Những loại thuốc gây rối loạn kali máu

21-11-2022 15:10 | An toàn dùng thuốc

SKĐS - Tăng kali hay hạ kali máu đều có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Có nhiều nguyên nhân gây rối loạn kali, tác dụng phụ của một số loại thuốc là một trong số đó. Biết các loại thuốc có thể ảnh hưởng đến nồng độ kali sẽ giúp việc sử dụng thuốc an toàn và hiệu quả hơn.

1. Kali là gì?

Kali là khoáng chất đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe tổng thể. Kali cần thiết cho chức năng của mọi tế bào sống. Kali giúp di chuyển chất lỏng và chất dinh dưỡng vào và ra khỏi tế bào, giúp các dây thần kinh và cơ bắp hoạt động bình thường.

Nhu cầu kali hàng ngày là 1 - 1,5 mmol/l. Thận là cơ quan đào thải kali (90% kali được đào thải qua thận, 10% kali được đào thải qua phân và qua da). Nồng độ kali máu liên quan đến nhiều yếu tố như: Kiềm toan của máu, độ thẩm thấu dịch ngoại bào, thiếu insulin… Nồng độ kali máu bất thường như tăng hay hạ kali máu có thể gây yếu cơ, thậm chí gây ngừng tim, suy tim…

Những loại thuốc gây rối loạn kali máu cần biết - Ảnh 1.

Kali cần thiết cho chức năng của mọi tế bào sống.


2. Các loại thuốc có thể gây hạ kali máu

Mức kali bình thường nằm trong khoảng từ 3,5 mEq/L đến 5 mEq/L. Hạ kali máu là nồng độ kali huyết thanh < 3,5 mEq/L do sự thiếu hụt tổng lượng kali trong cơ thể hoặc sự di chuyển bất thường của kali vào trong tế bào.

Đặc điểm lâm sàng bao gồm yếu cơ và tiểu nhiều. Tăng nhạy cảm cơ tim có thể xảy ra với hạ kali máu nặng. Chẩn đoán bằng định lượng kali huyết thanh. Hạ kali máu thường trở nên nghiêm trọng khi nồng độ kali thấp hơn 2,5 mEq/L.

Nguyên nhân tiềm ẩn của hạ kali máu bao gồm không nhận đủ kali trong chế độ ăn uống và tiêu chảy kéo dài.

Những loại thuốc gây rối loạn kali máu cần biết - Ảnh 2.

Tăng kali máu hay hạ kali máu đều có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.

Thuốc là một nguyên nhân gây hạ kali máu:

- Thuốc lợi tiểu: Thuốc lợi tiểu được sử dụng để điều trị các tình trạng y tế như cao huyết áp và suy tim. Thuốc lợi tiểu khiến thận tạo ra nhiều nước tiểu hơn để loại bỏ nước và muối, dẫn đến đi tiểu nhiều hơn.

Một số thuốc lợi tiểu, như thiazide và thuốc lợi tiểu quai, cũng khiến cơ thể loại bỏ nhiều kali hơn. Ví dụ về thuốc lợi tiểu quai bao gồm furosemide và bumetanide. Ví dụ về thiazide bao gồm hydrochlorothiazide và chlorthalidone.

- Thuốc chủ vận beta: Thuốc chủ vận beta giúp những người mắc bệnh hen suyễn và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính ( OPD) thở tốt hơn. Tuy nhiên, các loại thuốc này cũng như albuterol làm giảm nồng độ kali trong máu bằng cách di chuyển kali vào tế bào. Trên thực tế, albuterol đã được sử dụng để điều trị tăng kali máu.

- Thuốc nhuận tràng: Thuốc nhuận tràng điều trị táo bón, nhưng cũng có thể gây hạ kali máu do tác dụng phụ nếu quá nhiều kali bị thải ra ngoài theo phân, đặc biệt nếu thuốc nhuận tràng được dùng với hàm lượng cao.

- Thuốc kháng sinh aminoglycosid: Aminoglycoside là một nhóm kháng sinh bao gồm tobramycin và gentamicin có thể hạ thấp mức kali bằng cách tăng lượng kali trong nước tiểu.

- Thuốc kháng nấm amphotericin B: Thuốc amphotericin B là kháng sinh có khả năng chống nấm. Thuốc được chỉ định trong những trường hợp nhiễm nấm như nhiễm nấm Candida albicans ở đường tiêu hóa và miệng, nhiễm nấm toàn thân, niêm mạc. Amphotericin B có thể làm giảm nồng độ kali thông qua một số quá trình khác nhau, như chuyển kali từ máu vào nước tiểu.

- Thuốc trị tiểu đường insulin: Những người mắc bệnh tiểu đường có thể cần sử dụng insulin để giúp kiểm soát lượng đường trong máu. Nhưng insulin có thể gây hạ kali máu. Trên thực tế, insulin có thể được sử dụng để điều trị chứng tăng kali máu.

3. Các loại thuốc làm tăng kali máu

Tăng kali máu xảy ra khi nồng độ kali lớn hơn 5 mEq/L. Nếu mức tăng trên 6 mEq/L, có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.

Các biểu hiện lâm sàng của tăng kali máu là thần kinh cơ, dẫn đến yếu cơ và độc tính lên tim, nặng có thể tiến triển thành rung thất thoặc vô tâm thu.

Nguyên nhân gây tăng kali máu bao gồm các tình trạng y tế như bệnh thận mãn tính và các trường hợp cấp cứu y tế như nhiễm toan ceton do tiểu đường và nhiễm trùng huyết.

Một số loại thuốc cũng có thể gây tăng kali máu bao gồm:

- Thuốc ức chế men chuyển angiotensin: Thuốc ức chế men chuyển angiotensin (ACE) là thuốc điều trị huyết áp cao và suy tim. Nhóm thuốc này bao gồm lisinopril, enalapril và quinapril. Thuốc ức chế ACE làm tăng nồng độ kali do ngăn chặn sự giải phóng aldosterone một loại hormone thường thúc đẩy việc loại bỏ kali ra khỏi cơ thể qua nước tiểu.

- Thuốc chẹn thụ thể angiotensin II: Thuốc chẹn thụ thể angiotensin II ( ARB ) là lựa chọn thay thế phổ biến cho thuốc ức chế men chuyển, bao gồm các loại thuốc như losartan và valsartan. Giống như thuốc ức chế men chuyển, ARB có thể làm tăng mức kali bằng cách ngăn chặn việc giải phóng aldosterone. Trên thực tế, có tới 10% số người sẽ bị tăng kali máu trong năm đầu tiên dùng thuốc ức chế men chuyển hoặc ARB.

- Thuốc đối kháng aldosterone: Thuốc đối kháng aldosterone như spironolactone được chỉ định để điều trị một số tình trạng y tế bao gồm huyết áp cao, suy tim... Nhưng thuốc cũng có thể gây tăng kali máu vì ngăn cơ thể đào thải kali qua nước tiểu. Tuy nhiên, các loại thuốc này là nguyên nhân gây tăng kali máu ít phổ biến hơn so với dùng thuốc ức chế men chuyển hoặc ARB - hoặc có vấn đề về thận.

- Thuốc lợi tiểu kiệm kali: Amiloride và triamterene là hai ví dụ về thuốc lợi tiểu tiết kiệm kali. Thuốc được sử dụng để điều trị một số tình trạng y tế giống như thuốc đối kháng aldosterone. Và, giống như những loại thuốc đó, thuốc cũng hạn chế lượng kali thải ra khỏi cơ thể qua nước tiểu gây tăng kali máu.

- Thuốc chống viêm không steroid: Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như ibuprofen và naproxen thường được dùng để giảm sốt, đau và viêm. Thuốc cũng có thể làm tăng nồng độ kali bằng cách hạ thấp nồng độ aldosterone.

Những loại thuốc gây rối loạn kali máu cần biết - Ảnh 4.

Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) có thể làm tăng nồng độ kali.

Nghiên cứu về việc liệu NSAID có gây tăng kali máu hay không còn nhiều ý kiến trái chiều, nhưng một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc dùng các loại thuốc này có nguy cơ làm tăng nồng độ kali cao hơn, đặc biệt đối với những người mắc bệnh mãn tính gây ra các vấn đề về thận, như bệnh tiểu đường.

- Một số thuốc ức chế miễn dịch: Cyclosporine và tacrolimus là những loại thuốc chống thải ghép khi cấy ghép nội tạng. Những loại thuốc này ngăn chặn việc giải phóng một loại hormone gọi là renin, cần thiết để tạo ra aldosterone. Như đã nói ở trên, có mức aldosterone thấp có nghĩa là cơ thể sẽ có nhiều kali hơn.

- Thuốc tim mạch digoxin: Digoxin có thể giúp điều trị suy tim hoặc rung tâm nhĩ, một loại nhịp tim bất thường. Nếu liều digoxin quá cao hoặc có vấn đề về thận khi dùng thuốc, kali có thể tích tụ trong máu dẫn đến tăng kali máu.

- Thuốc kháng sinh trimethoprim: Trimethoprim là một loại kháng sinh thường được kết hợp với sulfamethoxazole để điều trị nhiều bệnh nhiễm trùng, như nhiễm trùng đường tiết niệu. Nhưng ở liều lượng cao hoặc có vấn đề về thận có thể gây ra nồng độ kali trong máu tăng.

Mời xem thêm video đang được quan tâm:

5 loại thực phẩm bà bầu cần bổ sung để con khoẻ, thông minh

Ds. Lê Thanh Hoà
Ý kiến của bạn