Thông tin nguyên mẫu nhân vật Michiko trong 'Em và Trịnh' yêu cầu nhà sản xuất xin lỗi khiến khán giả không khỏi bất ngờ và chú ý khi đến thời điểm hiện tại những drama xung quanh bộ phim này vẫn chưa đến hồi kết.
Được biết, trước đó, Em và Trịnh từng vướng phải một số lùm xùm từ các nhân vật khác trong phim về việc bộ phim đã sử dụng hình ảnh của họ mà không xin phép đồng thời đem đến cái nhìn sai lệch hình ảnh của họ tới khán giả.
Giáo sư Michiko yêu cầu nhà sản xuất phim xin lỗi
Mới đây, trên talkshow Coffee Sharing của kênh YouTube Coffeerary Magazine, đại diện của giáo sư Michiko Yoshii là luật sư Nguyễn Thị Diễm Phượng cho biết, đã gửi công văn yêu cầu nhà sản xuất phim Em và Trịnh công khai xin lỗi về việc sử dụng hình ảnh của thân chủ chị khi chưa xin phép.
Theo đó, phía giáo sư Nhật Bản yêu cầu Galaxy Play - đơn vị sản xuất phim Em và Trịnh phải thực hiện việc xin lỗi trong thời hạn 7 ngày, tính từ ngày 13/9. Bên cạnh đó, giáo sư Michoko Yoshii yêu cầu nội dung xin lỗi phải xuất hiện ở phần giới thiệu phim Em và Trịnh mỗi khi tác phẩm được chiếu trước công chúng.
Đồng thời, nhà sản xuất phải cam kết không lặp lại sai phạm. Sau thời hạn trên, nếu yêu cầu chưa được đáp ứng, luật sư của Michiko Yoshii sẽ tiến hành các thủ tục tố tụng và nhờ đến sự can thiệp của pháp luật.
Phía giáo sư Michiko cũng chia sẻ thêm việc bộ phim đưa những chi tiết về nhân vật Michiko ảnh hưởng khá nhiều đến cuộc sống của bà. Tuy nhiên, ở thời điểm phim còn công chiếu, giáo sư Michiko lựa chọn không lên tiếng vì không muốn ảnh hưởng đến việc trình chiếu thương mại của tác phẩm.
Hai danh ca Khánh Ly và Thanh Thúy lên tiếng đính chính giữa phim và đời thực
Đáng chú ý nhất trong việc “Em và Trịnh” vướng phải những lùm xùm, chính là việc hai danh ca Khánh Ly và Thanh Thúy đã phải nhiều lần lên tiếng đính chính thật - giả giữa phim và đời.
Theo đó, Khánh Ly khẳng định không có chuyện mình đút sữa chua, ôm Trịnh Công Sơn khi ông buồn. Thậm chí nữ danh ca nói mình luôn coi ông như người cha, nhiều lần bị ông mắng chứ không dám bằng vai phải lứa với ông.
Khánh Ly cũng cho hay, thời điểm gặp Trịnh Công Sơn, bà đã là "gái có chồng". Chính vì thế sự đối đãi giữa bà và nhạc sĩ họ Trịnh vô cùng chừng mực, lễ độ và ý tứ.
Dù khuyến khích khán giả ủng hộ điện ảnh nước nhà, bản thân Khánh Ly khẳng định đã có một hình tượng riêng về Trịnh Công Sơn cho riêng mình nên không cần xem một phim hư cấu về ông.
Bà cũng nói đã yêu cầu đổi tên mình vì không đồng tình với nhiều cảnh phim, song khi công chiếu thì không có sự thay đổi nào.
Đồng thời, danh ca Thanh Thúy cũng khẳng định chưa từng mặc sườn xám như cảnh hát trên sân khấu hay được Trịnh Công Sơn đưa về đầu ngõ. Bà cho biết vào thời gian được khắc họa trong phim, bà mới mất mẹ và đang để tang nên chỉ mặc áo dài trắng đen.
Nữ danh ca nói rất ‘kỵ’ khi người nam đưa người nữ về một ngõ hẻm mờ ảo đồng thời đã chia sẻ về trang phục với đoàn làm phim, nhưng hình ảnh lên phim lại khắc họa khác. “Đó là một cô gái sành sỏi nào đó chứ không phải Thanh Thúy,” bà nhận xét.
Sau những phản hồi của hai danh ca, những luồng tranh cãi ở thời điểm đó càng trở nên mạnh mẽ hơn.
Giọng Huế "giả"
Thêm một chủ đề gây tranh luận trên mạng xã hội trước đó, chính là giọng Huế trong phim Em và Trịnh. Vì một trong các bối cảnh chính là ở Huế, Trịnh Công Sơn cũng như một số nhân vật là người Huế, đạo diễn yêu cầu các diễn viên - đặc biệt là Avin Lu và Trần Lực - tập nói giọng Huế.
Mặc dù vậy, cả 2 diễn viên đều nói chưa chuẩn, tạo cảm giác gượng gạo. Có thể thấy cả hai diễn viên đều là người gốc Hà Nội và việc nói giọng Huế đã gây nên không ít khó chịu đối với khán giả.
Vì giọng nói là phần quan trọng của vai diễn, một số khán giả cho rằng giọng Huế chưa chuẩn đã phá vỡ cảm xúc khi họ lắng nghe những lời tự sự của nhân vật Trịnh Công Sơn. Trên các diễn đàn bàn luận về phim, hầu hết khán giả sau khi xem phim lên tiếng chỉ trích về vấn đề giả giọng của các diễn viên.
Cách xây dựng hình tượng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn khiến nhiều khán giả không hài lòng
Ở thời điểm mới công chiếu, "Em và Trịnh" rất thu hút sự chú ý của công chúng. Ngoài điểm sáng về phần bối cảnh và âm nhạc, phim khiến khán giả tranh luận dữ dội về hình tượng Trịnh Công Sơn thời trẻ và trung niên.
Nhiều khán giả yêu Trịnh Công Sơn cho rằng, hình tượng chàng Trịnh thời trẻ do Alvin Lu đóng chưa đạt. Nhiều ý kiến phân tích, Avin Lu quá thư sinh, được xây dựng nông nổi, mờ nhạt so với một Trịnh Công Sơn sâu sắc, tư duy vượt bậc với những sáng tác đỉnh cao thời trẻ như "Ướt mi", "Diễm xưa"...
Ở tuyến nhân vật thời trung niên, NSƯT Trần Lực được đánh giá tròn vai. Diễn xuất của nam nghệ sĩ gạo cội tự nhiên và phần nào diễn tả được hình tượng nhạc sĩ ở tuổi trầm tĩnh nhất cuộc đời.
Tuy nhiên, điều gây tranh cãi chính là chuyện tình Trịnh và Michiko. Việc đạo diễn đã thay đổi tình tiết này bằng việc ông và Michiko dang dở vì nam nhạc sĩ còn nhớ thương người tình cũ Dao Ánh. Khán giả cho rằng, đây là cách làm mới mối tình Trịnh Công Sơn và Michiko không tinh tế. Bởi nhân vật hiện lên trong lòng khán giả là một người vì tình cũ đã bỏ rơi vợ sắp cưới của mình.
Ngoài ra, cách xây dựng câu chuyện của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và các “bóng hồng” trong cuộc đời ông cũng làm dấy lên nhiều tranh cãi. Người hâm mộ nhạc sĩ họ Trịnh không mấy hài lòng khi thấy hình tượng trên phim của ông được xây dựng theo hơi hướng đa tình. Số khác nhận định sự nông cạn của kịch bản đã bóp méo hình ảnh cao đẹp của ông.