Tết ở nơi điều trị F0 nặng, nguy kịch
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội) những ngày cuối năm khá vắng vẻ. Khu vực sảnh đón tiếp bệnh nhân không một bóng người. Các dây barie phân lối đi trong khu vực phân loại, sàng lọc bệnh nhân mang bệnh thông thường vẫn không chút xê dịch.
Vừa kết thúc ca làm việc buổi sáng, chị Đặng Thị Thanh – cán bộ Phòng Công tác xã hội của Bệnh viện tranh thủ giờ nghỉ trưa tìm kiếm lọ hoa để cắm và đặt cành đào ở quầy ghi thông bên ngoài sảnh chính bệnh viện.
Vừa nhanh tay dỡ bỏ dây chằng trên cành đào, chị Thanh nhanh nhảu: "Đào được tặng đó, người nhà bệnh nhân mang đến tận cổng. Anh chị em bác sĩ bận túi bụi, thời gian đâu mà nghĩ đến Tết nữa hả em".
Sở dĩ các y, bác sĩ bận túi bụi là bởi dù sắp Tết Nguyên đán nhưng hơn 500 giường bệnh tại đây luôn kín. Không khí Tết đã bao phủ khắp các nẻo đường Tổ quốc thì bên trong Khoa Cấp cứu, Khoa Hồi sức tích cực luôn giữ một không khí duy nhất: Đó là sự khẩn trương, hối hả.
Những ngày cuối năm, các ca mắc COVID-19 chưa có dấu hiệu "hạ nhiệt", số ca phải chuyển điều trị lên tầng 2, 3 tăng, dẫn đến áp lực đè lên đôi vai các nhân viên y tế cũng nặng hơn.
Do đó, để đảm bảo công tác điều trị, chăm sóc hơn 40 bệnh nhân COVID-19 nguy kịch thở máy, trong đó có 6 ca rất nặng phải can thiêp tim, phổi nhân tạo, 3 ca, 4 kíp trực của Khoa Hồi sức tích cực luôn phải căng mình.
Về lý thuyết, một bệnh nhân bình thường, nếu thở máy sẽ cần ít nhất 1 điều dưỡng chăm sóc. Một ca ECMO cần tới 3-5 người hỗ trợ. Một bác sĩ nếu chỉ phụ trách 2-3 ca ECMO chắc chắn sẽ quay cuồng hết nguyên ca trực. Do đó, để đáp ứng lượng lớn bệnh nhân nặng, nguy kịch, các y bác sĩ tại Khoa Hồi sức tích cực thường xuyên phải làm việc gấp đôi, thậm chí gấp 3 công suất. Không chỉ thế, cường độ làm việc trong ca trực điều trị COVID-19 cũng cao hơn rất nhiều so với các bệnh lý thông thường.
Chia sẻ với PV Báo Sức khỏe & Đời sống, ThS.BS Đồng Phú Khiêm – Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực (HSTC) của BV Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, do số ca mắc tại miền Bắc những ngày gần đây tăng rất nhiều nên luôn có số lượng lớn bệnh nhân lưu chuyển tại bệnh viện. Đặc biệt là bệnh nhân nặng, nên khoảng 2 tháng gần đây, số ca nặng trong khoa HSTC luôn cao nhất từ trước tới nay. Khoa phải triển khai, mở rộng quy mô đến 200% công suất giường so với kế hoạch.
Để đảm bảo cho các hoạt động chuyên môn cũng như công tác điều trị bệnh nhân, Khoa cũng phải lên kế hoạch, chuẩn bị nhân sự.
"Cũng vì điều kiện bệnh nhân gia tăng nên rất khó để đảm bảo việc sắp xếp cho cán bộ y, bác sĩ có lịch nghỉ Tết, mà chỉ có một nhóm rất nhỏ, có thể có 1 kíp khoảng 10 người đã trực chiến trong bệnh viện trong khoảng thời gian 3 tháng trở lên có thể sẽ được đón Tết Nguyên đán cùng người thân", ThS.BS Đồng Phú Khiêm chia sẻ.
ThS.BS Đồng Phú Khiêm cho biết: "Khoa cũng xác định và động viên anh em cố gắng, và cũng hy vọng trong thời gian tới, số lượng bệnh nhân giảm, điều kiện chống dịch sẽ khác, thì anh em sẽ đỡ vất vả hơn".
Những "lá chắn thép" của nhân dân
Trao đổi với phóng viên, BSCKII. Nguyễn Trung Cấp – Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, là bệnh viện tuyến cuối điều trị bệnh nhân COVID-19, Bệnh viện phải chuyển đổi công năng 100% sang điều người bệnh COVID-19 với quy mô 500 giường. Hiện cả 500 giường thường xuyên kín bệnh nhân nên ngày thường cũng như ngày Tết, Bệnh viện phải duy trì đủ nhân lực cho 500 giường bệnh.
BS. Nguyễn Trung Cấp tâm sự: "Với bệnh viện này không có khái niệm Tết. Vì với 500 giường bệnh đang kín chỗ, Bệnh viện đã và đang thiếu nhân lực điều trị, chăm sóc bệnh nhân. Trong khi đó, nhân lực cấp cứu thì không thể "xin" được, bởi phải đào tạo rất kỹ, rất chắc chắn về chuyên môn và hoàn toàn không sẵn có".
BS. Nguyễn Trung Cấp bày tỏ: "Ngành y tế giống như lá chắn, chừng nào còn che chắn được cho nhân dân thì nhân dân còn lao động, sản xuất, có cuộc sống bình thường. Khi nào ngành y tế vượt quá khả năng của ngành thì lúc bấy giờ chúng ta mới phải thay đổi, phải siết chặt lại các quy định về cách ly, đến sản xuất, kinh doanh nên tôi mong muốn người dân duy trì một cuộc sống bình thường mới để làm sao mức độ dịch bệnh không vươt quá khả năng của ngành y tế, lúc đó mọi người mới có được cuộc sống bình thường".
"Tết đó nhưng thực sự quá tải rồi. Anh em bác sĩ cứ làm triền miên 6 – 8 tuần/ca trực. Trước kia, chưa có dịch, bác sĩ có thể được nghỉ thứ 7, Chủ nhật nhưng hai năm nay, chúng tôi chẳng biết đến Tết là gì chứ đừng nói tới cuối tuần", BS. Nguyễn Trung Cấp chia sẻ.
Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương khẳng định, từ khi Việt Nam có dịch COVID-19, khái niệm đón Tết cùng gia đình của các y, bác sĩ đã chuyển sang hình thức "online".
Dẫu biết rằng, sức người có hạn và dịch COVID-19 chưa có dấu hiệu "hạ nhiệt", nên ThS.BS Nguyễn Trung Cấp chỉ có một mong muốn duy nhất, là: "Anh chị em bác sĩ tiếp tục cố gắng vì sứ mệnh "lá chắn thép của nhân dân" và nhân dân, để ngày về của cán bộ y tế được ngắn lại, hãy tuân thủ nghiêm các quy định phòng, chống dịch COVID-19".