Một số thuốc gây tác hại nhất định cho gan và khi chúng ta uống phải một số thuốc có hại cho gan thì cũng có thể gây ra tình trạng gan nhiễm mỡ.
Gan nhiễm mỡ và những loại thuốc gây gan nhiễm mỡ
Gan đóng một vai trò trung tâm trong sự tích trữ và chuyển hóa của các chất béo. Gan nhiễm mỡ hay còn gọi là gan thoái hóa mỡ là tình trạng ứ đọng mỡ trong gan và sự tích lũy của chất béo trong gan vượt quá 5% trọng lượng của gan hoặc quan sát dưới kính hiển vi thấy nhiều hơn 5% số tế bào gan chứa các hạt mỡ. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến gan nhiễm mỡ như: béo phì, đái tháo đường, tăng lipid máu, nghiện rượu, viêm gan siêu vi do sử dụng một số thuốc...
Khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào có khả năng gây độc cho gan hoặc làm gan nhiễm mỡ, người bệnh cần có ý kiến của bác sĩ.
Có rất nhiều thuốc có thể gây nhiễm mỡ cho gan nếu không được sử dụng đúng chỉ định, hoặc sử dụng liều cao kéo dài. Dưới đây là một số thuốc chủ yếu gây nên bệnh lý này:
Thuốc nhóm glucocorticoid (dexamethason, prednisolon...): Khi dùng liều cao các thuốc trong nhóm glucocorticoid có thể gây ra gan nhiễm mỡ. Tác động này phần lớn xuất hiện ở trẻ em. Nguyên nhân chính là do tăng giải phóng acid béo từ các mô mỡ, từ đó gây ra gan nhiễm mỡ. Khi ngưng sử dụng glucocorticoid, tình trạng gan nhiễm mỡ có thể giảm dần và hết hẳn.
Kháng sinh tetracycline: Loại kháng sinh này nếu dùng qua đường uống có thể gây ra thâm nhiễm mỡ dạng bọng nhỏ. Mức độ của thoái hóa mỡ ở gan có mối liên hệ chặt chẽ và tỷ lệ thuận với liều dùng.
Thuốc chữa loạn nhịp tim amiodarone: Việc dùng thuốc này thường gây tăng men gan. Dùng thuốc kéo dài có thể gây ra gan nhiễm mỡ dạng bọng lớn và những biến đổi bệnh lý tương tự trong viêm gan do rượu. Khi có dấu hiệu tổn thương gan, tốt nhất nên dừng thuốc.
Thuốc chống động kinh acid valproic: Là một thuốc chống co giật, ít khi gây ra gan nhiễm mỡ dạng giọt nhỏ, thường là kết hợp với hoại tử gan đặc biệt là ở trẻ em. Những bất thường ở gan thường xảy ra từ 2-4 tháng sau khi sử dụng thuốc.
Ngoài ra còn một số thuốc khác có thể gây nhiễm mỡ ở gan như: methotrexat (thuốc ức chế miễn dịch dùng trong điều trị ung thư và viêm khớp dạng thấp), estrogen (nội tiết tố nữ), perhexilin (thuốc trị cơn đau thắt ngực) và tất cả các thuốc gây độc cho tế bào gan như: thuốc kháng virut, thuốc chống lao, thuốc giảm đau hạ sốt, thuốc kháng giáp tổng hợp...
Biểu hiện của gan nhiễm mỡ do thuốc có gì khác biệt?
Biểu hiện của gan nhiễm mỡ do thuốc thường không khác biệt với gan nhiễm mỡ do các nguyên nhân khác. Phần lớn các trường hợp gan nhiễm mỡ không có triệu chứng. Các bệnh nhân thường được phát hiện một tình trạng gan to, hoặc những sự bất thường nhẹ về chỉ số aminotransferase hoặc alkaline phosphatase khi đi khám bệnh định kỳ. Trong các trường hợp khác, tình trạng gan nhiễm mỡ được nghĩ đến khi bệnh nhân được chỉ định làm siêu âm hoặc chụp cắt lớp điện toán để tầm soát một bệnh khác, ví dụ như bệnh sỏi mật. Tuy nhiên, gan nhiễm mỡ có thể chỉ biểu hiện với triệu chứng mệt mỏi và cảm giác khó chịu ở vùng thượng vị phải. Với tình trạng gan nhiễm mỡ nặng có thể có triệu chứng vàng da, đau bụng, buồn nôn, ói mửa và gan to nhẹ.
Những bất thường về kết quả xét nghiệm của tình trạng gan nhiễm mỡ do thuốc rất ít và cũng không khác biệt so với tình trạng gan nhiễm mỡ do các nguyên nhân khác. Hầu hết các trường hợp có sự tăng nhẹ về các chỉ số aminotransferases huyết thanh, alkaline phosphatasse hoặc g-glutamyl transpeptidase. Thông thường chỉ phát hiện một bất thường về xét nghiệm gan, ví dụ như tăng chỉ số alkaline phosphatase. Các bất thường khác ít gặp hơn là tăng bilirubin huyết thanh trực tiếp và giảm albumin huyết thanh. Gan nhiễm mỡ nặng có thể biểu hiện với triệu chứng vàng da và những bất thường rõ rệt trong các kết quả xét nghiệm gan.
Khi người bệnh được chẩn đoán mắc gan nhiễm mỡ, ở các mức độ khác nhau tương ứng với mỗi liệu pháp điều trị. Nói chung về điều trị gan nhiễm mỡ chủ yếu là dự phòng và làm giảm nguy cơ gây ra gan nhiễm mỡ, dựa vào yếu tố thường gặp là do rượu và do tăng lipid máu. Vì vậy, trước hết cần tránh uống rượu bia, hạn chế ăn nhiều đường và mỡ, tập thể dục thường xuyên, tránh các thuốc gây độc cho gan và điều trị theo nguyên nhân gây ra bệnh gan nhiễm mỡ. Điều trị viêm gan virut nếu có.
Nếu có bệnh lý rối loạn lipid máu thì sử dụng các thuốc chống tăng mỡ máu như nhóm fibrat (lypanthyl, lipavlon), nhóm lovastatin hoặc simvastatin, vitamin E liều cao, cũng có tác dụng góp phần làm giảm tình trạng gan nhiễm mỡ.
Nếu có bệnh lý đái tháo đường, cần tuân thủ chặt chẽ chế độ ăn, chế độ sinh hoạt, làm việc và uống thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Tùy theo tình trạng nhiễm mỡ mà có thể cân nhắc sử dụng các loại thuốc chống thoái hóa mỡ ở gan như livolin H, methionin hay silimarin.
Và điều cần ghi nhớ là trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào, nhất là các thuốc có khả năng gây độc cho gan nói chung và khả năng gây nên bệnh lý gan nhiễm mỡ nói riêng, người bệnh cần có ý kiến của bác sĩ để tránh xảy ra các hậu quả đáng tiếc.