Bảy Núi là tên gọi chung của vùng đồi núi phía Tây Nam, thuộc địa giới hành chính của hai huyện Tri Tôn và Tịnh Biên thuộc tỉnh An Giang. Do nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, cận xích đạo, lại có địa hình đa dạng (đồi núi và đồng bằng) nên có hệ thực vật rất đa dạng, trong đó có nhiều loài cây dược liệu.
Thảm thực vật rừng ở An Giang có 815 loài thuộc 501 chi của 145 họ, có 415 loài cây có thể dùng làm thuốc. Vùng Bảy Núi có nhiều cộng đồng dân tộc thiểu số sinh sống như người Khmer, người Chăm, người Hoa,… trong đó, người Khmer là đông nhất.
Tài nguyên cây làm thuốc đa dạng
Nhóm tác giả Đặng Minh Quân, Trần Ngọc Thuận (Trường Đại học Cần Thơ) cho biết: Từ lâu đời, người Khmer đã có truyền thống chữa bệnh bằng cây cỏ, cùng với mạng lưới các cơ sở của Hội Y học dân tộc và Hội chữ thập đỏ, việc sử dụng cây cỏ làm thuốc ngày càng được mở rộng. Ở vùng Bảy Núi, cây thuốc được thu hái không chỉ để trị bệnh tại nhà, tại địa phương mà còn cung cấp cho người dân các tỉnh lân cận và các công ty dược phẩm.
Tài nguyên cây làm thuốc của đồng bào dân tộc Khmer ở vùng Bảy Núi tỉnh An Giang rất đa dạng, với 356 loài thực vật bậc cao thuộc 270 chi của 101 họ trong 3 ngành, trong đó, có 22 loài cây có số lượt người dân tộc Khmer sử dụng nhiều nhất. Có 8 loài cây quý hiếm có tên trong Sách đỏ Việt Nam (2007) và Nghị định 32/CP/2006: Trầm hương, hà thủ ô đỏ, kì nam, giáng hương, bình vôi trắng, cà na, thạch hộc, mặc nưa.
Các cây thuốc phân bố trong 6 sinh cảnh khác nhau, nhưng đa dạng nhất là ở sinh cảnh vườn nhà, vườn cây ăn trái với 246 loài, chiếm 69,10% số loài. Dạng sống chủ yếu của các loài cây thuốc là thân cỏ với 147 loài, chiếm 41,29%. Các cây thuốc thu được có thể phòng và chữa trị cho 21 nhóm bệnh.
22 loài cây thuốc được đồng bào dân tộc Khmer sử dụng nhiều nhất
Từ kết quả điều tra, phỏng vấn các lương y, người đi hái thuốc, các thầy bốc thuốc nam ở các chùa, các hộ trồng và kinh doanh cây thuốc tại địa phương, đã thống kê được 22 loài cây thuốc có số lượt người Khmer sử dụng nhiều nhất trong tổng số 356 loài khảo sát được, đó là: Nhãn lồng, chó đẻ thân xanh, bồ ngót, dây cam thảo, cỏ cứt lợn, màn màn tím, ngải cứu, cỏ sữa lá lớn, đinh lăng, cỏ mần trầu, trinh nữ hoàng cung, cối xay, cây cứt quạ, mướp, cà gai leo, hà thủ ô trắng, bá bệnh, nghệ vàng, xuyên tâm liên, sả, mía đỏ, bưởi.
Kho tàng tri thức sử dụng cây thuốc của đồng bào dân tộc Khmer nơi đây rất phong phú. Chính vì vậy, việc điều tra nguồn tài nguyên cây thuốc của đồng bào dân tộc Khmer là rất cần thiết, nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, đồng thời góp phần trong việc bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cộng đồng, phát triển kinh tế nông nghiệp cho người dân địa phương. Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn chưa có nghiên cứu lớn nào về cây thuốc ở vùng đồng bào dân tộc Khmer sinh sống cũng như tri thức sử dụng cây cỏ làm thuốc của đồng bào.
Xây dựng, bảo tồn nguồn tài nguyên dược liệu
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh An Giang, vùng Bảy Núi có nhiều loài cây dược liệu bản địa quý như: đinh lăng, nghệ vàng, nghệ xà cừ, ba kích, hà thủ ô đỏ, kim tiền thảo, huyết rồng, thần xạ hương, sâm hồng… Trong đó có 6 loài dược liệu ở Bảy Núi thuộc "Sách đỏ cây thuốc Việt Nam".
Do đất đai, khí hậu của địa phương phù hợp với nhiều loại cây dược liệu quý, chất lượng sản phẩm được đánh giá cao như cây dó bầu để lấy trầm hương. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nguồn dược liệu tự nhiên bị khai phá nhiều, mức độ tái sinh trong môi trường tự nhiên rất chậm. Vì vậy, việc xây dựng vùng nguyên liệu dược liệu nơi đây rất cần thiết, không chỉ để bảo vệ và khôi phục các loài dược liệu quý hiếm mà còn góp phần tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống để người dân tham gia bảo vệ và phát triển rừng bền vững…
Xem thêm video đang được quan tâm:
Nhân sâm - vị thuốc bổ nhưng không phải ai cũng dùng được .