Xe không đạt chuẩn phải đem đi sửa chữa, bảo dưỡng
Theo quy định tại Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 có hiệu lực từ ngày 01/01/2025, mô tô, xe gắn máy sẽ phải thực hiện kiểm định khí thải. Cụ thể, Điều 42 Luật này quy định về bảo đảm an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ nêu rõ: Việc kiểm định đối với xe mô tô, xe gắn máy chỉ thực hiện kiểm định khí thải. Như vậy, kể từ khi luật này có hiệu lực (ngày 01/01/2025), xe mô tô, xe gắn máy sẽ phải thực hiện kiểm định khí thải.
Một số ý kiến còn băn khoăn, khi Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ có hiệu lực, người sử dụng phương tiện sẽ phải bỏ chi phí bảo dưỡng định kỳ cho phương tiện. Bên cạnh chi phí, nỗi ám ảnh xếp hàng đăng kiểm ô tô cũng đang đe dọa các chủ phương tiện xe máy.
Cả nước có gần 70 triệu xe máy chạy xăng đang lưu hành, gấp nhiều lần số lượng ô tô, viễn cảnh quá tải các trạm đăng kiểm, người dân phải ùn ùn xếp hàng chờ kiểm định, chờ bảo dưỡng, sửa chữa… gây lo ngại cho hầu hết các chủ phương tiện.
Về mức phí kiểm định, hiện Bộ Giao thông vận tải (GTVT) chưa quy định chi tiết mức phí này song trước đây khi xây dựng dự thảo luật có đề xuất mức phí kiểm định và lệ phí cấp tem kiểm định khí thải dành cho môtô, xe máy dự kiến khoảng 100.000 đồng - 150.000 đồng/lần/xe/2 năm.
Theo đó, tất cả xe máy thuộc diện kiểm định muốn lưu thông buộc phải có tem kiểm định khí thải do Bộ GTVT cấp. Những xe không đạt sẽ phải bảo dưỡng, sửa chữa hoặc nâng cấp, thay thế phụ tùng để kiểm tra lại.
Bộ GTVT khẳng định chưa kiểm định đồng loạt tất cả các loại xe máy mà chỉ thực hiện với xe cũ. Tới đây sẽ có quy định cụ thể xe cũ bao nhiêu năm trở lên thì kiểm định trước. Dự kiến sẽ tận dụng tối đa các cơ sở bảo dưỡng, sửa chữa của các đại lý xe máy đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định để làm trạm kiểm định khí thải.
Ông Nguyễn Tô An, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, những xe mới nhập khẩu, sản xuất lắp ráp đang được kiểm soát khí thải rồi chỉ còn những phương tiện cũ đang tham gia giao thông chưa được kiểm soát. Như vậy, các cơ quan nghiên cứu sẽ xem xét ban hành các quy định phù hợp với thực tế, đơn cử như đưa thời gian nhất định rằng xe mới trong 2 - 3 năm đầu tiên không phải kiểm định khí thải...
Th.S Đinh Trọng Khang, Phó giám đốc Viện chuyên ngành Môi trường, Viện Khoa học công nghệ GTVT đề xuất, để tránh kiểm định đồng loạt, có thể kiểm định trước hết xe có tuổi đời trên 10 năm, kế đến là xe có tuổi đời trên 5 năm. Còn đối với xe dưới 5 năm thì chưa cần phải đưa đi kiểm định khí thải.
Nhà nước cần nghiên cứu quy định một mức độ chất lượng kiểm định khí thải xe máy đang sử dụng ở mức nào để có thể chấp nhận được và xe nào chất lượng kém hơn cần có chế độ bảo dưỡng sửa chữa hoặc thay thế động cơ thì sẽ có chất lượng khí thải đạt ngưỡng tốt trong thời gian ngắn hơn. Ngưỡng khí thải cần quy định để không ảnh hưởng đến số lượng phương tiện sửa chữa, bảo dưỡng động cơ, thậm chí có chương trình hỗ trợ, trợ giá nhằm đổi xe máy cũ nát sang xe mới.
Anh Lưu Đức Hòa, một kỹ thuật viên sửa chữa mô tô, xe gắn máy cho biết, hầu hết xe máy trong 3-5 năm đầu sử dụng đều duy trì tốt chất lượng an toàn kỹ thuật và khí thải, đạt tiêu chuẩn khí thải. Hơn nữa, trước khi bán ra thị trường đã được kiểm tra chất lượng xuất xưởng và được hưởng chế độ bảo hành, bảo dưỡng của nhà sản xuất nên chưa cần thiết phải được kiểm định. Do đó, có thể cân nhắc miễn kiểm định khí thải với mô tô, xe gắn máy trong các năm đầu sử dụng.
"Kinh nghiệm một số nước như Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan, Ấn Độ… cũng không thực hiện đối với xe dưới 5 năm kể từ ngày xuất xưởng, sau 5 năm đầu chu kỳ kiểm định định kỳ 1 năm/lần", anh Hòa cho biết.
Cần chế tài bắt buộc cấm xe không đủ chuẩn lưu thông
Ủng hộ chủ trương kiểm soát khí thải xe máy càng sớm càng tốt, song TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, lưu ý cần tổ chức sao cho thuận lợi, nhanh, phù hợp với khả năng chi trả của từng địa phương.
Đơn cử, nên xây dựng lộ trình thực hiện trước ở các thành phố lớn, bắt buộc phải có khung pháp lý, chế tài đảm bảo xe không đủ tiêu chuẩn thì không được lưu thông. Ở những vùng sâu vùng xa, có thể làm chậm hơn nhưng phương tiện đó khi di chuyển vào thành phố thì cần phải có dán tem kiểm định.
"Nhiều nước đã kiểm soát khí thải xe máy từ rất lâu rồi. Chúng ta để càng lâu thì số lượng càng tăng, càng khó làm. Xe máy là công cụ đi lại, kiếm sống của hàng triệu người nhưng không thể bám mãi vào lý do đời sống khó khăn để trì hoãn kiểm soát. Ai cũng phải có trách nhiệm với môi trường", TS Hoàng Dương Tùng nhấn mạnh.
TS. Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia giao thông đô thị cho rằng, việc kiểm định khí thải không chỉ giúp giảm ô nhiễm môi trường, nâng cao chất lượng sống mà còn nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo dưỡng định kỳ phương tiện để đảm bảo tiêu chuẩn khí thải phù hợp cũng như nâng cao chất lượng an toàn phương tiện, đảm bảo an toàn giao thông.
Trước đây các phương tiện xe máy không chịu bất cứ hình thức quản lý nào kể từ khi mua xe. Khi thực hiện kiểm soát khí thải, áp dụng các quy định pháp lý thì chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng.
Người dân có thể phải mất thêm thời gian, thêm thủ tục, chi phí. Tuy nhiên, lợi ích về mặt môi trường và đặc biệt là sức khỏe của người dân mà chính sách này mang lại, là quan trọng nhất. Ngoài ra, thực hiện kiểm soát khí thải xe máy còn giúp giảm tiêu thụ nhiên liệu, giảm phát thải khí nhà kính theo cam kết của Chính phủ với các tổ chức quốc tế.
Cơ quan chuyên môn tính toán, nếu xe máy được bảo dưỡng định kỳ theo khuyến cáo của nhà sản xuất thì có thể giảm tiêu hao nhiên liệu 7%, tiết kiệm 170.000 đồng mỗi năm (tính theo giá xăng năm 2018). Trong khi đó, mỗi xe máy tốn 110.000 đồng một lần bảo dưỡng và thay thế phụ tùng khí thải, lọc gió.
Dự kiến nếu Nhà nước thu phí kiểm định khí thải, mỗi xe tốn 35.000 đồng mỗi năm. Như vậy, nếu kiểm soát khí thải định kỳ, người dân tiết kiệm được 25.000 đồng một xe mỗi năm.
Ngoài ra, việc kiểm tra khí thải xe máy giúp giảm chi phí chương trình mục tiêu quốc gia về bảo vệ sức khỏe người dân, môi trường, thúc đẩy doanh nghiệp ứng dụng công nghệ không gây ô nhiễm khi sản xuất phương tiện giao thông.
Số liệu từ Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, lượng khí thải CO2 (cacbon dioxit) của Việt Nam hiện nay là 500 triệu tấn/năm. Đến năm 2030, nếu không thực hiện các biện pháp giảm phát thải, lượng CO2 có thể tăng gấp đôi lên tới 900 triệu tấn. Đây là mức độ tăng rất lớn. Trong đó có tỷ lệ lớn đến từ giao thông vận tải.