Những loại phân động vật đắt hơn vàng

20-09-2019 12:44 | Thông tin dược học

SKĐS - Phân là chất thải, không có giá trị, song cá biệt lại có những loại phân “đắt hơn vàng” giá trị tới trăm ngàn, thậm chí hàng triệu đô la Mỹ. Đơn giản, chúng có chứa vật liệu để tạo ra các “siêu” sản phẩm, kể cả trong y học.

1. Long diên hương

Theo Listverse, long diên hương (Ambergris) được ví là vàng phân và cực kỳ hiếm. Năm 2016, ba ngư dân Oman đã tìm thấy một mảng Ambergris nặng 80kg, trị giá hơn 3 triệu USD. Cùng năm đó, một cặp vợ chồng ở Anh cũng tìm thấy một cục Ambergris nặng 1,57kg được bán với giá 70.000 USD.Giá long diên hương vào thời điểm năm 2012 là 20 USD/gam, bằng 2/3 giá vàng.

Long diên hương là một chất sáp màu xám được tạo ra trong hệ tiêu hóa của cá nhà táng lùn.Chính xác của quá trình hình thành Ambergris ra sao đến nay chưa được khám phá đầy đủ.Khác với nhiều người tưởng, long diên hương không được nôn ra từ cá nhà táng mà được bài tiết ra cùng với phân và có mùi tương tự khi mới được thải ra.

Những loại phân động vật đắt hơn vàng

Nhiều giả thuyết cho rằng, đó là chất tiết để bao bọc những thức ăn khó tiêu như răng của một số loài mực.Nhưng cũng có thuyết cho rằng chất tiết này như một loại kháng sinh để làm lành những vết thương trong ruột của cá nhà táng.

Theo Bách khoa toàn  thư mở, long diên hương sau đó được nôn hoặc bài tiết ra ngoài hay nó thoát ra biển sau khi cá nhà táng chết và xác bị phân hủy. Khi mới được lấy ra từ cơ thể cá nhà táng, tiền chất dạng mỡ của long diên hương có màu trắng nhợt, đôi khi điểm vài vệt đen, mềm và có mùi phân nặng. Sau nhiều tháng hay nhiều năm bị ôxi hóa và phân hủy quang hóa (Photodegradation) ở biển khơi, tiền chất này chuyển sang màu xám đậm hay đen với một kết cấu dạng sáp và cứng giòn với hương thơm rất kỳ lạ bao gồm có mùi đất, mùi biển và mùi của động vật. Mùi long diên hương được miêu tả giống như “một phiên bản mùi nhẹ nhàng như isopropanol mà không có mùi hắc và khó chịu”.

Long diên hương đã được biết đến từ thế kỷ thứ 10. Từ những báo cáo có được từ các thương gia và thủy thủ, du hành gia người Ả Rập Al-Masudi cho hay, long diên hương là một loại nấm mọc dưới đáy biển bị bão bứt ra khỏi gốc và trôi dạt vào bờ biển. Giả thuyết này tồn tại trong 6 thế kỷ.

Người Ả Rập tin rằng long diên hương được chảy từ các con suối gần bờ biển. Trong câu chuyện cổ tích Ngàn lẻ một đêm, nhân vật Sinbad bị đắm tàu và trôi dạt vào một hoang đảo, nơi đây anh ta phát hiện ra một con suối chảy ra long diên hương.

Những loại phân động vật đắt hơn vàngLong diên hương nguyên gốc từ cá nhà táng

Trong cổ thư Trung Quốc đặt tên cho chất này là long diên hương và miêu tả là một loại “nước bọt của rồng”, bởi người đời tin rằng chất này có nguồn gốc từ nước bọt của con rồng đang nằm ngủ gần biển tiết ra. Marco Polo (1254 - 1324) một thương gia kiêm nhà thám hiểm gốc Venezia (Ý) là người đầu tiên ghi nhận long diên hương là một chất bài tiết của cá nhà táng sau khi ông quan sát cá nhà táng nôn ra chất này trong một cuộc săn mực gần quần đảo Socotra ở Ấn Độ Dương.

Năm 1783, nhà thực vật học Joseph Banks trong một tác phẩm của mình đã mô tả những quan niệm sai lầm phổ biến về long diên hương ở Tây Âu và nguồn gốc của chất này. Ông xác định rằng nó là một sản phẩm sản sinh từ phần ruột bị phình to của một con cá nhà táng đang bệnh.

Ambroxan hiện được dùng rộng rãi trong ngành sản xuất nước hoa, là một trong những chất hóa học do con người điều chế có tính chất mô phỏng theo long diên hương tự nhiên. Cũng như xạ hương, người ta biết nhiều đến long diên hương thường chủ yếu là do nó được dùng trong việc sản xuất nước hoa.

Long diên hương đã bị cấm sử dụng ở nhiều quốc gia trong những năm 1970, trong đó có Mỹ, vì nguồn gốc của nó là từ cá nhà táng, một loài động vật dễ bị tổn thương và tuyệt chủng. Người Ai Cập cổ đốt long diên hương để xông thơm, còn người Ai Cập hiện đại sử dụng nó trong các loại thuốc lá thơm.

Trong đại dịch Cái chết Đen ở châu Âu, người ta tin rằng nếu mang theo một quả cầu long diên hương sẽ có thể giúp tránh bị lây nhiễm bởi vì mùi thơm của nó có thể xua đi chướng khí gây bệnh. Chất này cũng từng được sử dụng như một hương liệu cho thực phẩm, và chất kích dục.Trong thời Trung cổ, người châu Âu sử dụng long diên hương như một loại thuốc chữa nhức đầu, cảm, động kinh, và các bệnh khác.

2. Đoạn phân người Viking

Năm 1972, người ta đã phát hiện ra một đoạn phân người dài 20cm,  rộng 5cm trong khi đào móng xây dựng một chi nhánh mới của Ngân hàng Lloyds (LBC) ở xứ York, Anh. Các nhà sử học cho hay, đây là đoạn phân người Viking thế kỷ thứ chín.

Đoạn phân của một cá thể đang có vấn đề về đường ruột và không thể đại tiện được.Các xét nghiệm tiết lộ, chủ thể dùng một chế độ ăn kiêng triệt để nên mắc chứng bệnh đường ruột dạng như táo bón trầm trọng.Đoạn phân này đã có người trả tới 39.000 USD (tương đương 900 triệu đồng thời giá hiện nay).Tuy nhiên, người ta đã không bán nó và hiện đang được trưng bày tại Trung tâm Viking Jorvik (JVC) ở York, North Yorkshire, Anh.

Những loại phân động vật đắt hơn vàngNgười Viking và đoạn phân giá 39.000 USD hiện đang được trưng bày tại JVC

Người Viking là tên gọi dùng để chỉ những nhà thám hiểm, thương nhân, chiến binh, hải tặc đến từ bán đảo Scandinavia vào thời đại đồ đá muộn.Thời đại Viking bắt đầu khoảng cuối thế kỷ 8 và kéo dài đến giữa thế kỷ 11.Nói đến người Viking như các chiến binh lưu động trên thuyền hoặc những kẻ cướp biển, nhưng họ cũng là nông dân và các nhà buôn giỏi. Một trong những cuộc thám hiểm quân sự đầu tiên của người Viking, được ghi lại trong sử sách của người Anglo-Saxon, là cuộc đánh chiếm đảo Portland, gần quận Dorset của Anh, vào năm 787....

Các công trình nghiên cứu khảo cổ còn cho thấy người Viking tới châu Mỹ trước nhà thám hiểm Christopher Columbus khoảng 500 năm và đã lập nhiều làng mạc tự trị nhỏ dọc theo bờ biển bắc Đại Tây Dương (một di tích của họ còn được bảo tồn tại L’Anse aux Meadows, thuộc tỉnh bang Newfoundland và Labrador của Canada).

Qua y văn thế giới, khoa học hiện đại phát hiện thấy nhiều người Viking mắc nhiều thứ bệnh nan y. Trước tiên, họ thường bị nhiễm giun đường ruột nghiêm trọng; điều này thể hiện khá rõ trong các mẫu phân được tìm thấy ở các nhà vệ sinh Viking thời cổ đại tại Đan Mạch ngày nay. Giun thường tiết ra các enzyme nguy hiểm gọi là protease, gây tổn hại cho các cơ quan quan trọng, như gan và phổi. Hệ thống miễn dịch của người Viking đã ngăn chặn mọi thiệt hại do đột biến gien alpha-1-antitrypsin (A1AT). Gien A1AT thông thường đảm nhận nhiệm vụ bảo vệ nội tạng cơ thể trước tác hại của protease được tạo ra bởi hệ thống miễn dịch của chính cơ thể.

Tuy nhiên, phiên bản đột biến cũng bảo vệ người Viking khỏi các protease do giun tiết ra. Nếu không có A1AT thông thường hoặc bị đột biến, protease sẽ gây hại cho phổi, gây ra các tình trạng sức khỏe như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) và khí phế thũng. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu từ Trường Y học Nhiệt đới Liverpool (Anh) đã quan sát thấy nhiều hậu duệ của người Viking, ngày nay còn khoảng 300 triệu người, lại dễ mắc bệnh do gien A1AT bị đột biến được kế thừa từ tổ tiên của họ gây ra, nhất là nhóm người hút thuốc lá.

3. Phân chim Jacu đắt hơn vàng

Người ta từng bán cà phê từ phân chồn, phân voi...., nhưng nay ở Brazil còn có đặc sản trứ danh khác, cà phê phân chim Jacu.Đây là loại cà phê đắt tiền được làm từ phân động vật, đúng hơn là từ phân của loài chim hoang dã có tên Jacu.

Nguyên thủy, loại cà phê này là do một nông dân người Croatia, Henrique Sloper de Araujo phát minh, sau khi ông phát hiện thấy loài chim Jacu ở công viên quốc gia ăn hạt cà phê trong trang trại rộng 740 héc ta của ông ở Pedra Azul. Araujo đã biết về loại cà phê chồn (kopi luwak) nên nghĩ ra cách chế biến loại cà phê từ loài chim.

Araujo đã theo dõi sát những con chim ăn hạt cà phê và kiểm tra phân của chúng để tìm hạt cà phê chưa tiêu. Năm 2006, lần đầu tiên Araujo cho ra đời sản phẩm mang tên cà phê chim Jacu.  Araujo tiết lộ, cà phê là một trong những loại quả tốt nhất cho sức khỏe, nhưng chim Jacu lại chỉ ăn những quả  cà phê chín nhất. Ngoài ra, chúng còn ăn quả mơ, nấm cục và quả mọng, nên tạo ra môi trường ủ cà phê lý tưởng ngay trong bụng của nó.

Đặc biệt, tốc độ tiêu hóa nhanh, của chim không bị tác động của protein động vật và axít dạ dày nên bảo toàn hương vị. Cà phê này có mùi thơm như mùi hoa hồi mà con người không thể sao chép “bào chế” được.

Theo các chuyên gia nông nghiệp của Brazil, chim Jacu là loài động vật chỉ có ở Brazil, động vật được xem là có hại cho người trồng cà phê, vì chúng có thể ăn tới 10% sản lượng cà phê. Đổi lại, chúng lại cho con người loại cà phê có giá đắt hơn vàng nên Jacu là loại chim được xếp vào danh mục cần được bảo vệ.

Phân chim Jacu có giá cực đắt, hiện, một kg có giá 700 bảng Anh (gần 20 triệu đồng). Tại một số siêu thị, giá bán cà phê chim Jacu ở mức 3.250 USD/túi (tương đương 75 triệu đồng) như cửa hàng Harrord ở Anh bán với giá 190 USD/125g (khoảng 4,41 triệu đồng).


DS. TRANG NHUNG
Ý kiến của bạn