Ung thư phổi có thể chữa khỏi được hay không phụ thuộc phần lớn vào thời điểm phát hiện bệnh.
Có nhiều phương án điều trị ung thư phổi bao gồm phẫu thuật, xạ trị, hóa trị, liệu pháp nhắm trúng đích và chăm sóc giảm nhẹ. Trong đó hóa trị và thuốc nhắm trúng đích đóng vai trò vô cùng quan trọng. Ngày nay, nhiều loại thuốc thế hệ mới ra đời đáp ứng nhu cầu điều trị và mang lại nhiều cơ hội chữa khỏi cho người bệnh.

Bản phim chụp của một bệnh nhân bị ung thư phổi.
Hiện có nhiều phương pháp điều trị ung thư phổi như phẫu thuật, xạ trị, hóa trị, liệu pháp nhắm trúng đích và chăm sóc giảm nhẹ. Trong đó hóa trị và thuốc nhắm trúng đích đóng vai trò vô cùng quan trọng. Ngày nay, nhiều loại thuốc thế hệ mới ra đời đáp ứng nhu cầu điều trị và mang lại nhiều cơ hội chữa khỏi bệnh cho người bệnh.
Dưới đây là các phương pháp chính được sử dụng trong điều trị ung thư phế quản phổi nguyên phát và những thông tin cần lưu ý.
1. Các thuốc điều trị ung thư phế quản phổi nguyên phát
Theo Tiến sĩ Đỗ Thị Phương Chung - Trưởng khoa Ung Bướu Cơ Sở An Đồng - Bệnh Viện Hữu Nghị Việt Tiệp, các thuốc điều trị ung thư phế quản phổi nguyên phát rất đa dạng, bao gồm nhiều nhóm khác nhau tùy thuộc vào giai đoạn bệnh và tình trạng sức khỏe của bệnh nhân; trong đó có một số loại thuốc chính sau:
1.1. Thuốc hóa trị:
Hóa chất (chemotherapy) là phương pháp sử dụng các thuốc hóa chất gây độc tế bào (cytotoxic drugs) nhằm tiêu diệt hoặc ức chế sự phát triển của các tế bào ung thư. Trong ung thư phổi, hóa trị được sử dụng đơn độc hoặc kết hợp với xạ trị, phẫu thuật, hoặc liệu pháp nhắm trúng đích – tùy theo giai đoạn bệnh và loại mô học (ung thư phổi tế bào nhỏ hoặc không phải tế bào nhỏ). Một số thuốc thường dùng như sau:
- Nhóm Platinum bao gồm cisplatin và carboplatin gây tổn thương DNA của tế bào ung thư, khiến chúng không thể nhân lên.
- Nhóm Taxan : paclitaxel và docetaxel ngăn cản quá trình phân bào của tế bào ung thư bằng cách ổn định vi ống.
- Nhóm chống chuyển hóa: Pemetrexed, Gemcitabine cản trở quá trình tổng hợp DNA/RNA của tế bào ung thư.
- Nhóm Alkaloid thực vật: Vinorelbine và etoposide, chúng ức chế phân chia tế bào qua nhiều giai đoạn khác nhau của chu kỳ tế bào.
- Nhóm ức chế Topoisomerase I : Irinotecan ngăn ngừa sữa chữa DNA-> diệt tế bào ung thư.
1.2. Thuốc nhắm đích:
Thuốc nhắm trúng đích (targeted therapy) là nhóm thuốc có cơ chế tác động chọn lọc lên các phân tử đặc hiệu hoặc gen đột biến - yếu tố then chốt trong quá trình sinh ung và phát triển khối u. Thuốc nhắm trúng đích tấn công trực tiếp tế bào ung thư, ít làm tổn thương tế bào lành.

Bệnh nhân ung thư phổi khi điều trị bằng thuốc nhắm trúng đích. Ảnh minh hoạ AI
Các bệnh nhân ung thư phổi không phải tế bào nhỏ (NSCLC) thường được chỉ định xét nghiệm đột biến gen (mẫu mô hoặc máu), từ đó quyết định có phù hợp dùng thuốc nhắm trúng đích hay không. Các đột biến gen thường gặp như: EGFR , ROS 1, ALK, MET,…
Các nhóm thuốc nhắm trúng đích:
- Đột biến gen EGFR:
- Thế hệ 1: Erlotinib, Gefitinib
- Thế hệ 2 : Afatinib, Dacomitinib
- Thế hệ 3: Osimertinib
- Nhóm ức chế ALK:
- Thế hệ 1: crizotinib
- Thế hệ 2: alectinib, brigatinib
- Thế hệ 3: lorlatinib
- Nhóm ức chế ROS 1, MET, RET: entrectinib, selpercatinib,….
Một số tác dụng phụ thường gặp như nổi ban trên da, khô da, tiêu chảy, viêm phổi kẽ,..
1.3. Thuốc ức chế miễn dịch
Là một phương pháp giúp cơ thể kích hoạt hệ miễn dịch chống lại tế bào ung thư. Các loại thuốc phổ biến trong nhóm này bao gồm: Pembrolizumab, Atezolizumab, Durvalumab.
Tác dụng không mong muốn của nhóm thuốc này là phát ban, ngứa, viêm tuyến giáp, viêm ruột, viêm gan, viêm phổi kẽ, giảm tiểu cầu.
1.4. Điều trị bằng thuốc kháng sinh tăng mạnh

Bệnh nhân ung thư phế quản phổi nguyên phát thực hiện hoá trị. Ảnh AI
Thuốc kháng tăng sinh mạch (anti-angiogenic drugs) là nhóm thuốc ức chế quá trình hình thành mạch máu mới (angiogenesis) – vốn là "con đường tiếp tế" nuôi dưỡng tế bào ung thư.
Thuốc kháng tăng sinh mạch chủ yếu ức chế yếu tố tăng trưởng nội mô mạch máu (VEGF – Vascular Endothelial Growth Factor) hoặc thụ thể của nó (VEGFR)
Các thuốc kháng tăng sinh mạch thường dùng:
- Bevacizumab: kháng thể đơn dòng kháng VEGF thường được dùng cho ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn tiến xa, thường phối hợp với hóa trị hay miễn dịch.
- Ramucirumab : kháng VEGF 2
Một số tác dụng phụ hay gặp như tăng huyết áp, protein niệu, tăng nguy cơ chảy máu, chậm lành vết thương,…
2.Các thuốc chăm sóc giảm nhẹ:
Chăm sóc giảm nhẹ (palliative care) là quá trình điều trị nhằm giảm nhẹ triệu chứng, cải thiện chất lượng sống cho bệnh nhân ung thư, không nhằm mục đích chữa khỏi bệnh, mà để giúp bệnh nhân sống thoải mái, có ý nghĩa hơn – dù đang điều trị hay ở giai đoạn cuối.
Trong ung thư phổi, nhiều triệu chứng có thể ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe thể chất và tinh thần người bệnh, như đau đớn, khó thở, ho kéo dài, lo âu, mất ngủ, chán ăn, suy kiệt...
Đối với cơn đau nhẹ, thuốc giảm đau không opioid là thích hợp. Nhóm này bao gồm: Ibuprofen, Acetaminophen... hoặc nhóm NSAID như aspirin.
Dù mang lại hiệu quả điều trị, các loại thuốc này cũng đi kèm với nhiều tác dụng phụ, tùy thuộc vào từng phương pháp.
3. Tác dụng phụ của các loại thuốc
- Hóa trị: Một số tác dụng phụ hay gặp của hóa chất như buồn nôn, nôn, rụng tóc, mệt mỏi, suy nhược, giảm bạch cầu , tiểu cầu, chảy máu,…
- Thuốc nhắm đích: Tác dụng phụ thường gặp như nổi ban trên da, khô da, tiêu chảy, viêm phổi kẽ,..
- Thuốc ức chế miễn dịch: Tác dụng không mong muốn của nhóm thuốc này là phát ban, ngứa, viêm tuyến giáp, viêm ruột, viêm gan, viêm phổi kẽ, giảm tiểu cầu.
- Thuốc kháng tăng sinh mạch: Một số tác dụng phụ hay gặp như tăng huyết áp, protein niệu, tăng nguy cơ chảy máu, chậm lành vết thương,…
4. Những lưu ý khi sử dụng thuốc
Theo Tiến sĩ Đỗ Thị Phương Chung, để đạt hiệu quả tốt nhất, bệnh nhân cần dùng thuốc đúng liều lượng và thời gian. Bên cạnh đó, cần theo dõi các tác dụng phụ, bất kỳ dấu hiệu bất thường nào cũng nên báo cho bác sĩ ngay lập tức. Để tăng cường sức đề kháng và hỗ trợ quá trình điều trị, người bệnh cần kết hợp chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt hợp lý.
Khi dùng thuốc điều trị bệnh ung thư phế quản phổi nguyên phát người bệnh có thể gặp một số tai biến y khoa như sốc phản vệ, có thể đe dọa tính mạng. Bên cạnh đó, hóa trị và thuốc miễn dịch có thể làm suy yếu hệ miễn dịch, khiến bệnh nhân dễ bị nhiễm trùng. Các thuốc điều trị có thể gây tổn thương gan, thận, tim hoặc hệ thần kinh nếu sử dụng trong thời gian dài hoặc liều cao.
Việc điều trị ung thư phổi bằng thuốc là một quá trình phức tạp, đòi hỏi sự giám sát chặt chẽ từ phía bác sĩ và ý thức của bệnh nhân. Hiểu rõ về các loại thuốc, tác dụng và tác dụng phụ sẽ giúp bệnh nhân nâng cao hiệu quả điều trị và giảm thiểu các rủi ro.