Vừa qua, một trường đại học đã lập kỷ lục với bức tranh khắc họa hình ảnh ngôi trường ghép bằng vân tay lớn nhất VN. Một câu lạc bộ sinh viên đã bỏ ra 20 triệu đồng để xác lập kỷ lục này nhân kỷ niệm 20 năm thành lập trường.
Hiện nay, tại VN có các đơn vị xét kỷ lục là Hội Kỷ lục gia VN, Tổ chức Kỷ lục VN, Trung tâm sách kỷ lục VN. Trên thực tế, 3 đơn vị này chỉ là một. Bên cạnh nhiều kỷ lục công bố tạo nên sự thú vị, giá trị cho cuộc sống, có không ít những kỷ lục bị cho là nhảm nhí, tốn kém, không mang giá trị nghệ thuật, văn hóa, không có ý nghĩa, tác động tích cực tới xã hội, thậm chí tầm phào, được lập nên cốt để khoa trương cho những ngày kỷ niệm, lễ lạt, quảng cáo cho nhãn hiệu, doanh nghiệp.
Đua nhau “mua” kỷ lục
Trong danh sách của Tổ chức Kỷ lục VN (VietKings), có không ít những kỷ lục theo kiểu “trời ơi đất hỡi”, chỉ cần xướng tên là biết kỷ lục duy nhất, được “sáng tạo” ra nhằm một mục đích quảng cáo nhãn hàng, như: Công ty có thời gian tài trợ chương trình bình chọn âm nhạc VN trên sóng đài phát thanh lâu nhất, Thuốc ho bổ phế lâu đời nhất VN, Bức tranh lớn nhất thực hiện bằng việc thu thập, ghép và in từ phôi kẹo D (tên nhãn hàng) chứa các thông điệp kết nối yêu thương, Bánh kem theo mô hình chai sữa tắm N (tên nhãn hàng) lớn nhất, Chuỗi khách sạn tư nhân lớn nhất, Bộ sưu tập thời trang được kết từ nhiều bao cao su T (tên nhãn hàng) nhất…
“Xu hướng chung của tâm lý đám đông, của người tiêu dùng là nhớ cái thứ nhất, cái thứ hai, chứ đến cái thứ ba là không nhớ nữa. Để thu hút sự chú ý của công chúng, người ta làm những cái nhất là vì như thế. Đó là xu hướng bình thường của các thương hiệu, nhãn hàng. Còn xuất phát từ thực tế, thay vì chạy đua, họ nên quan tâm đến xã hội, người tiêu dùng thì tốt hơn”, ông Nguyễn Đình Thành, một chuyên gia truyền thông văn hóa, nhìn nhận.
Không chỉ các nhãn hàng, các tỉnh thành cũng lao vào cuộc chạy đua kỷ lục. Không biết có phải thiếu thứ để lập kỷ lục hay do được nhận tài trợ, mà có tỉnh còn đưa vào danh sách kỷ lục: Quán cà phê đầu tiên là nơi sinh hoạt, giao lưu của cộng đồng doanh nhân tỉnh. Lại có chuyện, nhiều nơi sính lập kỷ lục rồi phá kỷ lục. Nhân kỷ niệm 13 năm thành lập, siêu thị Sài Gòn quyết tâm phá kỷ lục của siêu thị Big C bằng cách xác lập kỷ lục mới cho Chiếc bánh mì baguette dài nhất VN là 135 m so với kỷ lục cũ 111 m. Trung tâm Metro Biên Hòa kỷ niệm 5 năm thành lập hôm 9.7.2014 lập kỷ lục Gỏi cuốn rong biển dài nhất VN (50 m). Một thương hiệu của tập đoàn nước giải khát lớn nhất nhì thế giới tại VN cũng xác lập kỷ lục Bàn tiệc hải sản dài nhất VN và châu Á. Một hãng hàng không còn xác lập kỷ lục nghe qua đã thấy chỉ để quảng cáo thương hiệu: Chuyến bay mang đến nhiều nụ cười nhất tại Singapore…
Lễ hội này vừa xác lập bánh chưng khổng lồ nặng hơn 1 tấn, thì năm sau lễ hội nọ lại xác lập kỷ lục bánh chưng “khủng” hơn. Đến giờ, bánh chưng lớn nhất vừa xác lập kỷ lục đã nặng tới 4,3 tấn.
Tôi không thể hiểu nổi có những kỷ lục chẳng có ý nghĩa gì mà người ta cũng làm. Bỏ tiền ra để lấy kỷ lục nhanh chóng thì đúng hơn là kỷ lục mua bán. Việc này cũng giống như là việc mua danh. Để được cấp danh hiệu gì đó, chỉ cần nộp một số tiền là xong. Một số người Việt cứ mắc vào cái đó, là thói không hay ho gì
GS Ngô Đức Thịnh, Ủy viên Hội đồng di sản quốc gia
Từ 5 triệu đến 50 triệu đồng
Trong vai chủ một doanh nghiệp muốn xác nhận kỷ lục nhân ngày kỷ niệm thành lập, chúng tôi đã liên hệ với Tổ chức Kỷ lục VN và được người đại diện hướng dẫn tận tình, đề nghị gửi mẫu hồ sơ qua email. Trong quy định, không ghi cụ thể, rõ ràng về thời gian để thẩm định xác nhận kỷ lục. Khi chúng tôi hỏi tháng sau đã là kỷ niệm liệu việc xác nhận có kịp không thì người đại diện nói: “Thông thường trung tâm xem xét từ 1 tháng đến 3 tháng. Làm sớm là kịp”. Tùy theo mục đích xác lập và kiểu kỷ lục, cá nhân hoặc tổ chức trả phí cho trung tâm từ 5 triệu đến 50 triệu đồng.
Chiếc bánh chưng mới vừa xác lập kỷ lục có kích thước 250 x 250 x 80 cm, nặng khoảng 4,3 tấn được làm từ 3 tấn gạo nếp, 3 tạ đường, 3 tạ đỗ, 5 tạ lá dong, 50 kg dầu ăn, 1,5 tạ lạt buộc, 25 m3 nước sạch, 10 tấn củi, tính ra chi phí cũng lên tới con số hàng trăm triệu đồng. “Các cụ nhà ta đâu cần những cái bánh to khoe mẽ, phô trương như thế”, nhiều người nói vậy.
“Kỷ lục là để đánh giá sáng tạo, công lao, cố gắng, kiên trì của cá nhân, tập thể thì mới có giá trị. Tôi không thể hiểu nổi có những kỷ lục chẳng có ý nghĩa gì mà người ta cũng làm. Bỏ tiền ra để lấy kỷ lục nhanh chóng thì đúng hơn là kỷ lục mua bán. Việc này cũng giống như là việc mua danh. Để được cấp danh hiệu gì đó, chỉ cần nộp một số tiền là xong. Một số người Việt cứ mắc vào cái đó, là thói không hay ho gì”, GS-TS Ngô Đức Thịnh, Ủy viên Hội đồng di sản quốc gia nhìn nhận.