Bạn đã biết tác dụng phụ phổ biến của một số loại thuốc như mệt mỏi, táo bón hay tiêu chảy, nhưng cũng có một số loại thuốc thông dụng có thể làm tăng cường độ hấp thu ánh sáng qua da, làm tăng nguy cơ sạm da, rám da, nổi mẩn da hoặc những rối loạn về da. Nghĩa là thuốc sẽ gây tác dụng phụ lên da khi người sử dụng tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Các triệu chứng có thể bao gồm mẩn đỏ, đau, châm chích, cảm giác nóng rát hoặc phát ban giống như bệnh chàm.
Có hai loại phản ứng thuốc: Phổ biến nhất là độc tính với ánh sáng, có thể xảy ra khi tia UV tương tác với thuốc, khiến thuốc phản ứng tiêu cực với da trong vòng vài giờ sau khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Điều quan trọng cần lưu ý là, ở một số người nhiễm độc ánh sáng có thể gây ra tổn thương lâu dài cho các khu vực bị ảnh hưởng ngay cả khi họ ngừng dùng thuốc ngay sau khi các triệu chứng xuất hiện.
Phản ứng ít phổ biến hơn là hiện tượng dị ứng, trong đó tia cực tím (UV) từ mặt trời có thể phá vỡ cấu trúc của thuốc, khiến cơ thể sản xuất kháng thể và đôi khi dẫn đến phát ban ở bất cứ đâu từ một đến ba ngày sau khi tiếp xúc.
Danh sách những loại thuốc nhạy cảm với ánh nắng mặt trời
Việc phát hiện và ngừng sử dụng những thuốc gây nhạy cảm với ánh sáng là vô cùng quan trọng trong điều trị các rối loạn da. Tuy nhiên, không phải tất cả những người dùng hoặc sử dụng các loại thuốc được đề cập dưới đây sẽ có phản ứng. Ngoài ra, nếu bạn gặp phản ứng trong một lần, điều đó không có nghĩa là bạn được đảm bảo sẽ không bị phản ứng lần sau. Các biện pháp khắc phục là chườm mát, dùng thuốc giảm ngứa và sử dụng thuốc corticosteroid. Đối với những phản ứng nặng hơn, cần đến các cơ sở y tế để được thăm khám.
Dưới đây là một số loại thuốc có thể gây nhạy cảm với ánh nắng mặt trời, bao gồm:
. Thuốc kháng sinh (ciprofloxacin, doxycycline, levofloxacin, ofloxacin, tetracycline, trimethoprim)
. Thuốc chống nấm (flucytosine, griseofulvin, voricanozole)
. Thuốc kháng histamine (cetirizine, diphenhydramine, loratadine, promethazine, cyproheptadine)
. Thuốc hạ cholesterol (simvastatin, atorvastatin, lovastatin, pravastatin)
. Thuốc lợi tiểu (thuốc lợi tiểu thiazide: hydrochlorothiazide, chlorthalidone, chlorothiazide; thuốc lợi tiểu khác: furosemide và triamterene)
. Thuốc chống viêm không steroid (ibuprofen, naproxen, celecoxib, piroxicam, ketoprofen)
. Thuốc tránh thai và estrogen
. Thuốc an thần phenothiazines (chlorpromazine, fluphenazine, promethazine, thioridazine, prochloroperazine)
. Thuốc retinoids (acitretin, isotretinoin)
. Sulfonamit (acetazolamide, sulfadiazine, sulfamethizole, sulfamethoxazole, sulfapyridine, sulfasalazine, sulfasoxazole)
. Thuốc đái tháo đường tuýp 2 sulfonylureas (glipizide, glyburide)
. Axit alpha-hydroxy trong mỹ phẩm
Sử dụng thuốc điều trị nhạy cảm ánh nắng mặt trời cần lưu ý những gì?
Trước khi sử sụng bất kỳ loại thuốc nào cần kiểm tra nhãn thuốc để biết thông tin cảnh báo cụ thể về ánh nắng mặt trời. Đồng thời, cần tham khảo ý kiến tư vấn của bác sĩ kê đơn về mức độ nhạy cảm với ánh nắng của thuốc.
Để đảm bảo sức khỏe, cách tốt nhất là nên tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời, ngay cả khi trời nhiều mây. Hãy áp dụng những biện pháp sau để giữ an toàn khi bạn phải ở ngoài trời:
Mặc quần áo chống nắng và đội mũ rộng vành.
Sử dụng kem chống nắng có chỉ số SPF từ 15 trở lên, được phân loại là “phổ rộng”, nghĩa là nó bảo vệ khỏi cả tia UVA và UVB. Bôi kem chống nắng trước 15 đến 30 phút trên tất cả các vùng da tiếp xúc trước khi ra nắng. Bôi lại ít nhất 2 giờ một lần.
Ở trong bóng râm hoặc trong nhà từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều khi tia UV của mặt trời mạnh nhất.