Những lỗ hổng nguy hiểm

24-03-2013 07:00 | Thời sự
google news

Những lỗi sai nghiêm trọng về hình ảnh minh họa, ngôn ngữ thể hiện, nội dung tư tưởng hay kiến thức về lịch sử được phát hiện thời gian gần đây khiến dư luận không khỏi giật mình lo ngại về chất lượng các ấn phẩm dành cho trẻ em. Nó đang cho thấy những lỗ hổng nguy hiểm trong việc kiểm duyệt sách cho trẻ em Việt Nam.

Những lỗi sai nghiêm trọng về hình ảnh minh họa, ngôn ngữ thể hiện, nội dung tư tưởng hay kiến thức về lịch sử được phát hiện thời gian gần đây khiến dư luận không khỏi giật mình lo ngại về chất lượng các ấn phẩm dành cho trẻ em. Nó đang cho thấy những lỗ hổng nguy hiểm trong việc kiểm duyệt sách cho trẻ em Việt Nam.

Tại không ít các tiệm sách, người mua rất dễ dàng bắt gặp những cuốn sách bên ngoài đề rất hay nhưng bên trong là những ngôn từ mà khi cho con trẻ đọc dễ bị tiêm nhiễm bởi những câu nói, ngôn từ trong đó. Có những câu nói ngôn từ mất đi chủ ngữ, vị ngữ, cộc lốc hoặc có những cuốn có nhiều hình ảnh rất nhạy cảm…, nếu để trẻ tự đi tìm thì rất nguy hiểm.

Ví như truyện cổ tích Tấm Cám đã bị một cuốn truyện tranh bóp méo theo kiểu mô tả việc mẹ Cám mắng Tấm bằng ngôn ngữ vần điệu như thế này: "Tấm! Tao cấm mày xào nấm với dấm rồi cơ mà. Đầu mày có bị ấm không? Cẩn thận tao cho vài đấm!" hay: "Tấm! Mày hâm à? Mày câm à? Sao mày làm thủng cái mâm"...  Và cả những sự sai sót về kiến thức lịch sử một cách cơ bản trong quyển vở luyện chữ cho bé lớp 3. Cuốn “Vở luyện từ và câu lớp 3” tập 2 có sai sót kiến thức lịch sử (Tại trang 5 cuốn sách này ghi: “Lý Thường Kiệt đánh quân Nam Hán”, mà đúng lịch sử phải là “Ngô Quyền đánh quân Nam Hán”). Không chỉ sách trong nước, các bộ sách dịch, sách nhập được trẻ em ưa thích, nhất là truyện tranh thì lại có những ngôn từ và hình ảnh chỉ dành cho người lớn, trong đó có cả những truyện dung tục không kiểm soát nổi. Dễ dàng bắt gặp những hình ảnh mà người lớn nhìn vào cũng phải ngượng ngùng, những lời yêu thương, hờn giận, miệt thị, thủ đoạn, bạo lực trong các cuốn truyện này.

Không chỉ có những lỗi sai cơ bản về mặt kiến thức, lịch sử, thuần phong mĩ tục… Những khoảng trống cho sách thiếu nhi Việt Nam vẫn còn quá lớn, nhiều thế hệ đã quen với những cuốn truyện giàu tính giáo dục và nhân văn như: Dế Mèn phiêu lưu ký của nhà văn Tô Hoài, Đất rừng phương Nam của Đoàn Giỏi, Quê nội của Võ Quảng, Cái Tết của Mèo con của Nguyễn Đình Thi, Góc sân và khoảng trời của Trần Đăng Khoa, Cho tôi một vé đi tuổi thơ của Nguyễn Nhật Ánh… Nhưng quay đi quay lại cũng chỉ có từng đấy đầu sách trong khi nhu cầu của thị trường là rất lớn. Những đầu sách truyện do Việt Nam đầu tư có chất lượng sở dĩ vắng bóng được lý giải trước hết từ thị trường, do công việc tổ chức bản thảo luôn tốn kém hơn rất nhiều so với việc “mua và dịch” một tác phẩm của nước ngoài. Trẻ em Việt Nam phải sớm đọc và làm quen với văn hóa ngoại lai, trong khi các vấn đề lễ nghi của Việt Nam, thuần phong mĩ tục, giá trị lịch sử về chủ quyền biển đảo, quê hương – những kiến thức nền tảng cho trẻ lại đang vắng bóng trong sách của các em. Không phủ nhận những kiến thức khoa giáo cũng như tác phẩm văn học, sách tham khảo mang tính quốc tế đang góp phần làm phong phú đầu sách cho các em, song sự chênh lệch và thiếu vắng những tác phẩm hay thuộc dòng sách “made in Vietnam” đang khiến những người quan tâm đến sự phát triển của trẻ chạnh lòng.

Về cơ bản, lượng tác phẩm, bản thảo của Việt Nam hiện nay chỉ đáp ứng được khoảng 20% thị trường, đa phần là nhập từ nước ngoài, thêm vào đó là khâu quản lý xuất bản, kiểm duyệt của các nhà xuất bản lại quá buông lỏng, thả nổi dẫn đến tình trạng các đơn vị liên kết, thậm chí các nhà xuất bản cứ tha hồ “múa gậy trong bị”. Còn sách hay, sách tốt dành cho trẻ thì đang bị lãng quên trước lợi nhuận của các nhà xuất bản và các đơn vị liên kết. Câu hỏi “bao giờ thị trường sách cho trẻ em Việt Nam được sạch sẽ” có lẽ thật khó có câu trả lời nếu hoạt động xuất bản vẫn cứ tồn tại kiểu quản lý như hiện nay.          

Minh Huân


Ý kiến của bạn