Những lời nói làm nên lịch sử Fidel Castro nghĩ gì?

13-10-2019 08:36 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Fidel Castro (1926-2016), người mang lại độc lập cho Cuba, nguyên thực tế là thuộc địa của Mỹ, là chính khách nổi tiếng một thời cùng với Mandela, Hồ Chí Minh, Mao Trạch Đông,...

Castro là một nhà cách mạng kiên cường đã kiên trì đưa Cuba xây dựng chủ nghĩa xã hội ở tổ quốc mình. Ông mở đầu cuộc đấu tranh chống Tổng thống Cuba. Bị lưu đày, ông trở về đất nước vào năm 1956 và tổ chức chiến tranh du kích kết thúc thắng lợi, đưa ông lên nắm chính quyền vào năm 1959. Ông trở thành một người phát ngôn cho thế giới thứ ba và luôn ủng hộ cuộc đấu tranh cho độc lập của Việt Nam.

Ngày 16/7/1953, Castro lúc đó là Chủ tịch Hội Sinh viên Cuba, đứng đầu một đội 150 du kích, tấn công đồn La Moncada ở Santiago. Cuộc nổi dậy chưa chín muồi, bị đàn áp, đa số nghĩa quân bị giết hoặc bị bắt. Castro thoát nạn nhưng bị bắt và đưa ra xử ở tòa án. Ngày 16/10, trước tòa, ông đã đọc một bài diễn văn dài để tự bảo vệ và nêu bật đường lối cách mạng của ông.

Fidel Castro (1926-2016) người mang lại độc lập cho Cuba.

Fidel Castro (1926-2016) người mang lại độc lập cho Cuba.

Sau đây là bản tuyên ngôn chính trị ấy:

Thưa các vị thẩm phán!

Chưa bao giờ một trạng sư lại phải hành nghề trong điều kiện khó khăn như của tôi bây giờ. Chưa bao giờ người ta đối với một bị can phạm vào những ngoại lệ nặng nề như thế này. Mà ở đây trạng sư và bị can lại cùng là một cá nhân. Với danh nghĩa là trạng sư, dĩ chí y còn không được biết sự dự thẩm vấn và với danh nghĩa là bị can, thì cho đến nay y đã bị giam 77 ngày trong một xà lim đơn độc, hoàn toàn bị cô lập, vượt khỏi tất cả những điều lệ của nhân tính và của luật pháp...

Theo một nguyên tắc sơ yếu của luật hình thì sự việc phù hợp một cách chính xác với loại tội mà pháp luật đã đề ra. Nếu không có đạo luật nào áp dụng chính xác vào một điểm phải phản biện, thì coi như là không có tội.

Điều luật viện ra để xử nguyên văn là: “kẻ có hành động nhằm gây ra một cuộc nổi loạn vũ trang chống lại quyền hợp pháp của quốc gia sẽ bị cầm tù từ 3 đến 10 năm. Tội sẽ tăng từ 5 đến 20 năm nếu cuộc nổi loạn được thực hiện”.

Ngài biện lý hiện đương sống ở đất nước nào? Kẻ nào đã báo với ngài là chúng tôi đã kích động cuộc nổi dậy chống lại chính quyền hợp pháp của Nhà nước? Có hai sự việc rõ như ban ngày. Trước hết là sự độc tài đè nén nước ta, không phải là một chính quyền hợp hiến pháp, mà là chống hiến pháp, nó được thiết lập phản hiến pháp, ngược hiến pháp, vi phạm hiến pháp hợp pháp của nước Cộng hòa. Một hiến pháp chỉ hợp pháp khi nó xuất xứ trực tiếp từ nhân dân có thẩm quyền [...]

Thứ hai là, điều lệ này nói đến chính quyền với số nhiều, chứ không phải số ít, như trong trường hợp một nước Cộng hòa với quyền lập pháp, quyền hành pháp, quyền tư pháp để giữ cân bằng và điều chỉnh lẫn nhau. Vậy thế mà, chúng tôi kêu gọi nổi dậy chống lại một quyền lực duy nhất, bất hợp pháp, đã chiếm đoạt và gộp lại hai quyền hành pháp và lập pháp của quốc gia thành một, phá hủy hệ thống mà vai trò (nhiệm vụ) là bảo vệ điều của bộ luật mà chúng ta đang phân tách. Còn về tính chất độc lập của quyền tư pháp, sau ngày 10 tháng 3, tôi cũng chẳng nói đến làm gì vì tôi không có hứng trình bày nó....

Khi chúng tôi nói đến đấu tranh, những ai mà tôi gọi là nhân dân là:

• 600 nghìn người Cuba không có công ăn việc làm muốn kiếm ăn một cách lương thiện, không buộc phải di cư để sống sót;

• 500 nghìn công nhân nông nghiệp đang sống trong những túp lều tiều tụy, mỗi năm chỉ được làm việc có 4 tháng và chịu đói khát thời gian còn lại, chỉ còn sự khốn cùng để chia sẻ với con cái, không có một tấc đất để trồng trọt, cuộc sống của họ sẽ phải được tình thương nếu không có biết bao nhiêu trái tim sắt đá;

• 400 nghìn công nhân công nghiệp và thợ không chuyên môn mà lương hưu bao giờ cũng bị cắt xén, những gì thực hiện được đều bị dứt bỏ, nhà ở là những căn nhà tồi tàn đông đúc, lương bổng chuyển từ tay chủ sang tay bọn cho vay nặng lãi, tương lai là hạ lương và thải hồi, cuộc sống là lao động không ngừng và tấm mồ là nơi yên nghỉ;

• 100 nghìn người tiểu nông sống và chết trong khi trồng trọt một mảnh đất không phải của mình, buồn rầu nhìn mảnh đất như Mô-xê ngắm nhìn đất hứa, chết mà không được sở hữu, buộc như những nông nô thời Trung cổ phải hiến một phần thu hoạch để có được mảnh đất cấy cày, chẳng được yêu thương đất, cải thiện đất, chẳng được làm đất đẹp hơn bằng cách trồng một cây thông bá hương hay một cây cam, vì họ không biết khi nào thì nhân viên tòa án sẽ đến kèm theo hiến binh báo cho họ biết là phải ra đi;

• 30 nghìn giáo sư và giáo viên đầy lòng chịu đựng và lòng hy sinh, điều cần thiết biết bao để cải tiến số phận những thế hệ mai sau, họ bị ngược đãi và bị trả lương ít ỏi biết bao;

• 2 vạn tiểu thương nợ nần chồng chất, hay mất hết của cải do khủng hoảng, không kể một vết thương gây ra bởi bọn công chức bất lương và ham tiền;

• 1 vạn thanh niên làm nghề tự do, thầy thuốc, kỹ sư, luật sư, thú y, nhà giáo, nha sĩ, dược sĩ, nhà báo, họa sĩ, nhà điêu khắc,… tốt nghiệp đại học, sẵn sàng đấu tranh và đầy hy vọng, để rồi phải đi vào ngõ cụt, trước chiếc cửa đóng làm thinh đối với tiếng reo hò của họ và lời cầu xin của họ.

Đối với những tầng lớp này mà các con đường khiếp sợ được lát bằng sự lừa đảo và lời hứa hão huyền, chúng tôi phải nói: “Chúng ta sẽ mang đến một ngày”, nhưng: “Giữ, nắm lấy và đấu tranh hết sức để giành lấy tự do và hạnh phúc!”.

Trong việc thẩm cứu của án này, phải có 5 điều luật cách mạng, có thể sẽ phải được tuyên bố ngay sau khi chiếm được trại lính Moncada và truyền thanh cho toàn quốc. Đáng lẽ có thể Đại tá Chaviano đã cố tình tiêu hủy những tư liệu ấy, nhưng ngay cả khi ông đã tiêu hủy, tôi vẫn giữ trong trí nhớ.

Tôi biết rõ cầm tù sẽ ác nghiệt đối với tôi hơn bất cứ ai khác, đầy đe dọa về sự hành hạ thấp hèn, nhưng tôi không hề sợ hãi, cũng như tôi không sợ cơn thịnh nộ của tên bạo chúa tồi tệ đã cướp mất cuộc sống của 7 chục người anh em của tôi. Hãy lên án tôi, điều ấy chẳng có gì quan trọng. Lịch sử sẽ xóa án cho tôi.


Nhà văn hóa Hữu Ngọc
Ý kiến của bạn