Chim phóng sinh... không thể bay
Đến hẹn lại lên, tầm tháng 7 Âm lịch mỗi năm, những người bán chim phóng sinh lại bày hàng tràn ra vỉa hè phố Hoàng Hoa Thám, Hà Nội. Những lồng sắt xếp chồng lên nhau thành từng khối vuông vức, tỏa ra mùi hôi nồng. Chủ quán bảo chim phóng sinh thì mùa nào cũng bán, nhưng rằm tháng 7 là lúc mặt hàng này đắt khách nhất, tuần lễ trước rằm có thể bán được 4 - 5 ngàn đồng/con. Giá một con chim ri là 20 ngàn đồng, chim vành khuyên 22 ngàn đồng.
Theo bà Lê Thanh Yến, người có thâm niên bán chim phóng sinh lâu năm ở con phố này, năm nay nhu cầu mua chim phóng sinh vẫn giữ ổn định như mọi năm. Tuy nhiên nhiều loại chim phóng sinh như chim sẻ chỉ còn loại không bay được, giá 15 ngàn đồng/con. Chúng không bay được nữa vì đã già yếu, hoặc bị cắt cánh, bị thả ra bắt về nhiều lần, hoặc vì ở trong lồng quá lâu nên đã trở nên đờ đẫn, kiệt sức...
Điều này đồng nghĩa những con này sẽ sớm chết sau khi được thả ra. Nhiều người bỏ ra ít tiền mua một mớ chim, cá... về thả lung tung hoặc đổ ào xuống sông mà chẳng thèm quan tâm đến chúng có sống hay không, phóng sinh như vậy chẳng khác nào... sát sinh. Việc bỏ ra ít tiền để mua động vật rồi mang đi phóng sinh vô tội vạ, vô tình tiếp tay cho những người bẫy chim chóc, tận diệt động vật tự nhiên.
Đó là chưa kể nếu những con vật đang mang mầm bệnh mà được thả ra ngoài, vô tình phát tán, lây lan rất nguy hiểm. Phóng sinh là việc làm tốt, nhưng cần phải tuân thủ quy luật sinh tồn của muôn loài cũng như quy định của pháp luật.
TS Nguyễn Tiến Cường, Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội chia sẻ: "Theo nghiên cứu của chúng tôi, việc săn bắt chim tự nhiên để phóng sinh cũng gây tác hại với hệ sinh thái không kém việc săn bắt chim để làm đồ ăn. Thứ nhất, những cá thể chim đang tự do bị bắt nhốt vào lồng, được nuôi nhốt trong điều kiện kém (thức ăn không hợp, phải sống chen chúc...) cộng với tinh thần hoảng loạn, đa số sẽ ốm yếu và chết.
Nếu thời gian nuôi nhốt dài, kể cả số chim khỏe mạnh khi được thả ra cũng bị suy giảm đề kháng, mất quán tính bay và kiếm mồi, kết quả cũng vẫn là chết. Chưa kể, trong số rất nhiều chim bị bắt đang trong thời kỳ nuôi con, chim non mất mẹ, không được mớm mồi sẽ chết".
Nên phóng sinh con gì?
Theo Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, phóng sinh là một nét văn hóa đẹp của người dân Việt Nam và một số nước Châu Á, tuy nhiên trong thời gian vừa qua, tại Việt Nam hoạt động phóng sinh có những tồn tại, hạn chế như phóng sinh loài ngoại lai xâm hại hoặc có nguy cơ xâm hại vào môi trường tự nhiên, ví dụ: rùa tai đỏ, ốc bươu vàng, cá tỳ bà… đã gây cạnh tranh thức ăn, nơi cư trú, ăn loài bản địa, là trung gian truyền bệnh, lai tạp với loài bản địa làm mất nguồn gen thuần chủng.
Một số nơi phóng sinh loài thủy sản vào môi trường nước không phù hợp làm cho loài được thả không sống được, ví dụ: thả cá nước ngọt xuống biển hoặc ngược lại hay thả cá vào các thủy vực đang bị ô nhiễm. Phóng sinh loài thủy sản có chất lượng giống thả thấp, ví dụ: thả cá bị bệnh, sắp chết sẽ gây lan truyền bệnh và ô nhiễm môi trường. Phóng sinh nhiều loài thủy sản với số lượng lớn vào ao, hồ nhỏ, ví dụ: thả ở ao, hồ tại chùa có quá nhiều loài cá, mật độ cao làm cho chúng không sinh trưởng được, có thể chết vì thiếu oxy.
Tổng cục Thủy sản khuyến cáo, sau khi mua con vật để phóng sinh thì thả ngay càng nhanh càng tốt để chúng trở về môi trường sống tự nhiên, tự do thoải mái. Khi phóng sinh cần quan tâm đến môi trường sống của loài, thả chúng về đúng môi trường sống tự nhiên, không nên mua giống cá sông thả ra biển hay thả cá biển vào sông, không thả vào môi trường khó sinh tồn hay làm hại các sinh vật khác....
Không phóng sinh các loài thủy sản ngoại lai xâm hại, có nguy cơ xâm hại theo quy định của pháp luật. Khuyến khích thả các loài thủy sản bản địa, nguy cấp, quý, hiếm, có giá trị kinh tế cao nhằm bảo vệ, phục hồi, tái tạo nguồn lợi thủy sản, bảo đảm cân bằng sinh thái trong các thủy vực tự nhiên Danh mục loài ngoại lai xâm hại và Danh mục loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại được quy định tại Thông tư số 35/2018/TT-BTNMT ngày 28/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường gồm các loài như ốc bươu vàng, ốc sên châu Phi, tôm càng đỏ, cá ăn muỗi, cá tỳ bà bé (cá dọn bể bé), cá tỳ bà lớn (cá dọn bể lớn), rùa tai đỏ...
Khi thấy những loài thủy sản trong Danh mục nêu trên, tăng ni, phật tử, người dân cần thông báo cho cơ quan quản lý thủy sản hoặc chính quyền địa phương để có biện pháp nuôi dưỡng, khoanh vùng cách ly, xử lý để tránh phát tán ra môi trường tự nhiên.
Hiện nay có rất nhiều loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm, có giá trị kinh tế cao đã được đưa vào Sách Đỏ Việt Nam và được pháp luật quy định bảo vệ. Phóng sinh các loài này góp phần phục hồi, tái tạo, phát triển quần đàn và giảm nguy cơ tuyệt chủng của các loài thủy sản này trong tự nhiên. Các loài này khi được phóng sinh vào thủy vực sẽ góp phần phục hồi, tạo nguồn lợi thủy sản trong tự nhiên gồm cá bống tượng, lóc bông, mè hoa, mè trắng, mè Vinh, rô đồng, trôi, trắm cỏ, trắm đen, trôi Việt, bỗng, rầm xanh, anh vũ, chày đất, tra, chày sóc, lăng đuôi đỏ, còm, chạch sông, tu hài, ngao, hàu, sò huyết, ốc hương....
Hoạt động phóng sinh có thể thực hiện quanh năm nhưng cần chọn thời điểm thả lúc thời tiết mát, tránh thả lúc giữa trưa mùa hè oi bức hoặc mùa đông giá lạnh có thể gây sốc đối với loài thủy sản phóng sinh.
Phóng sinh loài thủy sản vào các thủy vực có điều kiện phù hợp với đặc điểm sinh học của loài được thả. Ví dụ: cá nước ngọt thì phải thả ở sông, hồ; cá biển thì phải thả ở biển. Phóng sinh loài thủy sản vào các thủy vực rộng lớn, không khép kín như sông, hồ chứa nối với sông, suối lớn, thủy vực không bị ô nhiễm.
Với các hoạt động phóng sinh có tổ chức, quy mô lớn nên phóng sinh loài thủy sản vào những nơi mà chính quyền địa phương, cơ quan quản lý thủy sản ở địa phương khuyến khích như các khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản...
Xem thêm video đang được quan tâm:
Đề xuất tăng trợ cấp thất nghiệp lên bao nhiêu phần trăm ? | SKĐS