Những loài hoa lan làm thuốc

SKĐS - Nhiều loài lan ngoài việc được dùng làm cây cảnh còn là vị thuốc quý được Đông y sử dụng. trong đó, một số vị thuốc đang ngày càng trở nên quý hiếm.

Thiên ma:

Thiên ma còn gọi là minh thiên ma, xích tiễn, định phong thảo, là thân rễ phơi hay sấy khô của cây thiên ma Gastrodia Elata Blume họ Lan Orchidaceae, dùng làm thuốc được ghi đầu tiên trong sách Bản kinh.

Những loài hoa lan làm thuốcThiên ma

Thiên ma vị ngọt tính bình, quy kinh Can.

Thành phần chủ yếu: gastrodin, gastrodioside, vannillyl, vanillin, alkaloid, vitamin A. Gần đây chứng minh: Thiên ma tố (Gastrodin) là thành phần có hiệu lực chủ yếu và đã chế nhân tạo được.

Tác dụng dược lý theo Y học cổ truyền: có tác dụng tức phong chỉ kinh, bình can tiềm dương. Chủ trị các chứng: kinh phong co giật, phá thương phong (uốn ván), can dương thượng, kháng đau đầu chóng mặt.

Kết quả nghiên cứu dược lý hiện đại:

- Thiên ma có tác dụng an thần chống co giật.

- Thuốc có tác dụng làm giảm đau, tác dụng giảm đau của loại mọc hoang mạnh hơn loại trồng. Thuốc chích thiên ma và loại do nhân tạo cũng có tác dụng giảm đau. Thuốc còn có tác dụng kháng viêm.

- Thiên ma làm tăng cường lưu lượng máu ở tim và não, làm giảm lực cản của mạch máu, làm giãn mạch ngoại vi, có tác dụng hạ áp, làm chậm nhịp tim, nâng cao sức chịu đựng thiếu oxy của động vật thí nghiệm.

- Polysaccharide của thiên ma có hoạt tính miễn dịch.

Bài thuốc thường dùng:

Trị động kinh: Ngọc chân tán: thiên ma, phòng phong, khương hoạt, chế bạch phụ tử, chế nam tinh, bạch chỉ lượng bằng nhau tán bột mịn, mỗi lần uống 3 - 6g, ngày 2 - 3 lần, uống với nước sôi hoặc rượu.

Trị đau đầu hoa mắt chóng mặt: Thiên ma hoàn: thiên ma 15g, xuyên khung 5g, chế thành hoàn, mỗi lần uống 3 - 6g, ngày 3 lần.

Trị đau khớp, chân tay tê dại:

- Ngưu tất 10g, thiên ma 10g, toàn yết 3g, nhũ hương 5g, tán bột mịn hồ làm hoàn hoặc sắc uống.

- Thiên ma hoàn: thiên ma, đỗ trọng, ngưu tất, tỳ giải, phụ tử, đương quy, sinh địa đều 10g, huyền sâm 12g, tán bột mịn luyện mật làm hoàn. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 6g. Trị đau khớp do phong hàn thấp.

Liều dùng và chú ý: liều thường dùng: 3 - 10g. Tán bột uống 1 - 1,5g/lần.

Thạch hộc:

Thạch hộc (Dendrobium nobile Lindl,), tên khác là kẹp thảo, hoàng thảo dẹt, kim thoa hoàng thảo, hoàng thảo cẳng gà, huỳnh thảo; người chơi lan gọi là lan phi điệp hay phi điệp kép. Là một cây thảo phụ sinh, mọc bám trên cành cây to hoặc ở vách đá ẩm. Thân dẹt có rãnh dọc chia nhiều đốt, phía cuống thuôn hẹp, phía ngọn dày hơn, màu vàng nhạt. Lá ngắn có bẹ. Hoa màu hồng hoặc trắng pha hồng, mọc thành chùm ngắn ở kẽ những lá đã rụng. Quả dài hình thoi. Cây thuốc trên nhỏ dưới to, giống như cái hộc, mọc ở núi đá nên có tên thạch hộc. Ở nước ta, cây thạch hộc mọc nhiều ở miền Bắc và miền Trung.

Những loài hoa lan làm thuốcThạch hộc

Theo tài liệu cổ, thạch hộc vị ngọt, nhạt, tính hơi lạnh, vào 3 kinh phế, vị và thận.

Liều 6 - 15g, tươi dùng liều 15 - 30g, dùng thuốc thang nên cho vào trước.

Thuốc tươi thanh nhiệt sinh tân mạnh.

Không dùng trong trường hợp thấp thịnh hư hàn.

Thành phần chủ yếu: Herba Dendrobii - dendrobine, dendranine, nobilonine, dendroxine, dendrin, 6-hydroxy-dendroxine.

Tác dụng dược lý: có tác dụng hạ nhiệt, giảm đau nhẹ. tăng tiết dịch vị, trợ tiêu hóa, làm tăng nhu động ruột và thông tiện, nhưng liều cao thì tác dụng ngược lại làm tê liệt cơ ruột. Nồng độ thuốc thấp có tác dụng hưng phấn tá tràng cô lập của thỏ, nồng độ cao thì có tác dụng ức chế. Thạch hộc có tác dụng làm tăng đường huyết ở mức độ trung bình, lượng cao Thạch hộc có thể ức chế hô hấp, tim, hạ huyết áp.

Trường hợp sốt khát nước, mồm khô, có thể dùng thạch hộc 8 - 16g, sắc uống giải khát, nếu sốt cao kết hợp với thạch cao, tri mẫu, dùng tốt.

Trị chứng vị nhiệt (thường có lở loét mồm), kèm ăn vào dễ nôn, nôn khan (trường hợp viêm dạ dày mạn): dùng bài:

Thanh vị dưỡng âm thang: thạch hộc 12g, bắc sa sâm 16g, mạch môn, hoa phấn, bạch biển đậu, trúc nhự tươi mỗi thứ 12g, giá đậu tươi (mầm đậu sống) 16g, sắc uống.

Trị khát phương: thạch hộc 12g, thiên hoa phấn 24g, tri mẫu 16g, mạch môn 12g, bắc sa sâm 20g, sinh địa 20g, xuyên liên 4g, sắc uống.

Một số bài thuốc kinh nghiệm có thạch hộc:

Thuốc trị ho đầy hơi: thạch hộc 6g, mạch môn đông 4g, trắc bá diệp 4g, trần bì 4g; nước 300ml, sắc còn 200ml, uống trong ngày.

Thuốc trị chứng hư lao gầy mòn: thạch hộc 6g, mạch môn 4g, ngũ vị tử, đảng sâm, chích cam thảo, câu kỷ tử, ngưu tất, đỗ trọng mỗi thứ 4g; nước 300ml, sắc còn 200ml, chia 3 lần uống trong ngày.

Bạch cập:

Bạch cập mọc hoang dại ở nhiều vùng cao mát ở nước ta như Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang…

Cây bạch cập còn có tên là bạch căn, cam căn, liên cập thảo. Thuộc họ Lan. Vào mùa hạ, ở đầu cành nở hoa rất đẹp, màu đỏ tía. Vị đắng ngọt sáp, tính hơi hàn. Quy kinh phế, can, vị.

Có nhiều nơi trên thế giới đã nghiên cứu dùng hoa, toàn thân, rễ cây lan này làm thuốc và cũng đã có sản phẩm được bán trên thị trường.

Thành phần chủ yếu: Bletilla mannan (gồm mannose và glucose). Trong rễ tươi bạch cập có tinh bột, glucose, tinh dầu, chất nhầy, nước.

Tác dụng dược lý theo Y học cổ truyền: thu liễm cầm máu, tiêu sưng sinh cơ.

Chủ trị các chứng: khái huyết, thổ huyết, phế ung, chấn thương ngoại khoa gây chảy máu.

Hiện nay bạch cập được dùng chủ yếu trong phạm vi nhân dân, làm thuốc cầm máu, trong những trường hợp nôn ra máu, đau mắt đỏ, dùng ngoài đắp lên những mụn nhọt sưng tấy, bỏng lửa. Ngày dùng từ 4 - 12g dưới dạng thuốc bột hay thuốc sắc.

Bài thuốc thường dùng:

Chữa thổ huyết: bạch cập tán nhỏ, uống với nước cơm hay nước cháo. Ngày uống 10 - 15g.

Đổ máu cam: bạch cập tán nhỏ, hòa với nước, đắp lên sống mũi và uống. Ngày uống 1 - 3g.

Chữa bỏng lửa: bạch cập tán nhỏ, hòa với dầu vừng bôi lên.

Vết thương do đâm chém: bạch cập 20g, thạch cao 20g, hai vị tán nhỏ trộn đều, rắc lên vết thương rất chóng hàn miệng.

Lan tục đoạn:

Tên khoa học Pholidota chinensis Lindl, thuộc họ Lan-Orchidaceae.

Phong lan có thân rễ to 4 - 10mm, có thể đến 20cm, rễ dài, có lông, giả hành cách nhau, hình thoi, cao 4 - 6cm, to 1cm, mang mỗi cái một cặp lá ngắn nhưng khá rộng, dài 18cm, rộng 2,5 - 6cm. Bông hoa dài 10 - 25cm xuất hiện ở giữa các giả hành mới, ở phần trên các lông này có nhiều hoa nhỏ, 2cm; các lá đài và cánh hoa có màu vàng nâu, trong khi cánh môi lại trắng tinh, cột có nắp vàng. Ra hoa tháng 3 - 7, có quả tháng 2.

Bộ phận dùng: giả hành - Psendobulbus Pholidotae.

Nơi sống và thu hái: loài của Nam Trung Quốc và Việt Nam. Ở nước ta cây mọc ở vùng núi cao 1.200 - 1.500m từ Lào Cai (Sa Pa), Vĩnh Phú (Tam Đảo) qua Quảng Trị, đến Kon Tum, Lâm Đồng (Đà Lạt). Cũng thường được trồng trong chậu để làm cảnh vì cây có nhiều hoa, lại có mùi thơm. Thu hái quanh năm. Dùng tươi, hoặc đồ rồi phơi khô dùng dần.

Tính vị, tác dụng: vị ngọt nhạt, tính mát; có tác dụng thanh nhiệt dưỡng âm, hoá đàm chỉ khái, tư âm giải độc, lương huyết giảm đau, nhuận phế sinh tân.

Công dụng: được dùng trị viêm phế quản cấp và mạn tính, ho khan, viêm họng mạn tính; viêm amiđan cấp, đau răng; lao phổi với khái huyết, lao, bệnh hạch bạch huyết thể lao; loét dạ dày, tá tràng, trẻ em suy dinh dưỡng; choáng váng, đau đầu, suy nhược thần kinh. Dùng 15 - 30g dạng thuốc sắc. Dùng ngoài trị viêm xương tủy mạn tính, đòn ngã tổn thương. Giã cây tươi thêm rượu dùng đắp.

Bài thuốc thường dùng:

Suy nhược thần kinh: lan tục đoạn, dây hà thủ ô đỏ, mỗi vị 30g sắc uống.

Viêm amiđan cấp: lan tục đoạn tươi 30g, giang bán quy tươi 60g, Nhất chỉ hoàng hoa tươi 15g sắc uống.

Lan lô hội:

Tên khoa học - Cymbidium aloifolium(L.) Sw, thuộc họ Lan - Orchidaceae.

Mô tả: phong lan hay địa lan thành bụi dày, giả hành nhỏ, hình trái xoan, bị che khuất bởi bẹ lá. Lá nhiều mọc đứng hình dải, tròn và có 2 thùy không đều ở chóp, dai, màu lục sậm, có bẹ vàng, dài 0,3 - 1m, rộng 1,5 - 5cm. Chùm thưa, dài đến 1 - 2m; hoa rộng 5cm, phiến hoa đỏ nâu, môi thắt vào giữa, trắng có đốm hồng, thùy giữa rộng, mép nhăn. Quả nang 4,5 x 3cm. Hoa tháng 2 - 7, quả tháng 9.

Bộ phận dùng: toàn cây - Herba Cymbidii Aloifolii.

Nơi sống và thu hái: cây của Á châu ở Xri Lanca, Ấn Độ, Nêpan, Trung Quốc, Mianma, Thái Lan, Malaysia, Indonesia và Việt Nam. Cây rất phổ biến ở vùng đồng bằng cho tới độ cao 800m từ Sơn La, Quảng Ninh, qua Nghệ An, Hà Tĩnh, các tỉnh Tây Nguyên đến Tây Ninh, Kiên Giang, Côn Đảo cũng thường được trồng làm cảnh.

Công dụng: cây được dùng để tắm cho trẻ em gầy yếu. Ở Quảng Ninh (Tiên Yên), nhân dân dùng chữa cam trẻ em. Cũng được dùng làm thuốc điều hòa kinh nguyệt. Lá giã nhỏ, pha thêm rượu dùng đắp trong trường hợp gãy chân tay trật khớp, sưng khớp, đau gân.

(Xem tiếp kỳ sau)


BS.CKII. HUỲNH TẤN VŨ
Ý kiến của bạn