạm da (trong trường hợp buộc phải dùng thuốc hoặc hóa chất thì sau khi ngưng điều trị, tình trạng sạm da cũng sẽ dần được hồi phục). Nếu sạm da do các khối u thì phẫu thuật hoặc dùng laser loại bỏ; sạm da do rối loạn nội tiết phải dùng thuốc điều hòa nội tiết...

Quá trình hình thành nám, sạm da.

Quá trình hình thành nám, sạm da.

Một số thuốc điều trị nám, sạm da và lưu ý khi dùng thuốc

Hydroquinone: Được chỉ định trong các bệnh da tăng sắc tố như: tàn nhang, nám má, sạm da... Mặc dù thuốc có tác dụng làm giảm sắc tố da, tuy nhiên, nó không làm mất sắc tố vĩnh viễn. Thuốc có tác dụng làm giảm sắc tố da từ 1-4 tháng sau khi dùng thuốc và quá trình làm mất sắc tố thường kéo dài từ 2 - 6 tháng sau khi ngừng thuốc.

Trong quá trình dùng thuốc, bệnh nhân có thể gặp tác dụng không mong muốn, gây khó chịu như: viêm da tiếp xúc dị ứng; viêm da tiếp xúc kích ứng; khô da. Nếu dùng lâu dài, lạm dụng, thuốc có thể làm cho da trở thành màu nâu xám.

Không bôi hydroquinone ở vùng da gần mắt, vùng da bị xây xước, cháy nắng, da nhiễm khuẩn, không được dùng đồng thời với thuốc làm rụng lông. Những người dị ứng với thuốc hay bất cứ thành phần nào của thuốc không được dùng. Đặc biệt là đối với trẻ em dưới 13 tuổi; phụ nữ có thai, cho con bú, nếu tình trạng nám da, sạm da trở nên nặng hơn và buộc phải dùng thuốc, thì cần được các bác sĩ chuyên khoa da liễu có kinh nghiệm khám và tư vấn thận trọng.

Để hạn chế tác dụng không mong muốn của hydroquinone trước khi bôi thuốc, nên bôi thử vào một vùng da bình thường bất kỳ (thường là cẳng tay trước hay sau lưng), nếu không thấy có phản ứng gì mới bôi thuốc điều trị. Trong quá trình bôi thuốc, cần tránh tiếp xúc với ánh nắng.

Sau 2 tháng dùng hydroquinon mà không thấy giảm sắc tố thì nên dừng thuốc và đi khám lại. Nếu đạt được mức độ giảm sắc tố mong muốn thì nên dùng hydroquinon giảm liều để duy trì sự khử sắc tố, có thể bôi cách ngày trước khi dừng bôi.

Axit retinoic: Là chất tổng hợp được đưa vào cơ thể bằng đường uống hoặc bôi. Thuốc bôi trên da làm gián đoạn sự vận chuyển những hạt sắc tố melanin đã được hình thành trong tế bào sắc tố sang tế bào tạo sừng, nhất là tế bào sừng lớp đáy và cận đáy góp phần làm giảm sắc tố da. Đối với các bệnh da có tăng sắc tố, thuốc được dùng chủ yếu dưới dạng kết hợp với 1 hoặc 2 thuốc khác.

Lưu ý, tất cả các trường hợp muốn dùng thuốc này đều phải tuân theo chỉ định của bác sĩ da liễu. Do thuốc dễ gây kích ứng khi có ánh nắng mặt trời, nên dùng thuốc vào ban đêm, trước khi đi ngủ khoảng nửa tiếng, trong tình trạng da phải thật khô. Sau khi thoa thuốc xong cần rửa sạch tay bằng xà phòng để tránh bôi thuốc lên các vùng da khác không bị bệnh, đặc biệt  là mắt. Thuốc không được dùng cho những trường hợp dị ứng với bất kỳ thành phần nào của thuốc. Không dùng chung với các sản phẩm chứa hương liệu hay cồn. Phụ nữ có thai và cho con bú thì không nên dùng thuốc này.

Trong quá trình  bôi thuốc, có thể gặp đỏ da, bong vảy và ngứa nhẹ... tình trạng này sẽ thuyên giảm nếu được bôi mỡ corticoid. Tuy nhiên, nếu tình trạng dị ứng thuốc xảy ra nặng hơn thì cần ngừng bôi thuốc và báo lại với bác sĩ chuyên khoa.

Kem corticoid: Dùng loại kem bôi ngoài da có chứa cortiocid từ nhẹ đến trung bình như hydrocortisol.

Trường hợp nhẹ chỉ cần bôi thuốc giảm sắc tố da đơn thuần vào buổi tối trước khi đi ngủ 1 lần. Trường hợp trung bình hoặc nặng thì nên phối hợp 1 hoặc 2 loại thuốc có thể là thuốc giảm sắc tố da với kem chống nắng hoặc vitamin A axít hay mỡ corticoid.

Chú ý: Không dùng mỡ corticoid quá 10 ngày. Nếu có tác dụng phụ như: mẩn đỏ, da bị kích ứng… thì ngừng ngay thuốc và báo cáo với bác sĩ.

Kem chống nắng: Kem chống nắng có chỉ số bảo vệ cao là biện pháp rất quan trọng trong điều trị nám má, sạm da. Dù lựa chọn phương pháp điều trị gì, người bệnh cũng phải sử dụng phối hợp với kem chống nắng.

Do cơ quan chịu tác dụng nhiều nhất và trực tiếp của tia tử ngoại là da, nên có nhiều bệnh ngoài da liên quan đến ánh nắng kể cả các loại ung thư da. Kem chống nắng vừa có tác dụng hấp thu phần lớn các tia tử ngoại, vừa phản xạ lại ánh sáng trắng góp phần bảo vệ da. Ngoài ra nó còn được dùng phối hợp với một số thuốc bôi khác để điều trị một số bệnh, trong đó có bệnh da tăng sắc tố.

Để kem chống nắng phát huy hiệu quả, phải bôi kem chống nắng 30 phút trước khi ra nắng, kể cả hôm trời râm.


DS. Nguyễn Minh Thành
Ý kiến của bạn