Hà Nội

Những lời nói làm nên lịch sử Nữ hoàng Anh Elisabeth đệ nhất nghĩ gì?

22-12-2019 08:50 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Elisabeth đệ nhất là con gái vua Anh Henri VIII và hoàng hậu Anne Boleyn.

Năm 1559, bà lên ngôi, được mệnh danh là hoàng hậu trinh bạch vì không có chồng. Trên danh nghĩa, bà là hoàng hậu Anh và xứ Ireland, bà cũng có tên danh dự là Gloriana.

Chân dung Nữ hoàng Elisabeth đệ nhất.

Chân dung Nữ hoàng Elisabeth đệ nhất.

Năm 1588 trong khi nước Anh luôn luôn bị tấn công bởi hạm đội (Armada) Tây Ban Nha vô địch của vua Philippe đệ nhị, hoàng hậu Elisabeth đến gặp quân sĩ Anh ở Tilbury. Trong những cơn gió mạnh, bà đọc một bài phát biểu hùng hồn mà lịch sử còn ghi lại. Cảnh bà hoàng phát biểu đánh dấu một thời oanh liệt của nhân dân Anh và trở thành một đề tài cho rất nhiều họa sĩ Anh. Nhưng có điều đáng chú ý là, khi bà đọc bài phát biểu này thì đội hải quân Armada đã thất trận và các chiến thuyền đã bị hải quân Anh đánh tan tành; do đó, ảnh hưởng của bài ấy trên thực tế không lớn.

Sau đây là nội dung bài phát biểu của bà:

Hỡi nhân dân yêu mến,

Một số người lo lắng cho sự an toàn của ta, vì sợ có âm mưu làm phản, đã thuyết phục ta đừng đến với đám đông vũ trang này. Nhưng ta có thể đảm bảo với các ngươi rằng, ta không thể sống mà lại nghi ngại thần dân trung thành và mến yêu của ta được. Hỡi các bạo chúa, các người hãy lo cho số phận của các người đấy: còn ta, Chúa hãy chứng giám cho ta, ta luôn luôn cho là sức mạnh chủ yếu của ta và sự bảo vệ lớn nhất đối với ta, xuất phát từ những tấm lòng trung hậu và sự tận tâm của thần dân ta.

Vì lý do đó, ta đã có mặt ở đây ngày hôm nay, không phải để giải trí hay để mua vui, mà với tinh thần cương quyết, ngay ở trung tâm cuộc chiến dữ dội, sát cánh chiến đấu cùng các ngươi - dầu phải mất mạng - sẵn sàng cống hiến cho Chúa danh dự và máu thịt của ta, cho vương quốc của ta và nhân dân của ta. Ta biết rằng, thân thể của ta là thân thể của một phụ nữ mềm yếu, nhưng đó là trái tim nồng nhiệt của một vị quân vương, trái tim của quân vương nước Anh và việc một ông hoàng xứ Parme, Tây Ban Nha hay tại bất cứ nơi đâu ở châu Âu, dám xâm nhập biên giới của vương quốc ta có thể là một thách thức hết sức điên rồ: vì ta không thể tha thứ cho một sự làm ô nhục danh dự như vậy, và bản thân ta sẽ cầm vũ khí, và chính ta sẽ là tướng chỉ huy các ngươi, vị phán quan của các ngươi, và là người sẽ biết khen thưởng sự dũng cảm chiến đấu của các ngươi. Ta biết rằng, sự dũng cảm của các ngươi đã xứng đáng những lời tưởng lệ và những vòng hoa, và nhân danh Hoàng hậu, ta đảm bảo với các ngươi là sự khen thưởng ấy sẽ được thực hiện.


Nhà văn hóa Hữu Ngọc
Ý kiến của bạn