Những lưu ý đặc biệt khi dùng thuốc ở người cao tuổi

19-07-2018 10:16 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Đối với người cao tuổi, các cơ quan đã bị tổn thương lưu cữu qua năm tháng, cộng với sự thay đổi tâm lý nên người có tuổi sẽ nhạy cảm hơn với thuốc. Hơn nữa, do mắc nhiều bệnh cùng lúc nên phải dùng nhiều thuốc điều trị.

Vì thế, các bất lợi xảy ra khi dùng thuốc ở đối tượng này tăng lên với số lượng thuốc dùng.  Vậy làm sao để dùng thuốc ở đối tượng này được an toàn…

Tại sao phải chú ý đến dùng thuốc

Ở người cao tuổi, nhất là những người trên 80 tuổi rất dễ gặp các tai biến khi sử dụng thuốc là do những nguyên nhân sau: Các quá trình hấp thu, phân bố chuyển hoá và thải trừ thuốc đều có sự thay đổi so với người trẻ; dược lực học của thuốc cũng thay đổi, nghĩa là hiệu quả, tác dụng của thuốc ở người cao tuổi cũng không giống như ở người trẻ. Mặt khác, do người cao tuổi thường mắc nhiều bệnh đồng thời nên nguy cơ tương tác thuốc cũng như tương tác thuốc với bệnh tăng cao.

Tương tác giữa thuốc với thuốc: Xảy ra khi ít nhất 2 thuốc tương tác với nhau tạo nên những phản ứng không mong muốn. Loại tương tác này cũng có thể làm cho một loại thuốc hoạt động kém hiệu quả đi hoặc có tác dụng mạnh hơn.

Tương tác giữa thuốc với bệnh: Xảy ra khi một bệnh mà người bệnh vốn mắc khiến một số loại thuốc trở nên có hại. Ví dụ, nếu người cao tuổi bị tăng huyết áp hoặc hen, có thể gặp phải những phản ứng không mong muốn nếu dùng thuốc chống ngạt mũi (co mạch).

Những lưu ý đặc biệt khi dùng thuốc ở người cao tuổiNCT cần thận trọng khi sử dụng thuốc.

Lưu ý dùng thuốc trị một số bệnh mạn tính

Tăng huyết áp

Có thể nói tăng huyết áp được ví như “kẻ giết người thầm lặng”, gây ra những biến chứng nặng nề như tai biến mạch máu não, đột quỵ, di chứng liệt nửa người, suy tim, thiếu máu cơ tim, co thắt mạch vành, suy thận, phình bóc tách động mạch chủ, hôn mê... và tử vong cho người bệnh. Vì vậy, việc dùng thuốc trị tăng huyết áp nhằm kiểm soát huyết áp trong giới hạn mục tiêu và ngăn ngừa biến chứng...

Có nhiều thuốc trị tăng huyết áp đang được sử dụng ở nước ta, chia thành nhiều nhóm như: Lợi tiểu, chẹn alpha, chẹn beta, đối kháng canxi, ức chế men chuyển và ức chế thụ thể angiotensin II. Mỗi nhóm thuốc, loại thuốc lại có những đặc tính khác nhau, phù hợp với từng bệnh nhân khác nhau. Hơn nữa, việc dùng thuốc huyết áp không đơn giản, bác sĩ phải xem xét trên từng bệnh nhân cụ thể, căn cứ vào tình trạng cơ thể, các bệnh mắc kèm mà kê đơn dùng thuốc phù hợp cho từng người bệnh. Vì vậy, người bệnh cần phải đi khám để được dùng thuốc thích hợp cho mình. Không nên tự ý mua thuốc về dùng hay dùng theo mách bảo của người khác.

Khi được kê đơn dùng thuốc, người bệnh cần uống thuốc đều đặn hàng ngày với liều lượng theo chỉ định của bác sĩ và cần tìm hiểu và nhận biết được các tác dụng phụ của thuốc mình đang dùng, kịp thời báo cáo những bất lợi (nếu xảy ra) tới bác sĩ để được xử lý thích hợp. Các bất lợi thường gặp như phù cổ chân, ho khan, hạ huyết áp tư thế, mệt mỏi, rối loạn giấc ngủ, hồi hộp, nhức đầu...

Không nên tự ý ngừng thuốc điều trị tăng huyết áp.Không nên tự ý ngừng thuốc điều trị tăng huyết áp.

Cần nhớ rằng, thuốc trị tăng huyết áp nhằm giúp kiểm soát huyết áp trong giới hạn mục tiêu, chứ không phải chữa trị được dứt điểm căn bệnh này. Ngay cả khi huyết áp trở về bình thường, nếu ngừng điều trị, nó có thể tăng đột ngột và gây ra những rủi ro cho sức khỏe. Vì vậy, người bệnh không nên tự ý ngưng bỏ thuốc và cũng không nên tự ý thay đổi thuốc điều trị.

Đái tháo đường

Đái tháo đường là một trong những bệnh mạn tính thường gặp ở người cao tuổi. Các biến chứng của bệnh luôn phát triển theo thời gian mắc bệnh và cũng thường rất nặng nề. Biến chứng cấp tính như hôn mê, hạ glucose máu, các bệnh nhiễm trùng cấp tính). Biến chứng mạn tính như xơ vữa mạch gây nhồi máu cơ tim, đột quỵ;  bệnh võng mạc đái tháo đường, bệnh thận do đái tháo đường, loét bàn chân…

Để kiểm soát tốt đường huyết ở bệnh nhân đái tháo đường thường phải kết hợp chặt chẽ ba biện pháp, bao gồm: Điều chỉnh chế độ ăn uống, tập luyện thể lực hợp lý kết hợp với sử dụng thuốc.

Thuốc trị tiểu đường cũng rất phong phú gồm insulin và các thuốc uống hạ đường huyết. Insulin là nội tiết tố tuyến tụy có khả năng làm hạ đường máu bằng cách giúp đường vào trong tế bào cơ, gan và mỡ để sinh năng lượng cung cấp cho mọi hoạt động của cơ thể. Các thuốc uống hạ đường huyết được phân loại dựa theo cơ chế tác dụng cơ bản của thuốc như: Thuốc kích thích làm tăng tiết insulin (các sulfonylurea), thuốc làm tăng nhạy cảm insulin và tăng sử dụng insulin ở ngoại vi như nhóm biguanide – metformin (glucophage, glucophage XR, glucofast, siofor…), thuốc làm giảm hấp thu các chất đường bột sau ăn như nhóm ức chế men α – glucosidase (acarbose, miglitol)…

Thầy thuốc là người nắm vững cách sử dụng các thuốc hạ glucose máu bằng đường uống, sử dụng insulin, cách phối hợp thuốc trong điều trị và những lưu ý đặc biệt về tình trạng người bệnh khi điều trị bệnh đái tháo đường. Trên cơ sở thực tế khi thăm khám lâm sàng của từng người bệnh mà quyết định phương pháp điều trị. Vì vậy, người bệnh cần đi khám để được dùng thuốc phù hợp.

Người bệnh cần dùng thuốc đều đặn, hàng ngày... cho đến suốt đời mà không được tự ý bỏ thuốc. Khi dùng thuốc, cần biết phát hiện các bất lợi có thể xảy ra, thường gặp như: Rối loạn tiêu hoá, tiêu chảy, buồn nôn, vã mồ hôi, đau đầu, hạ đường huyết…

Các bệnh về xương khớp

Các bệnh lý về xương khớp rất phổ biến và đa dạng. Việc điều trị các bệnh lý này đòi hỏi nhiều biện pháp kết hợp dùng thuốc và không dùng thuốc. Không có loại thuốc nào phù hợp với mọi bệnh nhân vì vậy cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa thầy thuốc chuyên khoa với người bệnh để việc dùng thuốc vừa đạt hiệu quả điều trị vừa an toàn cho người bệnh. Thuốc thường dùng trong điều trị các bệnh cơ xương khớp bao gồm: Thuốc giảm đau, kháng viêm và thuốc đặc trị.

Các thuốc giảm đau, chống viêm không steroid chỉ làm giảm các triệu chứng viêm mà không loại trừ được các nguyên nhân gây viêm, không làm thay đổi tiến triển của quá trình bệnh lý chính, nhưng lại có nhiều tác dụng phụ. Khi dùng cần có sự cân nhắc  giữa lợi và nguy cơ có hại khi dùng thuốc. Thông thường, các thuốc này nên bắt đầu bằng loại thuốc có ít tác dụng không mong muốn nhất, dùng liều thấp nhất có hiệu quả và trong thời gian ngắn nhất. Người bệnh cũng không được tự ý dùng (mặc dù có những sản phẩm là thuốc không kê đơn).

Các thuốc đặc trị được dùng khi đã chẩn đoán xác định bệnh có vai trò quan trọng trong việc ổn định bệnh hay làm giảm sự tiến triển của bệnh (tuỳ từng loại bệnh) và cần điều trị kéo dài. Vì vậy, người bệnh cần kiên trì dùng thuốc. Tránh thấy dùng lâu rồi nản bỏ thuốc giữa chừng.

Các tác dụng phụ không mong muốn của thuốc trị xương khớp cũng rất trầm trọng, tác động lên hệ tiêu hóa (dạ dày, ruột, gan mật...), hệ tim mạch, hệ thận niệu, hệ hô hấp... có thể làm giảm sức đề kháng, làm gia tăng nguy cơ nhiễm trùng hay nguy cơ bị các bệnh khác  như loãng xương, đái tháo đường, tăng huyết áp... Vì vậy, trong điều trị nhất là khi dùng liều cao, kéo dài cần phải điều trị và phòng ngừa các biến chứng của các thuốc này.

Ngoài việc dùng thuốc để điều trị các bệnh xương khớp nói chung, có thể áp dụng các biện pháp điều trị hỗ trợ như tập luyện, vận động, dinh dưỡng, vật lý trị liệu, phục hồi chức năng... giúp cho việc điều trị đạt kết quả cao hơn.

Các bệnh cơ xương khớp đa số là mạn tính, vì vậy người bệnh cần tái khám định kỳ hoặc đi khám ngay khi có các diễn biến bất thường để các bác sĩ theo dõi và điều chỉnh kịp thời; thông báo diễn biến của bệnh và các bất thường khi dùng thuốc cho bác sĩ...


DS. Hoàng Thu Thủy
Ý kiến của bạn