Những lời nói làm nên lịch sử: Victor Hugo nghĩ gì?

28-10-2019 06:08 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Tôi sinh năm 1918, vào thời Pháp thuộc. Thế hệ chúng tôi đã thôi học chữ Nho. Từ bậc tiểu học, các trường dạy quốc ngữ và bắt đầu dạy tiếng Pháp.

Có lẽ, tác giả Pháp mà chúng tôi biết đến đầu tiên và có ảnh hưởng lâu dài là Hugo.

Victor Hugo (đọc là Uygô) là nhà văn, chính khách, trí thức, dấn thân nổi danh của nước Pháp vào thế kỷ 19. Ông đuợc coi là nhân vật trụ cột của trào lưu văn học lãng mạn Pháp. Sáng tác của ông đa dạng: tiểu thuyết (Nhà thờ Đức bà ở Paris, Những kẻ khốn cùng), thơ trữ tình (Trừng phạt, Trầm tư), kịch văn xuôi và văn vần (Hernani, Ruy Blas), diễn văn và thư từ.

Nhà văn Victor Hugo.

Nhà văn Victor Hugo.

Ngày 18/5/1879, tại một buổi đại tiệc ở Paris, Hugo ca ngợi sự hủy bỏ chế độ nô lệ. Với sự hiện diện của Victor Schoelcher, người thảo dự luật xóa bỏ chế độ nô lệ, cùng các nghị sĩ Thượng nghị viện, Nghị viện và nhiều nghệ sĩ, Hugo đọc diễn văn về thực dân hóa và lợi ích của nó (1). Ông cảm nhận thấy công cuộc văn minh hóa bắt đầu ở những thuộc địa châu Phi và ông gửi một thông điệp cho các cường quốc, khuyên việc khai thác của cải châu Phi nên nhằm biến châu Phi thành một vùng phát triển.

Chắc chắn là ngày nay ta không đọc bài diễn văn ấy với tinh thần những người dự tiệc và xã hội châu Âu thế kỷ 19 thời đó.

Sau đây xin trích dịch bài diễn văn:

Đã đến lúc phải có lời khuyến cáo này cho cựu thế giới: ta cần phải là một tân thế giới. Đã đến thời điểm để châu Âu nhận thấy là ở bên mình còn có châu Phi. Đã đến thời điểm để nói với bốn quốc gia đã làm nên lịch sử hiện đại: Hy Lạp, Ý, Tây Ban Nha, Pháp, là những quốc gia ấy vẫn còn hiện diện; nói với họ là, nhiệm vụ của họ đã biến đổi nhưng không hề thay đổi, là họ vẫn còn ở thế chịu trách nhiệm và có chủ quyền ở bên bờ Địa Trung Hải…

Địa Trung Hải là một cái hồ của nền văn minh; chắc chắn là không phải vì không có lý do mà Địa Trung Hải đã có sự hiện diện ở trên một bên bờ thế giới cũ và ở bên bờ kia một thế giới không được biết đến, có nghĩa là ở một phía thì là tất cả nền văn minh, và ở phía kia thì là tất cả sự man rợ.

Đã đến thời điểm để nói với nhóm quốc gia lừng danh ấy: hãy kết hợp với nhau đi! Hãy tiến về phương Nam. Thế các người không nhìn thấy cái rào ngăn cách hay sao? Cái rào đó, ở trước mặt các người đó, một cái rào làm bằng cát và tro, cái khối bất động và thụ động, từ sáu nghìn năm nay đã ngăn cản bước đi của toàn cầu…

Cái châu Phi đó là đất thế nào! Châu Á có lịch sử của nó, châu Mỹ có lịch sử của nó, ngay cả châu Úc cũng có lịch sử của nó, một nhân loại bắt đầu từ khi có lịch sử; châu Phi không có lịch sử, một thứ huyền thoại bao la và mịt mù bao trùm nó. Đế chế La Mã đã chạm đến châu Phi để dứt bỏ nó; và sau khi La Mã thoát khỏi châu Phi thì đế chế đã ném vào cái tử địa mênh mông ấy một tính từ không thể dịch được: Africa Portentosa…

Châu Phi, quả thực đó là sự sáng chói nhiệt đới. Dường như nhìn châu Phi thì ta bị lóa mắt. Nhìn ánh nắng thái quá có nghĩa là nhìn đêm tối thái quá.

Này các vị ạ, nỗi lo sợ ấy sắp tan đi.

Hai dân tộc đi khai hóa thuộc địa, hai dân tộc lớn và tự do, nước Pháp và nước Anh, đã nắm châu Phi; nước Pháp nắm phía Tây và phía Bắc, nước Anh nắm phía Đông và phía Nam. Giờ thì nước Ý nhận phần mình trong công cuộc khổng lồ ấy. Nước Mỹ góp phần vào những cố gắng của chúng ta, vì sự thống nhất của các dân tộc được thể hiện rõ ràng trong mọi lĩnh vực; châu Phi có tầm quan trọng đối với tất cả thế giới; một sự tiêu hủy những vận động và tuần hoàn như vậy ngăn cản sinh hoạt toàn cầu, và cuộc hành trình của nhân loại không thể chấp nhận lâu hơn nữa tình trạng một phần năm quả địa cầu bị tê liệt. Những người đi tiên phong dũng cảm đã hành động liều lĩnh?, và, ngay từ lúc đầu, mảnh đất kỳ lạ ấy đã trở thành một thực tế; những quang cảnh lạ lùng như ở mặt trăng đã trở thành những quang cảnh của mặt đất; nước Pháp sẵn sàng đem một biển tới đó; cái châu Phi bất trị ấy chỉ có hai trạng thái: nếu có dân cư thì là chưa văn minh hóa, nếu không có người thì là hoang dã, nhưng châu Phi không lẩn tránh nữa; những nơi bị coi là không thể sinh sống được là những nơi có khí hậu có thể ở được; ở khắp mọi nơi đều có những con sóng có thể sử dụng được; các khu rừng sừng sững, đây đó những khu bụi rậm rộng lớn ngăn chặn chân trời; thái độ của nền văn minh sẽ ra sao đối diện với thảm động vật và thực vật xa lạ ấy? Thấp thoáng có những hồ: ai biết đấy? Có thể đó là bể Nagain đã được nói đến trong Kinh thánh. Có những công trình thủy lợi khổng lồ đã được thiên nhiên chuẩn bị và chờ đợi con người; người ta đã thấy những nơi sẽ là mầm móng của thành thị; có thể phỏng đoán những đường giao thông; những rặng núi thành hình xuất hình; những đèo, những lối đi, những eo có thể qua lại được; cái thiên nhiên, bầu trời ấy xưa kia khiến người La Mã lo sợ, thì nay lại hấp dẫn người Pháp [...]

Hãy tiến bước đi, hỡi các dân tộc! Hãy lấy đất ấy. Hãy nắm lấy nó, thuộc về của ai? Chẳng của ai cả! Hãy nắm lấy cái đất ấy của Thượng đế. Thượng đế cho người đất. Hãy nhận lấy. Nơi mà các vua chúa sẽ có thể mang lại chiến tranh, hãy mang đến sự hòa hợp. Hãy nắm lấy đất ấy, không phải để sử dụng súng đạn, nhưng để sử dụng lưỡi cày; không phải để sử dụng gươm giáo mà để buôn bán; không phải để cho trận mạc mà để cho công nghiệp; không phải để xâm chiếm, mà vì tình anh em. Hãy đem rót cái quá dồi dào của mình vào cái châu Phi ấy, và cũng đồng thời để giải quyết những vấn đề xã hội của mình, hãy biến những người vô sản của mình thành những người có sở hữu; hãy tiến bước lên, hãy làm đi! Hãy làm những con đường, hãy làm những cảng, hãy xây dựng những thành phố; hãy sinh trưởng, hãy cày cấy, hãy nhân lên và làm thế nào trên vùng đất ấy ngày càng thoát ly ảnh hưởng của bọn tu sĩ và vua chúa, tinh thần của Thượng đế khẳng định bằng hòa bình và tinh túy của con người khẳng định bằng tự do!

----------------------

(1) Hugo phát biểu theo một quan niệm hào hiệp thời đó về chủ nghĩa thực dân.


Nhà văn hóa Hữu Ngọc
Ý kiến của bạn