Những lễ hội lớn nào được đông đảo người dân Thủ đô quan tâm dịp đầu xuân Quý Mão?

20-01-2023 08:00 | Thời sự
google news

SKĐS - Sau nhiều năm bị ảnh hưởng do dịch COVID-19, đầu năm Quý Mão 2023, nhiều lễ hội được tổ chức long trọng với phần lễ và phần hội, hứa hẹn thu hút đông đảo người dân, du khách thập phương về trẩy hội.

Nhiều nét mới tại Lễ hội Chùa Hương

Lễ hội chùa Hương năm 2023 diễn ra từ ngày 23/1-23/4/2023 (khai hội ngày mùng 6 Tết Quý Mão), đây là một trong những lễ hội kéo dài nhất (3 tháng).

BTC Lễ hội chùa Hương 2023 cho biết, năm nay lễ hội chùa Hương với chủ đề "Lễ hội Chùa Hương an toàn, văn minh thân thiện". BTC lễ hội tổ chức với quy mô cấp huyện, gắn với tôn vinh giá trị quần thể khu di tích Thắng cảnh Hương Sơn- Di tích Quốc gia đặc biệt.

Những lễ hội lớn nào được đông đảo người dân Thủ đô quan tâm dịp đầu xuân Quý Mão? - Ảnh 1.

Lễ hội Chùa Hương năm 2023 có nhiều nét mới. Ảnh: Thu Hà.

Điểm nổi bật của lễ hội năm 2023 là BTC đổi mới hình thức bán vé tham quan, lễ hội từ hình thức vé truyền thống sang mô hình vé điện tử. Sắp xếp lại các điểm bán vé, phương thức bán vé đảm bảo phù hợp. Bỏ việc bán vé tại 2 cổng Tiên Mai và Đục Khê để đảm bảo thông thoáng, tạo điều kiện thuận tiện cho du khách về tham quan, trẩy hội. Năm nay đưa vào thí điểm mô hình chạy xe điện tại các điểm bến xe để du khách về Chùa Hương được thưởng ngoạn vẻ đẹp của xã Hương Sơn.

Bên cạnh các phương án đảm bảo an toàn, an ninh, ban tổ chức lễ hội chùa Hương sẽ hướng dẫn khách tham quan dâng lễ, đặt tiền lễ đúng nơi quy định, tránh tình trạng đặt tiền lễ, công đức lên ban thờ hoặc gài tiền vào tượng Phật làm ảnh hưởng đến tính tôn nghiêm của di tích.

Trưởng BQL khu Di tích thắng cảnh Hương Sơn cho biết: "Yêu cầu đổi mới hình thức các hoạt động trong lễ hội được đặt ra nhằm đáp ứng nhu cầu của bà con đi lễ, để người dân hiểu rõ giá trị lịch sử của di tích, ý nghĩa của lễ hội, nâng cao ý thức, trách nhiệm xây dựng nếp sống văn minh trong hoạt động dịch vụ du lịch và lễ hội. Chúng tôi đặt mục tiêu đẩy lùi hiện tượng tiêu cực phát sinh".

Lễ hội Cổ Loa – Đông Anh gắn với sự kiện công bố Di sản phi vật thể cấp quốc gia

Tương truyền rằng khi vua An Dương Vương chọn đất xây thành Cổ Loa thì người dân làng Quậy đã tự nguyện nhường đất xây thành. Vì thế, dù làng Quậy không có tên trong Bát xã nhưng vì là dân gốc Cổ Loa nên được dự hội và chọn là người độc Mật Khẩn. Đoàn độc Mật Khẩn gồm 15 người được rước vào đền Cổ Loa từ Cầu Cung bởi 15 cụ làng Cổ Loa mặc áo tế trang nghiêm cùng 2 quân chầu khiêng lễ.

Những lễ hội lớn nào được đông đảo người dân Thủ đô quan tâm dịp đầu xuân Quý Mão? - Ảnh 2.

Lễ hội Đền Sái ở làng Thụy Lôi, xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội vẫn còn nghi thức chém gà để tưởng nhớ công lao của người xưa (ảnh Dantri.com.vn)

Theo truyền thống thì lễ hội sẽ kéo dài 10 ngày (từ mùng 6 đến hết ngày 16 tháng Giêng). Theo đó, vào ngày mùng 6 khai hội sẽ được tổ chức tại làng Cổ Loa và đền Thượng với sự góp mặt của 7 làng gồm: Sằn Giã, Mạch Tràng, Đài Bi, Cầu Cả, Ngoại Sát, Thư Cưu, Văn Thượng.

Ngày mùng 8 là lễ hội Văn Thượng; Ngày mùng 9 lễ hội làng Ngoại Sát và làng Đài Bi; Ngày mùng 10 lễ hội làng Mạch Tràng; Ngày 11 lễ hội làng Cầu Cả; Ngày 13 lễ hội làng Sằn Giã; Ngày 16 lễ hội làng Thư Cưu.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Thị Tám, Lễ hội Cổ Loa năm nay gắn với sự kiện công bố Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia Lễ hội Cổ Loa và công nhận Khu di tích quốc gia đặc biệt di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật và khảo cổ Cổ Loa là điểm du lịch. Cùng với đó là việc 2 năm qua, lễ hội không được tổ chức, dự báo sẽ tăng đột biến lượng khách thập phương về tham quan, trẩy hội.

Xác định điều này, huyện Đông Anh đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết cho công tác tổ chức và quản lý lễ hội, đáp ứng nguyện vọng tâm linh, tín ngưỡng của người dân, với phần lễ được duy trì đúng nghi thức cổ truyền thông qua nghi thức rước kiệu Bát xã Loa Thành, phần hội là hoạt động bổ trợ, tăng thêm "sắc màu" cũng như giảm áp lực cho vùng lõi di tích trong thời gian diễn ra lễ hội.

Hội Gióng đền Sóc Sơn

Được khai hội từ ngày mùng 6 Tết Quý Mão luôn là một trong những lễ hội thu hút đông đảo du khách thập phương tới trẩy hội.

Tinh thần khẩn trương, chủ động của ban tổ chức là yếu tố quan trọng để làm nên mùa lễ hội trọn vẹn, thành công, không để lại rủi ro đáng tiếc. Ông Đàm Thận Thắng, Phó Giám đốc Ban Quản lý Khu di tích đền Sóc cho biết, công tác chuẩn bị cho hội Gióng đang được tiến hành gấp rút.

"Lãnh đạo huyện đã quán triệt tinh thần đảm bảo an ninh, an toàn cho người dân tham gia lễ hội, tránh tình trạng chen chúc nhau. Năm nay, các trò chơi dân gian, quầy hàng trưng bày nông phẩm sẽ trở lại", ông Thắng chia sẻ.

Những lễ hội lớn nào được đông đảo người dân Thủ đô quan tâm dịp đầu xuân Quý Mão? - Ảnh 3.

Sự hấp dẫn của Hội Gióng trước hết phải kể đến ý nghĩa giáo dục lòng yêu nước, truyền thống võ công, ý chí quật cường và khát vọng độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam. Ảnh: TTXVN.

Năm 2022 dù dừng tổ chức nhưng BQL vẫn mở cửa đền cho người dân vào dâng hương, làm lễ. Hội Gióng từng mang tiếng vì nạn tranh cướp lộc phản cảm, tuy nhiên đối với người dân địa phương những nghi thức đầu năm liên quan tới chuẩn bị lễ vật (hoa tre, cỏ voi, trầu cau, ngựa, voi...), rước lễ vật và nghi thức dâng lễ vật mới chứa đựng tính thiêng- những yếu tố để lễ hội trường tồn.

Lễ hội Gò Đống Đa 2023

Hội gò Đống Đa diễn ra hàng năm vào ngày mùng 5 tết Nguyên đán. Đây là lễ hội chiến thắng, được tổ chức để tưởng nhớ tới công tích lẫy lừng của vua Quang Trung - người anh hùng áo vải huyền thoại trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc.

Lễ hội gò Đống Đa không chỉ thu hút người Hà Nội, mà người từ khắp nơi còn về chung vui. Lễ hội gò Đống Đa chính là lễ hội chiến thắng. Trong ngày hội có nhiều trò chơi vui khoẻ, thể hiện rõ tinh thần thượng võ. Trong đó, trò rước Rồng lửa Thăng Long là độc đáo nhất.

Những lễ hội lớn nào được đông đảo người dân Thủ đô quan tâm dịp đầu xuân Quý Mão? - Ảnh 4.

Lễ hội Gò Đống Đa. Ảnh: TTXVN.

Cửa đình làng Khương Thượng từ tinh mơ đã mở rộng, khói hương lan toả. Các vị chức sắc và bô lão trong làng tề tựu đông đủ chuẩn bị cho cuộc đại lễ. Đến gần 12 giờ trưa, từ đình làng Khương Thượng đến gò Đống Đa, nhân dân tiến hành đám rước thần mừng chiến thắng. Đi sau cùng đám rước là hình tượng Rồng Lửa. Thanh niên hai làng Đồng Quang và Khương Thượng mặc những bộ trang phục giống nhau đi quanh đám rước Rồng Lửa và biểu diễn côn quyền tái hiện lại chiến trận năm xưa, biểu dương khí thế của nghĩa quân Tây Sơn.

Hà Nội yêu cầu phải lường trước nguy cơ dịch bệnh, cháy nổ khi tổ chức các lễ hội XuânHà Nội yêu cầu phải lường trước nguy cơ dịch bệnh, cháy nổ khi tổ chức các lễ hội Xuân

SKĐS - Tại Cuộc họp với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã triển khai công tác tổ chức và quản lý lễ hội dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 trên địa bàn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hà Nộ đã chỉ đạo những yêu cầu khi các địa phương tổ chức lễ hội.


Lê Bảo
Ý kiến của bạn