Những lời nói làm nên lịch sử Churchill nghĩ gì?

30-12-2019 09:55 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Kỳ I

Wiston Churchill (Chớc chin) (1874-1965) là một chính khách Anh lỗi lạc, tên tuổi gắn liền với cuộc chiến kiên cường của nhân dân Anh, sát cánh cùng các nước đồng minh chống xâm lăng phát xít trong Chiến tranh Thế giới lần thứ hai. Ông là nghị sĩ, phe bảo thủ và nhiều lần là bộ trưởng. Hai lần là Thủ tướng (1940-1945 và 1951-1955). Ông được giải Nobel Văn học năm 1953.

Ngày 5 tháng 3 năm 1946, Churchill đến Trường West - Minster College Of Fulton (Mỹ-Missouri) để đọc một bài diễn văn về tình hình địa chính trị quốc tế.

Sau lời Tổng thống Mỹ Truman giới thiệu, Churchill trình bày quang cảnh một thế giới lưỡng cực đã báo hiệu chiến tranh lạnh. Ông sử dụng trong bài nói một thành ngữ chưa ai dùng; thành ngữ này sẽ trở thành một thành ngữ để tham khảo mỗi khi đề cập đến biên giới giữa hai khối Mỹ - Xô Viết: “tấm màn sắt”.

Wiston Churchill  (1874-1965).

Wiston Churchill  (1874-1965).

Sau đây là diễn văn của ông:

“Hiện nay, Mỹ đứng đầu quyền lực thế giới. Đây là một thời khắc long trọng đối với nền dân chủ Mỹ. Vì sự ưu tiên về vấn đề quyền lực cũng kèm theo trách nhiệm đối với tương lai. [...] Điều cần thiết là ý chí cương quyết, ý định bền bỉ và tính cách quyết định rất đơn giản, hướng dẫn và chi phối cách cư xử của những dân tộc nói tiếng Anh trong hòa bình, như đã từng làm trong thời chiến. Chúng ta phải tỏ ra có thể vẫn đứng ngang tầm điều yêu cầu ấy và tin chắc là chúng ta sẽ làm được như thế. [...]

Vậy thì ngày nay, chúng ta phải lựa chọn khái niệm chiến lược toàn cầu nào? Không gì hơn là sự an ninh và sự sung túc vật chất, tự do và tiến bộ, cho tất cả mọi nhà và tất cả các gia đình, tất cả nam nữ khắp mọi nước.[...]

Để mang lại sự an ninh cho vô vàn hộ ấy, ta phải bảo vệ các hộ ấy chống lại hai kẻ cướp kinh khủng là chiến tranh và bạo quyền. Chúng ta đã biết tất cả những sự đảo lộn kinh khủng mà một gia đình bình thường phải chịu khi chiến tranh đáng nguyền rủa giáng xuống người cha của gia đình và những người hưởng sự lao động và sự vất vả của họ. Sự tàn phá kinh khủng châu Âu với tất cả những niềm vinh quang bị tiêu diệt và phần lớn của châu Á, nổi bật trước mắt chúng ta. Khi những ý đồ của những kẻ điên rồ và những thèm muốn xâm lăng của các nước mạnh phá tan trên nhiều khoảng đất rộng cái khung của xã hội văn minh, thì những người thấp kém phải đương đầu với những khó khăn mà họ không thể chống lại được. Đối với họ, tất cả mọi thứ đều bị biến dạng, tất cả mọi thứ đều bị tan vỡ và nghiền nát. [...]

Một tổ chức thế giới đã được thành lập với nhiệm vụ chủ yếu là ngăn cản mọi cuộc chiến tranh. Liên hợp quốc, thừa kế Hội quốc liên, với sự tham gia có tính quyết định của Hoa Kỳ và với ý nghĩa sự việc đó, đã bắt đầu hoạt động. Chúng ta phải đảm bảo là công việc của nó mang lại kết quả để nó thể hiện một thực tế chứ không phải là trò hề, để nó thể hiện một lực lượng hành động chứ không phải là một mớ lời nói rỗng tuếch, để nó thành một đền thờ hòa bình, mà ở đó những chiếc mộc của nhiều quốc gia sẽ được treo lại chứ không phải là một trạm kiểm soát trong một thứ tháp Babel (lộn xộn và bất đồng)[...]

Về vấn đề này, tôi xin có một đề nghị hành động chính xác và cụ thể. [...] Liên hợp quốc phải được trang bị ngay lập tức với một lực lượng vũ trang quốc tế.[...]

Chúng ta không thể nhắm mắt làm ngơ trước sự việc là: tự do mà mỗi công dân được hưởng trong Đế quốc Anh không được tồn tại trong rất nhiều nước, trong đó một số nước rất mạnh. Trong những quốc gia này, người dân thường bị kiểm soát bởi nhiều thể loại cai trị của cảnh sát đầy quyền lực. Nhà nước thực hiện uy quyền không có gì ngăn chặn, hoặc qua những kẻ độc tài, hoặc qua chính thể cực quyền trong tay một số cá nhân hay một gia tộc, hoạt động qua trung gian một đảng được ưu đãi và một tổ chức cảnh sát chính trị. Trong lúc này mà khó khăn chồng chất, không phải nhiệm vụ chúng ta là can thiệp bằng sức mạnh vào chuyện nội bộ của các nước mà chúng ta chưa chiếm được trong chiến tranh. Nhưng chúng ta phải không ngừng mà không ngần ngại tuyên bố những nguyên tắc lớn về tự do và nhân quyền, là di sản chung của thế giới Anh ngữ, và thông qua Hiến chương lớn, Bản tuyên ngôn các quyền l’Habeas Corpus (“giữ xác thân”), những phán xét của một hội đồng và luật dân sự Anh được thể hiện nổi tiếng nhất trong Bản tuyên ngôn độc lập Mỹ.             \

(Mời xem tiếp kỳ sau)


Nhà văn hóa Hữu Ngọc
Ý kiến của bạn