Những lời nói làm nên lịch sử: Mẹ Teresa nghĩ gì?

16-12-2019 06:36 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - (Diễn văn đọc khi nhận giải Nobel Hòa bình 11/12/1979)

Mẹ Teresa (1910-1997) tên thật là Agnes Gonxha Bajahiu, là người Albani. Bà quyết định tu hành theo Thiên chúa giáo ngay khi bà đến Ấn Độ vào tuổi 19. 8 năm sau, bà chính thức thành tu sĩ, rồi làm hiệu trưởng một truờng học. Từ năm 1946, bà dành hết tâm lực để cứu vớt người nghèo khổ ở tổ quốc thứ hai của mình. Thoạt đầu, bà được gọi là sơ Teresa. Sau khi thành lập dòng Truyền giáo Từ thiện, bà được gọi là Mẹ Teresa. Năm 1997, Giáo hội công nhận bà đã thực hiện phép lạ. Giáo hoàng Jean-Paul II đã phong Thánh cho bà năm 2003.

Ngày 17/10/1979, Mẹ Teresa nhận giải Nobel Hòa bình. Vào dịp lễ trao giải thuởng ở Oslo ngày 11/12/1979, bà đọc bài diễn văn sau đây. Trong bài, bà tặng danh nghĩa ấy cho tất cả các nguời cùng khổ mà mình chăm sóc. Bà cũng lên án mạnh mẽ tổ chức tự nguyện phá thai IVG, mà bà coi đó là tổ chức phá hoại hòa bình lớn nhất.

Sau đây là bài diễn văn ấy:

Những người nghèo là những vĩ nhân. Họ có thể dạy cho chúng ta biết bao điều hay. Ngày hôm nọ, có một người nghèo đến cảm ơn tôi và nói: “Các vị đã tuyên thệ giữ trinh tiết, các vị là những người xứng đáng nhất để giáo dục chúng tôi về kế hoạch hóa gia đình, nghĩa là không có khác là sự tự mình kiểm soát trong khi thể hiện tình yêu của mình với đối tượng”. Tôi nghĩ là bác ta đã nói một câu hay. Họ thuộc vào loại những người có thể không có gì ăn, có thể không có nơi nương náu, nhưng đó là những vĩ nhân. Những người nghèo là những người tuyệt vời. Một buổi tối, chúng tôi đi dã ngoại và đã gom được trong các phố 4 người. Một trong số bọn họ sống trong hoàn cảnh vô cùng kinh khủng. Tôi nói với các bà sơ: “Các sơ hãy chăm sóc 3 người kia, dành cho tôi người bi đát nhất”. Tôi đã làm cho bà ta tất cả những gì mà lòng tôi có thể cho được. Tôi đã để bà ta nằm trên giường của tôi, bà ta mỉm cười rất tươi. Bà nắm tay tôi và chỉ nói hai tiếng “Cảm ơn”. Và thế rồi bà qua đời.

Mẹ Teresa (1910-1997).

Mẹ Teresa (1910-1997).

Tôi tự hỏi tôi sẽ có thể xin gì nếu tôi ở địa vị bà. Câu trả lời của tôi rất đơn giản. Tôi sẽ có thể cố gắng thu hút sự chú ý đến mình, tôi sẽ có thể nói là tôi đói, là tôi đang chết đây, là tôi đang rét đây, là tôi đang đau buồn đây, hoặc điều gì đó tương tự. Nhưng bà ta còn cho tôi hơn thế: bà đã khiến cho tôi tình yêu thương cảm kích. Và đã qua đời, mỉm cười. Tất cả mọi sự đã xảy ra y như với trường hợp một người đàn ông mà chúng tôi đã đưa về từ một cái cống, nửa thân mình đã bị giòi bọ gậm nhấm. Chúng tôi đưa người ấy vào nơi trú ẩn. Người ấy nói với chúng tôi:“Tôi đã sống như một con vật trong đường phố, nhưng tôi sắp chết như một thiên thần, tôi đã được yêu thương săn sóc”. Thật là kỳ lạ biết bao khi nhận thấy tâm hồn cao cả của người ấy, một người đã có thể nói lên được như vậy, đã có thể nhắm mắt ra đi như vậy, không hề oán trách bất cứ một ai, không chửi bới ai, không phán xét. Y như một thiên thần. Đó chính là tâm hồn cao cả của nhân dân chúng ta (...).

Vậy thì tôi xin ngỏ lời với các vị ở đây. Tôi mong muốn các vị tìm những người nghèo khổ ở đây, trước tiên ngay ở trong đất nước các vị. Và các vị bắt đầu yêu thương họ ở đây. Các vị hãy là tin mừng của ngay nhân dân các vị. Các vị hãy tìm hiểu người láng giềng của các vị. Các vị có thực sự biết rõ người ấy là ai không? Tôi đã từng sống một thể nghiệm vô cùng kỳ lạ với một gia đình Ấn Độ có 8 con. Có một người đến tìm chúng tôi và nói với tôi: “Thưa Mẹ Teresa, có một gia đình có 8 con mà không có gì ăn từ rất lâu. Xin mẹ hãy làm gì đó cho họ. Ngay lập tức, tôi đã mang gạo đến nhà họ. Tôi đã gặp các cháu. Do chúng quá đói, nên mắt chúng bừng sáng khi chúng nhìn thấy gạo. Tôi không biết là các vị đã từng nhìn thấy cái đói trong mắt ai đó, nhưng về phần tôi, tôi đã nhìn thấy cái đó nhiều lần.

Bà mẹ của gia đình đó đã nhận gạo, chia gạo rồi ra khỏi nhà. Khi bà quay trở về, tôi đã hỏi bà: “Bà đã đi đâu vậy? Bà đã làm gì?”. Bà ấy trả lời tôi rất đơn giản: “Họ cũng đói”. Điều làm tôi ngạc nhiên nhất là bà ấy đã đem gạo cho một gia đình đạo Hồi. Tối hôm ấy tôi đã không mang thêm gạo tới vì tôi muốn họ tận hưởng niềm vui được chia sẻ (bớt miếng ăn của mình cho người khác). Nhưng bù lại, những đứa trẻ kia rạng rỡ niềm vui, chia sẻ niềm hạnh phúc của chúng với mẹ, vì mẹ chúng đã có tình yêu thương để cho. Các vị thấy đó, chính ở đó mà tình yêu thương nảy mầm từ lòng ta.


Nhà văn hóa Hữu Ngọc
Ý kiến của bạn