Hà Nội

Những loại thuốc có thể gây tổn thương thị lực nếu lạm dụng

25-07-2023 08:51 | An toàn dùng thuốc

SKĐS - Thuốc có tác dụng chữa bệnh, nhưng một số loại thuốc có tác dụng phụ có thể ảnh hưởng đến thị lực.

1. Một số thuốc có thể gây ảnh hưởng đến thị lực

Mỗi loại thuốc có một công dụng khác nhau, nhưng lại có thể gây tác dụng phụ không mong muốn cho người dùng, trong đó có bất lợi trên mắt.

Mắt có cấu trúc phức tạp chứa nhiều mạch máu nhỏ, nên đặc biệt dễ bị tác dụng phụ của thuốc. Các tác dụng phụ có thể xảy ra bao gồm: Khô mắt, tăng độ nhạy cảm với ánh sáng, chói mắt, mờ mắt, tăng nhãn áp…

Các yếu tố làm tăng nguy cơ tác dụng phụ bao gồm bản chất thuốc, đường sử dụng thuốc và liều lượng thuốc sử dụng. Sử dụng thuốc điều trị trong thời gian dài cũng có thể gây độc tính và làm tăng nguy cơ mắc các tác dụng phụ về mắt ở người dùng thuốc.

8 loại thuốc có thể gây nguy hiểm cho thị lực - Ảnh 1.

Một số loại thuốc có tác dụng phụ ảnh hưởng đến thị lực.

Cần lưu ý, không phải tất cả người dùng thuốc đều gặp tác dụng phụ ảnh hưởng đến thị lực và các tác động này có thể khác nhau đối với từng cá nhân.

Khi kê đơn thuốc, bác sĩ sẽ cân nhắc lợi ích và rủi ro tiềm ẩn. Tuy nhiên, một số bệnh như đái tháo đường và tiền sử bệnh về mắt có thể làm trầm trọng thêm các tác dụng phụ này. Đó là lý do tại sao người bệnh khi đi khám cần thông báo cho bác sĩ về tình trạng sức khỏe, bệnh lý đang điều trị, các loại thuốc đang dùng.

Dưới đây là một số loại thuốc có thể ảnh hưởng đến thị lực, bao gồm:

  • Thuốc kháng histamine: Thuốc kháng histamine được sử dụng để điều trị các bệnh dị ứng, nhưng những bệnh nhân có tiền sử gia đình mắc bệnh tăng nhãn áp, nên cẩn thận khi dùng vì thuốc có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh này.
  • Thuốc chống viêm corticosteroid: Đây là một nhóm thuốc chống viêm mạnh thường được sử dụng để điều trị các tình trạng liên quan đến viêm, dị ứng và miễn dịch... Tuy nhiên, thuốc có thể gây ảnh hưởng đến võng mạc và làm tăng nguy cơ mắc bệnh đục thủy tinh thể. Việc sử dụng cortisone, một loại thuốc thuộc nhóm corticosteroid, ở bệnh nhân đái tháo đường cũng làm tăng nguy cơ bị mờ mắt.
  • Thuốc trị lao: Hai loại thuốc thường được sử dụng là ethambutol và isoniazid hoạt động bằng cách làm chậm sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh lao. Tuy nhiên, thuốc có thể có tác động tiêu cực đến thị lực, gây ra những tổn thương cho thị lực như bệnh thần kinh thị giác.
  • Thuốc chống trầm cảm: Một số loại thuốc chống trầm cảm như paroxetine, seroplex nếu lạm dụng hoặc sử dụng kéo dài có thể khiến thị lực bị suy giảm, do tác dụng lên đồng tử. Ngoài ra, những loại thuốc này cũng có thể gây tăng nhãn áp và khô mắt.
  • Thuốc trị động kinh: Có nhiều loại thuốc chống động kinh khác nhau tùy theo liều lượng và chỉ định của bác sĩ. Ví dụ, topiramate có thể gây tăng nhãn áp cấp tính, dẫn đến khô mắt, thậm chí viêm kết mạc trong một số trường hợp.
  • Thuốc điều trị rối loạn cương dương: Cialis là loại thuốc tăng cương cứng thường được kê đơn để điều trị rối loạn cương dương cũng có thể gây các vấn đề tiềm ẩn cho mắt. Thuốc có thể làm giảm thị lực, tăng độ nhạy cảm với ánh sáng. Tuy nhiên, hầu hết các vấn đề này là tạm thời và thị lực có thể được phục hồi sau khi ngừng dùng thuốc.
  • Thuốc trị mụn trứng cá: Isotretinoin thường được sử dụng để điều trị mụn trứng cá nghiêm trọng. Một số người dùng thuốc đã báo cáo cảm giác sáng chói, khó nhìn vào ban đêm và khô mắt. Trong một số trường hợp, isotretinoin là nguyên nhân gây phù gai thị, một vấn đề gây sưng dây thần kinh thị giác. Các triệu chứng bao gồm buồn nôn, nôn, nhức đầu và nhìn mờ hoặc nhìn đôi.
  • Thuốc kháng sinh: Quinolones là một loại kháng sinh thường được sử dụng để điều trị các bệnh nhiễm trùng. Một số người dùng đã báo cáo về mờ mắt và cảm giác sáng chói sau khi sử dụng loại kháng sinh này.
8 loại thuốc có thể gây nguy hiểm cho thị lực - Ảnh 2.

Nếu gặp bất kỳ vấn đề gì liên quan đến thị lực sau khi sử dụng thuốc, cần thông báo ngay với bác sĩ điều trị.

2. Biện pháp giảm thiểu tác động lên mắt khi sử dụng thuốc

Trong quá trình sử dụng thuốc, người bệnh nếu gặp bất kỳ vấn đề gì liên quan đến thị lực cần thông báo ngay với bác sĩ điều trị hoặc bác sĩ nhãn khoa để được tư vấn và điều trị thích hợp. Không nên tự ý ngừng dùng thuốc. Có nhiều yếu tố khác, ngoài thuốc, có thể ảnh hưởng đến thị lực. Bác sĩ sẽ cần đánh giá đầy đủ để xác định chính xác nguyên nhân.

Để hạn chế các tác dụng phụ ảnh hưởng đến thị lực khi sử dụng thuốc, có thể thực hiện những biện pháp sau:

- Tuân thủ chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ: Luôn sử dụng thuốc theo liều lượng và cách dùng được bác sĩ chỉ định, tránh tự ý tăng hoặc giảm liều thuốc.

- Kiểm tra mắt định kỳ: Thực hiện kiểm tra mắt định kỳ để theo dõi sức khỏe mắt và phát hiện sớm các vấn đề liên quan đến thị lực. Nếu có bất kỳ vấn đề bất thường nào hãy thảo luận với bác sĩ để được tư vấn và điều trị.

- Bảo vệ mắt khỏi ánh sáng mạnh: Khi ra ngoài vào ban ngày, đeo kính chống tia UV để bảo vệ mắt khỏi tác động của ánh nắng mặt trời.

Đôi mắt là tài sản quý giá, vì vậy, việc hạn chế các tác dụng phụ ảnh hưởng đến thị lực khi sử dụng thuốc sẽ giúp bảo vệ và duy trì sức khỏe mắt.

Mời xem thêm video đang được quan tâm:

Tự ý sử dụng thuốc đông y chữa bệnh thận không qua chỉ định: Bác sĩ nói gì?

Bs. Trần Văn Uý
Ý kiến của bạn