Nhiều gia đình đã lên kế hoạch đưa trẻ nhỏ đến xem lễ diễu binh, diễu hành nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025) diễn ra tại TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, để đảm bảo an toàn và sức khỏe cho trẻ trong suốt thời gian tham dự, phụ huynh cần có sự chuẩn bị kỹ càng, đặc biệt trong điều kiện thời tiết nắng nóng.
Bác sĩ Trần Ngọc Lưu, Khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP Hồ Chí Minh) nhấn mạnh, các bậc cha mẹ cần theo dõi sát lịch trình diễu binh được công bố chính thức trên các phương tiện truyền thông uy tín. Việc chủ động này sẽ giúp phụ huynh lựa chọn lộ trình di chuyển hợp lý, tìm được vị trí theo dõi thuận lợi, tránh phải chen lấn và giảm bớt căng thẳng cho trẻ.

Để tránh trẻ bị lạc khi đi xem lễ diễu binh, phụ huynh luôn nắm tay trẻ và ghi các thông tin liên lạc của người thân đeo vào tay hoặc cổ trẻ. Ảnh: H.T
“Không nên đứng quá gần khu vực trung tâm diễu hành, nơi thường rất đông người. Thay vào đó, nên ưu tiên chọn nơi có bóng râm, thoáng đãng, vừa dễ quan sát lại vừa đảm bảo an toàn cho trẻ nhỏ”, bác sĩ Lưu khuyến cáo.
Để tránh việc phải chờ đợi quá lâu dưới trời nắng, các gia đình nên đến sớm để chọn chỗ ngồi thuận lợi. Đối với trẻ dưới 3 tuổi, nên bồng hoặc địu bé để giảm mệt mỏi và tránh nguy cơ lạc mất. Với các bé lớn hơn, cha mẹ cần nhắc nhở các em luôn nắm tay người lớn, mang theo giấy ghi thông tin liên lạc và nhận biết các lực lượng chức năng như Công an, an ninh trật tự hay những người có thể hỗ trợ trong trường hợp cần thiết.
Cũng theo bác sĩ Lưu, thời tiết nắng nóng là yếu tố nguy cơ khiến trẻ dễ bị say nắng, kiệt sức với các biểu hiện như: da đỏ, chóng mặt, buồn nôn, mệt mỏi. Nếu phát hiện trẻ có dấu hiệu bất thường, cần nhanh chóng đưa vào nơi râm mát, đắp khăn lạnh, cho uống nước và liên hệ lực lượng y tế gần nhất.
Phụ huynh nên chọn trang phục cho cả gia đình có chất liệu mát, dễ vận động và thấm hút mồ hôi tốt. Một số vật dụng không thể thiếu trong hành trang bao gồm: nước uống, mũ rộng vành, quạt tay, thuốc cá nhân, đồ ăn nhẹ… nhằm đảm bảo sức khỏe và duy trì năng lượng cho trẻ trong suốt thời gian theo dõi sự kiện.

Các kỹ năng thoát nạn nơi tập trung đông người.
Bên cạnh đó, Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PC07) Công an TP Hồ Chí Minh cũng đã có hướng dẫn các kỹ năng thoát nạn nơi tập trung đông người khi xảy ra sự cố. Cụ thể, người dân khi tham gia các hoạt động tại nơi đông người cần chú ý quan sát các lối ra vào, khu vực thoát nạn gần mình. Khi cảm thấy hỗn loạn hãy xem xét nhanh chóng rời đi.
Trong trường hợp bị đám đông chèn ép, cố gắng tìm kiếm những chỗ cao như bệ cửa sổ, cây cao, bức tường hoặc ban công tầng thấp để trèo lên trú ẩn. Điều này giúp bạn tránh bị xô đẩy và có không gian để quan sát tình hình. Khi di chuyển trong đám đông, hãy cố gắng đi theo chiều của dòng người và di chuyển dần ra phía rìa. Tuyệt đối không cố gắng "ngược dòng" vì điều này sẽ khiến bạn mất sức và dễ bị vấp ngã.
Hoảng loạn sẽ khiến bạn mất kiểm soát và đưa ra những quyết định sai lầm. Nếu bị chèn ép trong đám đông, hãy để hai tay trước ngực để bảo vệ phổi và lồng ngực. Nếu bị ngã, hãy cuộn người lại như tư thế bào thai để bảo vệ đầu và các cơ quan trọng yếu. Tránh nằm sấp hoặc nằm ngửa vì có thể bị dẫm đạp gây nguy hiểm.
Khi đi tham dự sự kiện, nên mang giày đế bằng để dễ dàng di chuyển và tránh bị vấp ngã; mang theo đủ nước để tránh bị mất nước khi ở trong đám đông quá lâu; đồng thời cài đặt và sử dụng các ứng dụng hỗ trợ khẩn cấp để được trợ giúp nhanh chóng khi cần thiết.
Hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), TP Hồ Chí Minh sẽ tổ chức chuỗi hoạt động quy mô lớn, trong đó nổi bật là lễ diễu binh, diễu hành hoành tráng, dự kiến thu hút hàng vạn người dân tham gia và theo dõi. Sự kiện không chỉ mang ý nghĩa lịch sử sâu sắc mà còn là dịp để thế hệ trẻ hiểu hơn về tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc.