Theo Cựu binh Mỹ Robert P.Chenoweth, chỉ khi đến Việt Nam, ông mới hiểu tính chất phi nghĩa của cuộc chiến, khi người lính Mỹ thả bom xuống những người dân vô tội mà họ còn không hề nhìn xuống và không hề biết điều gì xảy ra dưới kia. Chính các cán bộ quản giáo là người đã giúp ông hiểu về cuộc sống và cách sống đúng nghĩa. Họ đã đối xử với ông và những cựu binh khác bằng tình thương, lòng bao dung. Dù ở thời khắc đấy, Việt Nam còn nghèo và khó khăn, nhưng Chính phủ Việt Nam đã tạo điều kiện tốt nhất cho họ, dù họ là tù binh. Họ được đối xử như bạn bè và người thân. Và những người quản giáo đã trở thành “người thầy”, người bạn của họ.
Cựu binh Mỹ Robert P.Chenoweth xúc động kể lại tại lễ trao tặng kỷ vật của cựu binh Mỹ cho di tích Hỏa Lò: “Thật bất ngờ khi cách đây 45 năm, tôi đã ở Hà Nội. Tôi đã ở Lý Nam Đế và chỉ vài tuần tiếp theo, tôi tới nơi đây. Tôi đã trải qua những ngày tháng của trận Điện Biên Phủ trên không, ngày Hiệp định Paris được ký kết, và ngày 15/3/1973, tôi rời Việt Nam.
Tôi đã đến Việt Nam vào tháng 1/1967 sau 7 tháng huấn luyện về quân đội và trực thăng. Tôi đã không biết gì về Việt Nam, về văn hóa hay lịch sử của các bạn. Tôi chỉ được dạy rằng không được tin người Việt Nam. Tôi từng qua đội chỉ huy của trực thăng UH-1 Iroquois. Tôi đã bay qua vùng đồng bằng sông Cửu Long và quanh Sài Gòn. Trải qua 17 tháng ở Việt Nam, tôi đã được trở về nhà 1 tháng và tiếp tục tham gia nhiệm vụ thủy lục quân tại Quy Nhơn.
Máy bay trực thăng của Robert bị bắn rơi ngày 8/2/1968
Ngày 8/2/1968, khi đang bay từ Đà Nẵng về Đông Hà để thực hiện một nhiệm vụ, máy bay trực thăng của tôi đã bị trúng đạn và cháy. Chúng tôi đã rơi xuống làng Mai Ran, Quảng Trị. Nhanh chóng, chúng tôi đã bị bao vây bởi người dân địa phương và đầu hàng. Sáng hôm sau, chúng tôi được đưa tới vùng giải phóng ở vùng cao phía tây của Quảng Trị. Chúng tôi sống trong các lán trại và di chuyển về phía tây và phía bắc. Chúng tôi tiếp tục di chuyển bằng xe trên đường hầm Hồ Chí Minh vào ban đêm và nghỉ ngơi trong lán trên đường đi vào ban ngày. Chúng tôi ăn uống cùng bộ đội, sửa đường và ngủ trong các lán. Bạn sẽ không thể quên được những cảnh tượng như thế: những con người, những gương mặt, những thùng hàng tiếp tế, những chiếc xe tải trông giống những bụi cây nhỏ, súng ống của đoàn người đi vào Nam. Cả đoàn mang vác trên vai đồ đạc. Chúng tôi được kể rằng, “bộ đội sẽ bắt các bạn phải phục vụ họ” nhưng chúng tôi không bị bắt ép. Tôi làm một cách hoàn toàn tự nguyện.”
“Tôi đã hiểu ra và quay lưng lại với cuộc chiến. Và chúng tôi thấy rằng, chúng tôi không còn là kẻ thù đối với họ nữa. Những điều chúng tôi được dạy là sai. Với tôi, với những điều mới được biết, lịch sử Hoa Kỳ đã bỏ qua nó, tôi đã học về cuộc sống của người dân Việt Nam, và có cơ hội nhìn những người dân quả cảm chiến đấu khi Mỹ ném bom.
Tư trang Chính phủ Việt Nam trang bị cho Robert trước khi ông được trao trả về nước
Mùa đông năm 1968, chúng tôi tới Hà Tây. Tôi ở đó tới ngày 22/11/1970 và di chuyển bằng xe buýt trong đêm tới Hà Nội. Tôi ở số 17 Lý Nam Đế tới tháng 12/1972. Một tuần trước trận ném bom 12 ngày đêm ở Hà Nội, ngay đêm đầu tiên, chúng tôi được quản giáo ra lệnh phải đào hầm và tới sáng, chúng tôi đã đào được một chiếc hầm có thể chứa được 10 người. Sau đó, chúng tôi tới Hỏa Lò.
Tôi ở Hỏa Lò rất ngắn, nhưng lại đúng vào những đêm máy bay B52 ném bom. Tất cả mọi người đã rất lo sợ sẽ bị bom đánh trúng. Và chúng tôi cũng mong rằng, gia đình của những người quản giáo sẽ được an toàn. Trong giai đoạn nguy hiểm đó, chính những người quản giáo đã hỏi tôi có muốn mang một chiếc ấm tích về nhà không? Tôi đã rất vui mừng khi được tặng món quà đó. Hiện nay tôi vẫn giữ chiếc ấm tích ở nhà vì tôi sợ rằng mang theo sẽ bị vỡ. Có thể trong những chuyến thăm tới đây, tôi sẽ mang chiếc ấm tích đó tới di tích Hỏa Lò.
Đến đây, ông nghẹn ngào xúc động và những giọt nước mắt cứ thế tuôn trào, giọng nghẹn lại: “Khi tôi biết sẽ được về nhà thì người quản giáo hỏi tôi có thích gì để mang về không? Và để nhớ quãng thời gian ở Hỏa Lò cũng như ở Việt Nam. Tôi đã hỏi có thể xin được một lá cờ của Việt Nam hay không? Bởi vì với tôi, lá cờ đã trở thành biểu tượng đặc biệt cho tất cả những gì tôi học được trong quá trình bị giam giữ, và cũng giúp cho tôi nhớ về cuộc đấu tranh trường kỳ giành độc lập của Việt Nam.”
Robert không kìm được nước mắt khi chia sẻ những kỷ niệm thân thương ở Hỏa Lò
“Những người quản giáo chính là những người đã dạy cho tôi cách nhìn nhận thế giới, những người đã bảo vệ tôi và đưa tôi trở về nhà và giúp tôi trở thành người tốt hơn trong cuộc sống thời bình”. Robert đã khóc và bạn ông, Thomas đã phải chạy lên ôm lấy người bạn của mình. Và Robert đã trao lại lá cờ, cũng là tình yêu của ông dành cho Việt Nam, cho di tích Hỏa Lò. Ngoài ra, ông còn trao tặng lại những kỷ vật ông thường dùng trong nhà tù Hỏa Lò, trong đó có đôi đũa sơn màu đỏ được ông sử dụng trong những dịp lễ tết.
Robert trao lại lá cờ Việt Nam (cũng là tình yêu của ông dành cho Việt Nam) cho di tích Hỏa Lò
Khi được hỏi về ký ức đáng nhớ nhất của ông , Robert cho biết kỷ niệm sâu sắc nhất của ông là ở trại giam Lý Nam Đế “bởi tôi được chuyển đến Hỏa Lò trước khi được trao trả và khi ở đây, chỉ có nghỉ ngơi và chuẩn bị đến ngày trở về thôi. Tôi đã ở trại giam Lý Nam Đế trong vòng 2 năm. Kỷ niệm sâu sắc nhất là có vài lần, quản giáo đã mời đoàn văn công đến biểu diễn văn nghệ, hát và chơi đàn cho chúng tôi. Chúng tôi được nghe cả tiếng đàn bầu. Những buổi biểu diễn ở ngoài trời. Những cảm xúc đó đến nay vẫn còn đọng lại trong tôi. Và sau này khi quay trở lại Việt Nam, tới các quán có nghệ nhân trình diễn đàn bầu, những ký ức lại ùa về trong tôi”.
Thư Trung tá hải quân Walter Eugene Wilber viết gửi gia đình ở Mỹ từ Hỏa Lò
Còn Thomas, người quay trở lại di tích Hỏa Lò để đi tìm những ký ức của cha mình- phi công Walter Eugene Wilber và trao tặng lại nhiều kỷ vật của cha mình cho di tích. Thomas đã đọc lá thư của cha mình viết cho mẹ ông: “Anh luôn yêu em và bọn trẻ, trái tim anh sẽ đập vì mọi người. 5 người quan trọng nhất đối với anh trên thế giới này. Hãy để bọn trẻ biết về điều này. Và hãy nuôi lớn chúng trưởng thành và hiểu biết.” Trung tá Walter Eugene Wiber là người đã được các cán bộ quản giáo cảm hóa và ủng hộ cuộc chiến giành độc lập của nhân dân Việt Nam.
Thomas đã xúc động kể lại câu chuyện về người cha mình, cũng như ân nhân Nguyễn Văn Thu- người đã cứu sống cha ông- phi công Walter Eugene Wilber:
“Đó cũng chính là mong muốn của Cha tôi khi ông còn sống. Cha tôi muốn những hiện vật đó được nhiều người biết tới, và cha tôi luôn cho rằng: “chúng tôi (tức những phi công Mỹ bị bắt) đã được đối xử tử tế, không bị đánh đập khi sống trong các trại giam ở miền Bắc Việt Nam”. Rồi như được bắt vào mạch, những ký ức về Cha lại tuôn trào trong Thomas, ông vui vẻ kể: “ Khi cha tôi còn sống, những lúc có đông đủ con cháu ở nhà, chúng tôi lại quây quần bên cha, khi đó cha tôi lại mang những kỷ vật ông đã đưa về từ Việt Nam ra để kể cho con cháu nghe những câu chuyện về từng kỷ vật, đó cũng chính là những phút giây hạnh phúc nhất của gia đình tôi. Khi tôi sang Việt Nam, đến nhà ông Nguyễn Văn Thu (người đã cứu sống cha tôi), tôi cũng lại bắt gặp đúng khung cảnh ấy: Con cháu ông Thu ngồi quây quần quanh ông và nghe ông kể chuyện bắt được phi công Mỹ khi nhìn thấy máy bay bị bắn cháy, rơi xuống cánh đồng gần nhà…”.
Thư của Trung tá hải quân Walter Eugene Wilber gửi gia đình