Một số loại thuốc viên không nên bẻ hoặc nghiền nhỏ
Thuốc phóng thích kéo dài
Đây dạng thuốc đặc biệt cho phép hoạt chất được phóng thích từ từ, làm cho nồng độ thuốc trong cơ thể được duy trì ổn định và bệnh nhân không cần phải uống nhiều lần trong ngày.
Hàm lượng hoạt chất trong thuốc được tính toán để đủ cho cơ thể trong một thời gian dài (thường là 12 hoặc 24 giờ). Vì vậy, việc nghiền, bẻ hoặc nhai sẽ phá vỡ cấu trúc của viên thuốc và mất đi tác dụng. Hơn nữa, toàn bộ hoạt chất trong viên thuốc được phóng thích cùng một lúc sẽ dẫn đến quá liều. Ví dụ thường thấy cho dạng thuốc này là klacid MR, oxycotine CR, kaldyum, tegretol CR, depakine chrono, advagraf prolonged-release...
Có những loại thuốc khi nghiền, bẻ thuốc để uống sẽ gây nguy hiểm.
Đặc điểm để nhận diện dạng thuốc này là những kí từ viết tắt sau tên thuốc như: CD (controlled dose = liều kiểm soát), CR (controlled release = phóng thích kiểm soát), CRT (controlled release tablet = viên nén phóng thích kiểm soát), LA (long-acting = tác dụng kéo dài), SR (substained release = phóng thích từ từ), TR (timed release = phóng thích theo thời gian), (XR (extended release = phóng thích kéo dài)...
Dạng thuốc bao tan trong ruột: Những thuốc này thường được bao bởi một lớp phim. Lớp này giữ cho viên thuốc nguyên vẹn khi đi qua dạ dày và chỉ tan khi thuốc xuống đến ruột non. Dạng thuốc này thường áp dụng cho những hoạt chất gây kích ứng dạ dày mạnh (như viên bao phim aspirin PH8, deparkine, thuốc giảm đau kháng viêm NSAIDs...). Bao tan trong ruột cũng được sử dụng để bảo vệ những dược chất dễ phân hủy trong môi trường acid của dạ dày (như nexium, dudencer, pantoloc...). Vì vậy, tốt nhất các bậc cha mẹ không nên nghiền nhỏ để bảo toàn tác dụng của thuốc.
Viên bao đường: Với một số loại có mùi vị khó chịu, nhà sản xuất thường bao viên thuốc bằng một lớp bao (thường là bao đường). Nếu như nhai hoặc nghiền, lớp bao này sẽ mất và bệnh nhân sẽ không chịu nổi mùi vị khó chịu của dược chất. Ví dụ như thuốc chứa hoạt chất cefuroxim, berberin, docusate, praziquantel, ibuprofen, topiramate...
Viên ngậm dưới lưỡi: Là dạng thuốc được thiết kế để dược chất được phóng thích và hấp thu khi ngậm dưới lưỡi, ví dụ như: isosorbide, nitroglycerin, ergotamin dạng ngậm dưới lưỡi. Những thuốc này cũng tuyệt đối không nên được nhai, bẻ hoặc nghiền nhỏ.
Viên sủi: Ví dụ như solupred, upsa C, efferalgan... Với dạng thuốc này, phụ huynh cần hòa tan viên thuốc với một ly nước đun sôi để nguội, đến khi viên thuốc sủi bọt và tan hoàn toàn rồi mới cho trẻ uống. Không bẻ hoặc nghiền nhỏ rồi cho trẻ uống trực tiếp, vì như vậy thuốc không tan hết, sẽ không phát huy hết tác dụng, đồng thời gây hại cho dạ dày của trẻ.
Những thuốc có nguy cơ cao gây hại cho người tiếp xúc: Thường là thuốc kháng ung thư, thuốc hormon, một vài thuốc kháng virus như: mycophenolate mofetil, capecitabine... Nếu nghiền nhỏ hoặc tháo vỏ nang (với viên nang) sẽ không làm thay đổi tác dụng của thuốc, nhưng có khả năng gây độc cho người thao tác thông qua việc tiếp xúc da hoặc hít phải bột thuốc. Những độc tố này bao gồm: gây ung thư, gây quái thai, độc tính trên hệ sinh sản... Vì vậy, cách tốt nhất người bệnh nên nuốt trọn viên thuốc.
Lời khuyên của chuyên gia
Nếu bạn không chắc chắn, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ/dược sĩ trước khi bẻ, nghiền hoặc nhai thuốc. Trong trường hợp không thể nuốt được, thông báo cho bác sĩ biết để đổi sang dạng thuốc khác. Thông thường, thuốc nước, siro, bột/cốm pha hỗn dịch là dạng thuốc phù hợp cho trẻ nhỏ hơn cả. Tuy nhiên, liều và tần suất uống có thể thay đổi (nhất là với thuốc phóng thích kéo dài).
Trong một số trường hợp, việc bẻ đôi viên thuốc để dễ uống hơn có thể chấp nhận được (ví dụ viên zinnat, ciprobay, praziquantel, theosate LP...). Hoặc cũng có thể mở vỏ viên nang, không nghiền thêm, rồi trộn thuốc chung với nước trái cây hoặc thức ăn trước khi uống (như nexium, omeprazol tan trong ruột...).