Những liều "doping tinh thần" vô giá

26-01-2023 07:00 | Y tế
google news

SKĐS - Những tờ giấy nhàu nát bên ngoài nhưng bên trong là những dòng chữ được chắt lọc ra từ sâu thẳm trái tim của người bệnh, thể hiện tấm lòng biết ơn sâu nặng đối với các y, bác sĩ - những ân nhân của mình.

Những dòng thư nghĩa tình

Mỗi nghề đều có những nỗi vui buồn, sướng khổ riêng. Nhưng đối với nghề Y, niềm vui của thầy thuốc là khi những ca bệnh nan y được cứu chữa thành công, là khi giành lại được sự sống cho người bệnh từ lưỡi hái tử thần... và cả khi người bệnh hiểu được những nỗ lực, hy sinh của thầy thuốc qua những tâm tư tình cảm trao gửi lại.

Đó có thể là những cái bắt tay thật chặt, những lời cảm ơn chân thành của người bệnh và đặc biệt là những bức thư tay. Trong thời đại công nghệ phát triển, việc liên lạc thường được thực hiện bởi các thiết bị viễn thông. Nhưng để thể hiện và lưu giữ lâu dài những tình cảm với y, bác sĩ, nhiều người bệnh đã viết thư cảm ơn. Nội dung là những lời từ sâu thẳm trái tim được thể hiện bằng văn xuôi, thơ, vè...

Những liều "doping tinh thần" vô giá - Ảnh 1.

Những bức thư bệnh nhân gửi tới y, bác sĩ, cán bộ y tế đã cứu chữa và quan tâm, chăm sóc mình.

Là người "thủ thư" của Khoa Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới (Quảng Bình), anh Đào Giang Sơn - Điều dưỡng trưởng tự hào khoe tập thư tay và cuốn sổ góp ý với chi chít những dòng tâm tư của bệnh nhân gửi tập thể khoa. Theo anh Sơn, dù nhiều lần nhận thư cảm ơn từ người bệnh, nhưng mỗi lần như vậy, tập thể khoa lại có một cảm xúc đặc biệt khác nhau. Anh nhớ vào tháng 11/2021, khi dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, nhiều cán bộ, nhân viên của khoa tham gia hỗ trợ phòng chống dịch ở các tỉnh phía Nam. Số cán bộ, nhân viên còn lại phải căng mình điều trị, chăm sóc bệnh nhân. Một buổi tối, đang điều trị cho một bệnh nhân, anh Sơn và mọi người nhận được một tờ giấy A4 gấp cẩn trọng của bệnh nhân Nguyễn Xuân Tuyến. "Mọi người cứ nghĩ rằng bệnh nhân nhờ chúng tôi giúp đỡ việc gì đó. Nào ngờ đó là bức thư cảm ơn của anh Tuyến", điều dưỡng Sơn kể.

"Do đại dịch COVID-19, nhân lực của khoa có phần vơi đi. Những người ở lại rất vất vả để guồng máy vẫn hoạt động đều đặn. Sự tận tình, vui vẻ, cởi mở trong giao tiếp, sự chu đáo, minh bạch trong nghiệp vụ đã kéo gần khoảng cách giữa người bệnh và các y, bác sĩ trong khoa, làm tôi và người nhà cảm thấy thật ấm lòng biết bao. Qua các anh chị, cho tôi gửi lời hỏi thăm, chúc sức khỏe đến gia đình, người thân, những người là hậu phương vững chắc để các anh chị yên tâm công tác..." - trích nội dung bức thư của anh Nguyễn Xuân Tuyến.

"Mỗi lần nhận thư cảm ơn của bệnh nhân, chúng tôi đều cảm thấy vui mừng khó tả. Bởi những gì chúng tôi làm đã được họ nghi nhận. Trong những cuộc họp khoa, chúng tôi thường lấy thư ra đọc để mọi người cùng nghe. Đây là nguồn động lực vô giá để các y, bác sĩ và cán bộ của khoa ngày càng yêu nghề và cống hiến hết mình cho công việc", điều dưỡng Đào Giang Sơn tâm sự.

Những liều "doping tinh thần" vô giá - Ảnh 2.

Cán bộ y tế luôn nỗ lực hết mình vì sức khỏe của người bệnh.

Ở huyện miền núi, biên giới phía Tây tỉnh Quảng Bình, những y, bác sĩ của BVĐK huyện Minh Hóa cũng đón nhận được nhiều tình cảm của bệnh nhân. Họ vẫn luôn trân trọng và lưu giữ những bức thư tay cảm ơn của bệnh nhân gửi tới cán bộ, nhân viên của bệnh viện.

Đầu năm 2022, bệnh nhân Đinh Thị Nhàn (67 tuổi) được đưa đến bệnh viện điều trị do mắc COVID-19. Tuổi cao, có bệnh nền tăng huyết áp, bà Nhàn không khỏi hoang mang, lo lắng. Hiểu tâm lý người bệnh, các y, bác sĩ và nhân viên y tế đã động viên chăm sóc tận tình bà Nhàn cùng những bệnh nhân khác. Sau gần nửa tháng điều trị, bà Nhàn khỏi bệnh và xuất viện.

BS. Đinh Thị Quang, Trưởng Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện đa khoa huyện Minh Hóa vẫn nhớ hình ảnh bà Nhàn trao lá thư được viết bằng đôi tay run run gửi cho bác sĩ. Thư viết: "Tôi là Đinh Thị Nhàn, tổ dân phố 6, thị trấn Quy Đạt lâm bệnh COVID-19. Tôi xin cảm ơn bác sĩ và cán bộ, nhân viên trong khoa đã tận tình cứu chữa cho tôi tai qua nạn khỏi, được trở về nhà. Con, cháu, chắt của tôi cũng rất mừng và hạnh phúc. Gia đình xin trân trọng cảm ơn!".

Khóe mắt của BS. Quang cùng những đồng nghiệp dường như chỉ chực trào những giọt nước mắt hạnh phúc. Bởi BS. Quang biết những bệnh nhân ở huyện miền núi, biên giới này đa phần cuộc sống còn khó khăn. Nhưng họ luôn biết ơn và dành những tình cảm trân quý nhất cho người đã giúp đỡ mình.

Rồi BS. Quang "khoe" bức thư tay của bệnh nhân Cao Xuân Thanh (70 tuổi). Ông nhập viện để điều trị bệnh viêm phế quản. Sau khi được các y, bác sĩ tận tình chữa bệnh, ông Thanh đã dùng những dòng thơ để nói lên sự ân cần, quan tâm của cán bộ y tế và tình cảm của mình. "Thật lòng biết nói gì hơn/ Ra về vương vấn cảm ơn tấm lòng/ Cảm ơn thầy thuốc dày công/ Tìm phương cứu chữa hòa đồng bệnh nhân/ Năm hết Tết đang đến gần/ Chúc người thầy thuốc muôn phần tốt tươi/ Sức khỏe dồi dào vui cười/ Lạc quan tin tưởng cho đời vinh hoa/ Gia đình hạnh phúc ôn hòa/ Cháu con ngoan giỏi mới là vinh danh/ Thầy thuốc là ánh trăng thanh/ Tỏa sáng dịu mát chẳng đành bận tâm". Bài thơ được ông Thanh sáng tác sau những ngày dài nằm viện, được y, bác sĩ điều trị, chăm sóc.

BS. Đỗ Thanh Bình, Giám đốc BVĐK huyện Minh Hóa cho biết: "Không gì trân quý hơn tình cảm của bệnh nhân dành cho cán bộ y tế. Với sự ghi nhận và tình cảm đó đã giúp y, bác sĩ có thêm động lực để vượt mọi khó khăn, hoàn thành tốt sứ mệnh của mình".

Luôn nỗ lực vì bệnh nhân

Cùng đồng hành, hỗ trợ người bệnh để họ chiến đấu với bệnh tật thì niềm vui mừng tột độ của thầy thuốc là nhìn thấy sức khỏe bệnh nhân tốt lên từng ngày. Sau những giờ bận bịu với công việc, khi cởi chiếu áo bloúe, họ cũng nặng lòng với những tâm tư.

Những liều "doping tinh thần" vô giá - Ảnh 3.

Cán bộ y tế cùng đọc thư của bệnh nhân.

Với BS. Đinh Thị Quang, công tác ở cơ sở y tế huyện nghèo vùng biên, công việc và cuộc sống cũng gặp không ít khó khăn. Bệnh nhân đa số có gia cảnh nghèo khó. Đường xá đi lại vào các thôn, bản ở các xã biên giới thì vô cùng khó khăn. Để người dân được tiếp cận với các dịch vụ y tế, cần có sự vượt khó của cả người bệnh và y, bác sĩ. Cùng với đó là nỗi lo cơm, áo, gạo, tiền để chăm lo cuộc sống cho gia đình khi hết giờ làm việc. Nhưng với đam mê, trách nhiệm với nghề, với người bệnh, BS. Quang cùng nhiều đồng nghiệp vẫn luôn nỗ lực cống hiến, tin tưởng vào sự thay đổi và phát triển của đơn vị và ngành Y tế. "Mức thu nhập không cao so với công sức mình bỏ ra, nhưng tôi vẫn luôn cố gắng vì người bệnh. Bởi khi người bệnh được cứu chữa, họ đã luôn dành cho chúng tôi những tình cảm quý mến", BS. Quang tâm sự.

Rời phố thị đông đúc, BS. Dương Minh Tuấn (SN 1991) đến công tác tại BVĐK huyện Minh Hóa (Quảng Bình) theo Dự án bác sĩ trẻ tình nguyện về vùng biên giới, hải đảo. Ở bệnh viện tuyến huyện, cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc men còn đơn sơ. Phần lớn bệnh nhân đến khám, chữa bệnh là người dân tộc thiểu số. Dù công việc và cuộc sống còn nhiều khó khăn, rồi chứng kiến đồng nghiệp chuyển nghề vì nỗi lo cơm, áo, gạo, tiền, BS. Tuấn cũng không ít lần suy tư, trăn trở. Cũng đôi lần suy nghĩ, đắn đo, nhưng BS. Tuấn cùng nhiều đồng nghiệp vẫn quyết định ở lại để cống hiến cùng ngành Y tế và đơn vị vượt qua khó khăn. Họ vui cùng niềm vui của người bệnh, hạnh phúc mỗi khi điều trị khỏi cho một ca bệnh khó. Những ánh mắt thiết tha của người bệnh khi cần bác sĩ cứu giúp như xoáy sâu trong tâm khảm BS. Tuấn và đồng nghiệp. Rồi sự bình phục từng ngày của bệnh nhân, nụ cười của họ mỗi lần xuất viện là động lực vô giá, nâng đỡ tinh thần các bác sĩ nơi đây...

BS. Trần Ánh Dương, Trưởng khoa Mắt, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới là người có thâm niên tuổi nghề và dày dặn kinh nghiệm. BS. Dương đã không nhớ nổi số lần được tận hưởng cảm giác sung sướng, hạnh phúc đến vỡ òa mỗi khi quá trình điều trị, phẫu thuật thành công, mang lại đôi mắt sáng cho người bệnh. Cảm xúc đó đã nuôi dưỡng, giúp bác sĩ trưởng thành như ngày hôm nay.


Trần Hùng
Ý kiến của bạn