Hà Nội

Những loại thuốc tương tác bất lợi với nước ép bưởi cần biết

01-08-2021 20:00 | An toàn dùng thuốc

SKĐS - Mặc dù nước ép bưởi rất giàu chất dinh dưỡng nhưng nó có thể gây ra tương tác bất lợi với một số loại thuốc, đôi khi nguy hiểm đến tính mạng...

Tương tác thuốc và nước bưởi có thể tạo ra những tác dụng đáng kể về mặt lâm sàng. Chính vì vậy, tương tác của nước ép bưởi đối với chuyển hóa thuốc là mối quan tâm đặc biệt của người cao tuổi và những người phải dùng nhiều loại thuốc hoặc thay đổi thuốc thường xuyên.

photo-1627781153431

Nước ép bưởi có thể tương tác với nhiều loại thuốc điều trị.

Vào đầu những năm 1990, một nhóm nghiên cứu ở Canada đã phát hiện ra mối tương tác nguy hiểm giữa nước ép bưởi và thuốc tim plendil (felodipine). Kể từ đó, nhiều thử nghiệm lâm sàng và nghiên cứu đã công bố có hơn 85 loại thuốc bị ảnh hưởng bởi nước ép bưởi. Chúng bao gồm cả một số loại thuốc được kê đơn phổ biến như thuốc huyết áp, trầm cảm, rối loạn cương dương…

Tại sao nước ép bưởi tương tác với thuốc?

Enzyme CYP3A4 nằm trong các tế bào của ruột non và ruột già cũng như trong tế bào gan. Nước bưởi liên kết không thể đảo ngược với CYP3A4, làm bất hoạt nó cho đến khi quá trình tổng hợp de novo đưa enzym trở lại mức cũ. Kết quả là làm tăng khả năng cung cấp thuốc uống vào hệ tuần hoàn hoặc giảm hoạt hóa các tiền chất dùng đường uống. 

Furanocoumarins (là một nhóm hóa chất thực vật bao gồm bergamottin và dihydroxybergamottin), có trong bưởi chính là nguyên nhân.

Khi hàm lượng thuốc trong máu tăng cao có thể dẫn đến các tác dụng phụ nghiêm trọng hoặc quá liều thuốc. Ví dụ, nếu dang dùng thuốc statin để giảm cholesterol, thì việc dung nạp quá nhiều chất này vào cơ thể có thể làm tăng nguy cơ bị rối loạn cơ nghiêm trọng hoặc tổn thương gan.

Không chỉ làm tăng nồng độ thuốc, nhiều nghiên cứu gần đây còn phát hiện nước ép bưởi làm giảm tác dụng của thuốc. Nguyên nhân là do thay vì làm thay đổi sự trao đổi chất, nước ép bưởi có thể ảnh hưởng đến các protein vận chuyển thuốc (các protein này giúp thuốc di chuyển vào trong tế bào để hấp thu) làm giảm hấp thụ thuốc trong cơ thể.

Chính vì vậy, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã yêu cầu cần có cảnh báo đối với một số thuốc kê đơn và không kê đơn (OTC) đường uống về tương tác bất lợi với nước ép bưởi hoặc ăn bưởi trong khi dùng thuốc.

Điểm mặt loại thuốc có tương tác với nước ép bưởi cần lưu ý

photo-1627781154930

Thuốc giảm cholesterol là loại thuốc phổ biến tương tác với nước ép bưởi.

Cho đến nay, nhiều nghiên cứu báo cáo rằng nước ép bưởi tương tác với ít nhất 85 loại thuốc khác nhau, trong đó có cả những loại thuốc được kê đơn phổ biến, bao gồm:

Thuốc giảm cholesterol như statin là loại thuốc được kê đơn rộng rãi nhất có tương tác với nước bưởi. 

Tiếp đó là thuốc điều trị rối loạn cương dương, bao gồm sildenafil, tadalafil và vardenafil, nhưng ở mức độ thấp hơn statin. 

Thuốc giải lo âu như benzodiazepin alprazolam và triazolam có thể đạt nồng độ độc khi dùng chung với nước bưởi. 

Thuốc kháng sinh, bao gồm erythromycin và clarithromycin.

Thuốc huyết áp, bao gồm felodipine, verapamil và losartan.

Thuốc chống loạn nhịp tim như amiodarone và dronedarone.

Thuốc chống co giật, thuốc chống loạn thần, thuốc kháng virus và một số thuốc điều trị ung thư cũng có thể tương tác với nước ép bưởi.

Làm gì để hạn chế nguy cơ?

Nguy cơ mắc các tác dụng phụ nghiêm trọng phụ thuộc vào lượng nước bưởi bạn uống, độ tuổi, loại và liều lượng thuốc đang sử dụng. Ngoài ra, số lượng enzym CYP3A4 trong ruột khác nhau ở mỗi người, nên cơ chế gây tương tác cũng khác nhau.

Người lớn tuổi uống nhiều nước ép bưởi dễ bị tác dụng phụ của thuốc hơn. Vì vậy, để đảm bảo an toàn, trước khi sử dụng một loại thuốc mới, cần trao đổi với bác sĩ và dược sĩ về các tương tác thuốc có thể xảy ra.

 Khi mua thuốc, cần đọc kỹ tờ thông tin hướng dẫn sử dụng thuốc. Kiểm tra nhãn cảnh báo trên chai thuốc. Nếu nước bưởi không được đề cập, hãy hỏi dược sĩ tại quầy thuốc xem bạn có thể uống nó một cách an toàn hay không.

Lập danh sách tất cả các loại thuốc của bạn, bao gồm cả thuốc kê đơn và thuốc mua tự do để kiểm tra các tương tác thuốc có thể xảy ra.

Lưu ý: Thông tin mang tính chất tham khảo, bạn đọc khi sử dụng thuốc nên trao đổi trực tiếp với bác sĩ. 

Mời các bạn xem thêm video đang được quan tâm:

Theo chân Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai lập nơi điều trị COVID-19 gần 3.000 giường ở TP.HCM

DS. Nguyễn Thị Trang
Ý kiến của bạn