Hà Nội

Những loại rau quả giúp trị tiểu đường

14-02-2020 12:37 | Sức khỏe sinh sản
google news

SKĐS - Các loại rau quả dưới đây có tác dụng hạ đường huyết giúp phòng trị bệnh tiểu đường, xin được giới thiệu cùng bạn đọc.

Tiểu đường trong y học cổ truyền thuộc phạm vi chứng tiêu khát. Chế độ ăn uống giữ một vai trò quan trọng trong việc điều trị bệnh tiểu đường mức độ nhẹ, tiền đái tháo đường. Các loại rau quả dưới đây có tác dụng hạ đường huyết giúp phòng trị bệnh tiểu đường, xin được giới thiệu cùng bạn đọc.


Bí ngô ninh nhừ ăn liền trong 1 tháng chữa tiểu đường.

Bí ngô ninh nhừ ăn liền trong 1 tháng chữa tiểu đường.

Đậu: Chế độ ăn gồm nhiều loại đậu, đỗ có thể giúp kiểm soát chỉ số đường huyết cũng như giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch và đột quỵ ở bệnh nhân tiểu đường týp 2. Dùng một trong các loại đậu sau:

Đậu ván trắng: 30g, mộc nhĩ đen 30g, sấy khô, tán bột uống mỗi ngày 2-3 lần, mỗi lần 3-5g.

Đậu xanh 30g, lá hồng 30g. Sắc nước uống hàng ngày.

Đậu đỏ khô có vỏ 50g, nấu ăn hàng ngày.

Bí đao: Tác dụng thanh nhiệt, lợi thấp, giải độc, sinh tân, chỉ khát, lợi niệu, tiêu phù. Trường hợp tiêu khát, đi tiểu nhiều dùng 1 trong 2 cách sau:

Vỏ bí đao 15g, vỏ dưa hấu 15g, sắc nước uống hàng ngày.

Bí đao 100g, củ mài 30g, lá sen 30g. Sắc uống hàng ngày.

Bí ngô: Những kết quả nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng, bí ngô không chỉ là một loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao mà còn là một bài thuốc tốt cho bệnh tiểu đường.

Cách dùng: bí ngô 250g, thái miếng, ninh nhừ, ăn hàng ngày, ăn liền trong 1 tháng.

Cà rốt: Cà rốt được cho là rất tốt cho bệnh nhân tiểu đường, nó cung cấp beta-carotene giảm nguy cơ của bệnh tiểu đường và kiểm soát đường huyết.

Cách dùng: cà rốt tươi, gạo tẻ, lượng vừa đủ, nấu cháo ăn hàng ngày.

Mướp đắng: Trong mướp đắng xanh có chứa các hoạt chất charantin, glycoside steroid, có tác dụng hạ đường máu, làm chậm sự phát triển các bệnh về võng mạc và đục thủy tinh thể: Có 2 cách dùng: Dạng tươi làm rau ăn hàng ngày mỗi ngày từ 50-100g; Dạng khô tán thành bột, mỗi lần 10g, ngày uống 3 lần hãm với nước sôi uống thay trà.

Lá xoài: có vị chua ngọt, tính mát, có tác dụng làm mát, lợi tiểu, trong lá xoài có chất anthxyanhdin có tác dụng hạ đường huyết phòng các biến chứng ở mắt và mạch máu do bệnh tiểu đường. Kết quả nghiên cứu cho thấy, một số hợp chất trong lá xoài có tác dụng chữa bệnh tương tự như các loại thuốc trị tiểu đường và làm giảm cholesterol.

Cách dùng: Lấy khoảng 5 lá xoài non cắt sợi rồi cho vào cốc, đổ nước sôi vào rồi để qua đêm. Mỗi sáng uống hết ly nước lá xoài này, bỏ phần xác. Hoặc để dùng dần lấy lá xoài non phơi trong bóng râm cho đến khi khô, đem nghiền thành bột dùng vào buổi sáng và buổi chiều, mỗi lần nửa muỗng cà phê bột lá xoài pha loãng với ly nước đầy. Lưu ý không dùng nhiều lần trong ngày vì có thể khiến cho lượng đường huyết giảm quá thấp; Không nên uống nước lá xoài gần với các loại thuốc khác.

Chú ý: Cho đến nay, bằng phương pháp nghiên cứu của y học hiện đại, một số rau quả đã được chứng minh nhưng phần lớn vẫn được lưu truyền và sử dụng dưới dạng kinh nghiệm dân gian. Vì vậy, bạn nên theo dõi và lưu ý lượng nước uống từ mỗi loại rau quả hàng ngày kết hợp đo lượng đường thường xuyên ở giai đoạn đầu mới uống.


BS. Lê Thị Hương
Ý kiến của bạn