Tại sao người đái tháo đường cần lưu ý đến đồ uống hàng ngày?
Đối với người đái tháo đường, bất kỳ lượng carbohydrate (đường) nào cũng có thể làm tăng lượng đường trong máu. Điều này đặc biệt quan trọng đối với loại carbohydrate khi uống, vì chúng được tiêu hóa nhanh hơn carbohydrate rắn, khi ăn (nhai).
Đồ uống ngọt được hấp thụ nhanh chóng nên có thể làm tăng lượng đường trong máu nhanh hơn. Trong khi đó, duy trì đường máu trong phạm vi mục tiêu ổn định, sẽ giúp cải thiện tình trạng bệnh và giảm nguy cơ biến chứng liên quan đến đường máu thất thường.
Do đó, để tránh lượng đường trong máu tăng đột biến, ngoài thức ăn người bệnh cần chú ý đến lượng carbohydrate trong đồ uống.
Lưu ý, không phải tất cả carbohydrate đều được tạo ra như nhau, có 3 loại carbohydrate chính là:
- Đường: Là carbohydrate đơn giản có trong trái cây, rau và các sản phẩm từ sữa. Đường bổ sung có trong thực phẩm chế biến như đồ uống có đường, đồ nướng...
- Tinh bột: Là carbohydrate phức hợp có trong rau, đậu và ngũ cốc.
- Chất xơ: Là carbohydrate phức hợp có trong trái cây, rau, hạt và hạt giống, ngũ cốc nguyên hạt, đậu. Chất xơ giúp làm chậm tốc độ hấp thụ tinh bột, giúp bạn no lâu hơn.
Người đái tháo đường nên lựa chọn đồ uống nào cho an toàn?
Đối với người đái tháo đường, tốt nhất nên lựa chọn đồ uống không đường hoặc chứa rất ít đường. Do đó, khi mua đồ uống bên ngoài, chế biến sẵn... cần lưu ý đọc nhãn dinh dưỡng để lựa chọn đồ uống phù hợp với sức khỏe của người bệnh.
Dưới đây là một số đồ uống người đái tháo đường có thể tham khảo:
1. Nước lọc tốt cho người đái tháo đường
Nước lọc là thức uống tốt nhất cho mọi người, đặc biệt đối với những người mắc đái tháo đường. Nước lọc có tác dụng cung cấp nước tự nhiên và không chứa carbohydrate và calo. Lượng nước cần uống mỗi ngày phụ thuộc vào độ tuổi, mức độ hoạt động thể chất, các tình trạng sức khỏe cụ thể của người bệnh… Tuy nhiên, nếu bạn cảm thấy khát, có thể tự tin uống một cốc nước.
2. Trà bạc hà
Thêm trà bạc hà vào chế độ uống rất tốt cho người đái tháo đường. Đối với những người mắc bệnh tiểu đường type 2 thường có mức độ căng thẳng cao. Căng thẳng có thể làm tăng lượng đường trong máu và khiến chúng khó kiểm soát hơn. Trà bạc hà có tác dụng làm dịu, giảm căng thẳng, do đó hỗ trợ cải thiện lượng đường trong máu.
3. Nước ép rau củ
Nước ép rau củ có thể không làm tăng lượng đường trong máu nhiều như nước ép trái cây. Người bệnh tiểu đường hãy cân nhắc uống các loại nước ép bao gồm:
- Nước ép cà chua
- Nước ép cà rốt
- Nước ép cần tây
- Nước ép cải xoăn...
Những hỗn hợp rau củ này có thể là một lựa chọn tốt, miễn là chúng giàu dinh dưỡng mà không có bất kỳ loại trái cây ẩn hoặc đường bổ sung nào. Tốt nhất nên tự làm các loại nước ép này tại nhà. Nếu đi mua ngoài, cần kiểm tra nhãn thực phẩm để tránh mua loại có thêm đường.
4. Sữa hoặc sữa thực vật không đường
Các sản phẩm từ sữa (có chứa carbohydrate), nhưng giàu vitamin và khoáng chất lành mạnh. Nên chọn sữa hoặc sữa thực vật không đường (sữa hạnh nhân hoặc sữa đậu nành không đường).
Tuy nhiên, cần thận trọng với một số loại sữa thay thế như sữa gạo, sữa yến mạch có nhiều carbohydrate hơn những loại khác. Một số nhãn hiệu sữa thực vật có chứa đường, do đó, khi mua hãy kiểm tra kỹ nhãn thực phẩm của các loại đồ uống này.
5. Đồ uống có vị ngọt từ cỏ ngọt hoặc quả la hán
Cỏ ngọt (stevia) và quả la hán là chất tạo ngọt không dinh dưỡng có nguồn gốc từ thực vật. Cả hai đều có lượng calo hoặc carbohydrate tối thiểu. Có thể dùng cỏ ngọt, quả la hán làm chất tạo ngọt cho đồ uống.
6. Kombucha ít đường
Kombucha là một loại đồ uống lên men chứa lợi khuẩn cho đường ruột. Mặc dù không có lượng carbohydrate tiêu chuẩn trong đồ uống kombucha, nhưng việc đọc nhãn dinh dưỡng sẽ giúp ích.
Các nhãn hiệu có thêm nước trái cây sẽ làm tăng tổng lượng carbohydrate. Do đó, hãy chú ý đến khẩu phần carbohydrate trong đồ uống.
Đối với người đái tháo đường, lựa chọn đồ uống rất quan trọng. Đồ uống có thêm đường có hàm lượng carbohydrate cao, làm tăng nhanh lượng đường trong máu. Do đó, tốt nhất là thay thế đồ uống có nhiều đường bằng các lựa chọn không đường hoặc chỉ ít đường. Hãy xem kỹ nhãn thực phẩm và lựa chọn đồ uống phù hợp, tốt nhất cho tình trạng của người bệnh.
Mời bạn xem thêm video:
Người bệnh đái tháo đường cần lưu ý để kiểm soát bệnh vào mùa đông | SKĐS