Các nghiên cứu chỉ ra rằng khoảng 85 - 95% người được tiêm chủng sẽ sinh ra miễn dịch đặc hiệu bảo vệ cơ thể không bị bệnh trong suốt thời hạn sử dụng của vaccine. Do đó, bà mẹ được tiêm phòng trước khi mang thai sẽ tăng khả năng bảo vệ sức khỏe của cả mẹ và con hiệu quả.
1. Có nên tiêm phòng trước khi mang thai?
Theo ThS.BS Trần Thị Thùy Linh, Trưởng Đơn vị Tiêm chủng Trung tâm Sản Nhi (Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ), tất cả các chị em phụ nữ nên thực hiện tiêm phòng đầy đủ khi có kế hoạch mang thai để chuẩn bị cho một thai kỳ khỏe mạnh.
Vì trong thời gian mang thai, phụ nữ rất dễ bị bệnh do hàng rào đề kháng hoạt động khá yếu ớt. Chúng dễ dàng lây nhiễm sang thai nhi, có thể khiến thai nhi bị dị tật, chết lưu hoặc sinh non. Ngay cả khi được can thiệp bằng các trợ giúp y tế, vẫn có thể nguy hiểm đến tính mạng và sức khỏe của mẹ và thai nhi.
Các loại vaccine được tiêm ở từng thời điểm khác nhau chứ không thể thực hiện cùng một lúc. Vì vậy, các bà mẹ nên chuẩn bị cho việc tiêm phòng vaccine trước khi mang thai ít nhất 5 -7 tháng.
2. Cần tiêm những vaccine nào trước khi mang thai?
Có 5 loại vaccine được khuyến cáo phụ nữ nên tiêm phòng trước khi mang thai, bao gồm:
2.1 Vaccine sởi - quai bị - Rubella
Trước khi có ý định có thai từ 3 tháng trở lên, nữ giới nên tiêm vaccine sởi - quai bị - Rubella để phòng tránh nguy cơ mắc bệnh trong thời gian mang thai. Bởi vì những căn bệnh này tuy không ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe của người mẹ nhưng có thể gây chết lưu hoặc sinh non, em bé sinh ra có nguy cơ dị tật rất cao.
Thời điểm tiêm: Vaccine sởi - quai bị - Rubella cần được tiêm trước mang thai 3 tháng.
2.2 Vaccine cúm
Nếu thai phụ bị cúm trong quá trình mang thai cũng rất ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Nếu bị cúm trong ba tháng đầu, nguy cơ cao gây dị tật ở thai nhi như sứt môi, hở hàm ếch, sinh non và nhẹ cân. Được tiêm phòng, tỷ lệ mắc cúm sẽ giảm đi đáng kể, thời gian hiệu lực của vaccine thường trong vòng 1 năm.
Thời điểm tiêm: Vaccine cúm cần tiêm trước mang thai 1 tháng.
2.3 Vaccine bạch hầu, ho gà, uốn ván
Đây là loại vaccine phối hợp, với 1 lần tiêm duy nhất. Bạch hầu và ho gà là những căn bệnh lây truyền qua đường hô hấp nên khả năng mắc phải trong quá trình mang bầu là rất cao. Uốn ván có thể gặp nếu chủ quan trước những vết thương, vì loại vi khuẩn này tồn tại rất bền vững trong môi trường tự nhiên như đất, nước...
Thời điểm tiêm: Vaccine bạch hầu, ho gà, uốn ván cần tiêm trước mang thai 1 tháng.
2.4 Vaccine thủy đậu
Nếu bạn chưa từng bị bệnh thủy đậu thì hãy tiêm vaccine thủy đậu 3 tháng trước khi mang thai để chủ động bảo vệ sức khỏe của cả mẹ và thai nhi. Nếu đang mang thai thì thai phụ tuyệt đối không được tiêm vaccine này.
Thời điểm tiêm: Vaccine thủy đậu cần tiêm trước mang thai 3 tháng.
2.5 Vaccine viêm gan B
Tiêm phòng vaccine viêm gan B trước khi mang thai rất cần thiết, bởi đây là căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Viêm gan B có thể lây truyền từ mẹ sang con, nếu thai nhi không may mắc phải sẽ ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe cũng như tương lai của trẻ.
Liều tiêm phòng viêm gan B gồm 3 mũi tiêm, do đó mẹ cần sắp xếp lịch tiêm phù hợp trước khi mang thai. Nếu từng tiêm phòng vaccine viêm gan B, bạn nên xét nghiệm kiểm tra kháng thể xem có cần thiết phải tiêm nhắc lại hay không.
Thời điểm tiêm vaccine viêm gan B:
- Mũi 1: Lần đầu tiên tiêm, trước khi có thai 7 tháng.
- Mũi 2: Cách mũi 1 một tháng.
- Mũi 3: Cách mũi 1 sáu tháng.
Ngoài ra, nếu có điều kiện, trước khi mang thai có thể tiêm các loại vaccine phòng ung thư cổ tử cung và các bệnh do HPV, các bệnh do phế cầu khuẩn, viêm màng não mô cầu A, C, Y…
3. Những hệ lụy nếu không tiêm phòng trước khi mang thai
Việc tiêm phòng trước khi mang thai là không bắt buộc. Tuy nhiên, nếu không được tiêm phòng, thai phụ khi mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm thì bé sinh ra có nguy cơ bị dị tật bẩm sinh hoặc lây bệnh từ mẹ, thậm chí mẹ bị sảy thai, sinh non. Nếu mẹ tiêm vaccine trước khi mang thai thì có thể truyền kháng thể bảo vệ thụ động sang cho con (qua nhau thai, qua sữa mẹ). Nhờ vậy con sẽ được bảo vệ khỏi nguy cơ mắc bệnh khi chưa đến độ tuổi tiêm vaccine.
Vì thế, trước khi có ý định mang thai, chị em nên có kế hoạch tiêm phòng vaccine đầy đủ. Trong trường hợp đã có thai nhưng vẫn chưa được tiêm phòng, mẹ bầu có thể tiêm bổ sung một số loại vaccine như phòng cúm, viêm gan B (ở người chưa tiêm vaccine, tiêm chưa đủ phác đồ, đang mắc các bệnh gan mạn tính khác). Riêng vaccine ngừa thủy đậu và sởi - quai bị - Rubella không được tiêm cho phụ nữ mang thai.
4. Làm gì khi lỡ tiêm phòng thì biết mình mang thai?
Các loại vaccine cần thiết nên tiêm phòng trước khi mang thai, bao gồm vaccine ngừa cúm, viêm gan B, thủy đậu và sởi - quai bị - Rubella đều được khuyến cáo tiêm trước thời điểm mang thai tốt nhất là 3 tháng, tối thiểu là 1 tháng.
Tuy nhiên, với vaccine ngừa cúm và viêm gan B, thai phụ vẫn có thể tiêm bù trong thai kỳ nếu chưa kịp hoàn thành việc tiêm chủng 2 loại vaccine này trước khi có thai. Còn với vaccine ngừa thủy đậu và sởi - quai bị - Rubella, chị em tuyệt đối không được tiêm nếu phát hiện mình đã mang thai.
Trong trường hợp lỡ tiêm 2 loại vaccine ngừa thủy đậu và sởi - quai bị - Rubella rồi mới phát hiện mình mang thai (thời gian từ lúc tiêm vaccine đến lúc mang thai chưa được 1 tháng), cần thông báo với bác sĩ để được tư vấn cách chăm sóc thai kỳ tốt nhất. Lưu ý là không có chỉ định chấm dứt thai kỳ với những trường hợp lỡ tiêm ngừa khi mang thai. Tuy nhiên, cần thăm khám thai thường xuyên để theo dõi chặt chẽ sự phát triển của thai nhi trong thai kỳ.
5. Tiêm phòng trước khi mang thai ở đâu?
Việc tiêm phòng cho phụ nữ trước khi kết hôn hoặc chuẩn bị mang thai có thể được thực hiện ở các Trung tâm Y tế dự phòng, Trung tâm tiêm chủng, các Bệnh viện sản hoặc Bệnh viện Đa khoa lớn ở các tỉnh, thành phố.
Trước khi tiêm phòng, phụ nữ cần kiểm tra mình có đang mang thai và miễn dịch bệnh đã có. Sau đó, bác sĩ sẽ đưa ra liệu trình tiêm phòng phù hợp với thời điểm mang thai mong muốn và tình trạng sức khỏe của bạn.
Xem thêm video đang được quan tâm:
5 loại thực phẩm bà bầu cần bổ sung để con khỏe mạnh, thông minh.