Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh, với vị trí chiến lược và truyền thống cách mạng, Thanh Hóa được Trung ương Đảng tin tưởng, giao nhiệm vụ cùng với các địa phương Hải Phòng, Thái Bình, Nghệ An đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam tập kết ra Bắc. Địa điểm tại Thanh Hóa được lựa chọn là cảng Lạch Hới (nay là phường Quảng Tiến, TP Sầm Sơn).
Thời điểm đó, các con đường đổ về Sầm Sơn tấp nập đông vui, hối hả, khẩn trương. Hàng ngàn công nhân, nhân dân tự nguyện tham gia xây dựng các công trình đón tiếp đồng bào miền Nam. Hàng vạn cây nứa, cây luồng, cây gỗ, hàng vạn lá kè, hàng trăm tấn củi… từ miền núi Thanh Hóa đưa xuống kịp thời để làm nhà đón tiếp, nhà ở, nhà ăn, giường nằm… giản dị mà khang trang, sạch đẹp.
Ký ức về những ngày đón đồng bào miền Nam vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí ông Trần Trí Trác (SN 1936, nguyên cán bộ phụ trách thanh niên xã Quảng Tiến). Theo ông Trác, Cảng Lạch Hới, xã Quảng Tiến lúc bấy giờ trực thuộc huyện Quảng Xương. Khi được chọn là một trong những địa phương đón đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc, người dân xã Quảng Tiến vô cùng tự hào và xúc động.
Ông Trác say sưa kể, thời điểm đó, bà con nô nức, phấn khởi lắm. Xã đã huy động hàng nghìn ngày công lao động, xây dựng cơ sở để đón tiếp. Cả xã trở thành đại công trường, người san lấp mặt bằng, dựng cột kèo, lán trại làm nơi nghỉ ngơi, sinh hoạt, người thì làm đường, mở rộng đường ra Cảng Lạch Hới đón đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam. "Tuyến đường ra bến hồi đó hẹp lắm, phải phát động bà con làm liên tục nhiều ngày đêm, mở rộng lên 5 mét để tiện đưa đồng bào vào nghỉ ngơi. Những chiếc tàu biển lớn của Liên Xô, Ba Lan không cập được cảng mà phải đậu ngoài biển, Đảng bộ, chính quyền đã huy động 15-20 tàu, thuyền đánh cá áp mạn, trung chuyển đưa cán bộ, đồng bào vào bờ. Những hôm gặp gió mùa tàu đánh cá không ra được, bà con phải ở thuyền lớn vài ngày, hết đợt gió mới ra đưa bà con vào", ông Trác nhớ lại.
Theo ông Trác, có rất đông người dân mang theo băng rôn, khẩu hiệu đứng thành hàng dài đón cán bộ, đồng bào miền Nam dọc cầu cảng. Về chỗ ở thì Quảng Tiến xây dựng 2 lán A và B, mỗi lán rộng khoảng 2000 m2. Vị trí lán A ở ngay cảng, lán B cách cảng khoảng vài ki-lô-mét. Đồng bào sau khi đưa lên bờ sẽ được vào lán A nghỉ ngơi vài tiếng cho lại sức, sau đó di chuyển đến lán B để phục hồi sức khỏe, học nội dung, quy chế sinh hoạt, rồi chuyển về các tỉnh khác nhận nhiệm vụ mới. Có những người bị say sóng, sau khi lên bờ được bà con Quảng Tiến chăm sóc tận tình như người trong gia đình.
"Kinh tế khi đó còn khó khăn lắm, nhưng Nhà nước hết sức tạo điều kiện, tối đến đồng bào được xem phim, biểu diễn văn nghệ, giao lưu với Nhân dân sở tại. Bà con Quảng Tiến mỗi lần đi thuyền đánh cá về cũng hỗ trợ các lán 15-20kg cá biển và củi đốt. Mỗi lán có 10-15 người dân Quảng Tiến phục vụ việc nấu nướng", ông Trác kể.
Thời gian 70 năm đã trôi qua, nhưng những tháng ngày học tập, rèn luyện trên đất Bắc, trên quê hương Thanh Hóa, được sự yêu thương, đùm bọc, chở che của người dân Thanh Hóa là hành trang, động lực mạnh mẽ để đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam hiện thực hóa quyết tâm, thôi thúc phấn đấu, học tập, rèn luyện. Cũng từ đây sản sinh ra nhiều "hạt giống đỏ" ươm mầm cho phong trào cách mạng miền Nam, nhiều đồng chí làm lãnh đạo các bộ, ban, ngành của Trung ương, của tỉnh và thành phố, nhiều nhà khoa học, văn nghệ sỹ, diễn viên, sĩ quan cao cấp, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, doanh nhân thành đạt...
Nhằm lưu giữ những giá trị lịch sử to lớn, để giáo dục truyền thống cách mạng và các tầng lớp nhân dân, nguyện vọng của các cựu cán bộ, chiến sĩ và học sinh, tháng 8/2022, tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức lễ khởi công dự án khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc.
Khu lưu niệm được chia làm 3 phân khu, trong đó khu A rộng khoảng 13.600m2 được coi là trung tâm với tượng đài hình con tàu và bức phù điêu lớn hình cánh cung.
Các hạng mục tượng đài "Con tàu tập kết" dự kiến sẽ hoàn thành trước lễ kỷ niệm 70 năm cán bộ, chiến sĩ và đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc vào ngày 1/9.
Video tượng đài con tàu tập kết ra Bắc.
Trong 9 tháng (từ tháng 9/1954 đến tháng 5/1955), Thanh Hóa đã đón 7 đợt, gồm 45 chuyến tàu, trong đó có 47.346 người là cán bộ, bộ đội, 1.775 thương binh, 5.922 học sinh và 1.443 gia đình cán bộ. Sau khi đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam lên bờ được ban đón tiếp và Nhân dân đưa vào các lán trại được chuẩn bị sẵn để nghỉ ngơi, chăm sóc, nhiều khi lán trại không đủ, Nhân dân Quảng Tiến đưa đồng bào về gia đình mình để chăm sóc. Nhân dân Thanh Hóa, trực tiếp là Nhân dân Sầm Sơn, mỗi người một việc, các tổ chức, đoàn thể, cá nhân đều được giao nhiệm vụ cụ thể. Các cháu thanh, thiếu nhi được được giao nhiệm vụ nấu cơm, phục vụ hậu cần, tổ chức văn nghệ, công tác y tế, giáo dục, an ninh được đảm bảo.
Nhân dân các huyện miền xuôi hăng hái ủng hộ lương thực, thực phẩm, quần áo, chăn màn. Huyện Nông Cống, huyện Đông Sơn ủng hộ 600 con bò, 700 con lợn, 15.000 còn gà vịt, 12 vạn quả trứng. Huyện Nga Sơn, Quảng Xương cung cấp 8.384 đôi chiếu. Các huyện Thọ Xuân, Hoằng Hóa, Thiệu Hóa, Yên Định may 2.800 màn cá nhân, 1.000 màn đôi, 4.100 mền chăn và 1.450 cốt áo bông. Các huyện Đông Sơn, Quảng Xương, thị xã Thanh Hóa cung cấp 49.000 bộ quần áo bà ba, 6.161 đôi dép cao su. Đồng bào các huyện trung du Thanh Hóa ủng hộ 20 vạn bao thuốc lá, trên 1 vạn kg cà chua, 3 tấn cá và 415kg mộc nhĩ.