Hà Nội

Những kỷ lục đáng nể của loài chuột

26-01-2020 07:00 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Trong thế giới riêng của loài chuột có những kỷ lục đáng nể khiến chúng ta không khỏi ngỡ ngàng. Nhân năm Canh Tý xin điểm lại một vài trong những kỷ lục ấn tượng nhất của loài gặm nhấm này.

Loài chuột khổng lồ

Năm 2009, các nhà làm phim Anh tình cờ phát hiện thấy tại khu rừng hẻo lánh ở Papua New Guinea một một loài chuột ngoại cỡ, có tên Bosavi, hiện đang được khoa học định danh. Loài chuột này rất dạn dĩ, không sợ người, nặng tới 1,5 kg, có bộ lông dày nâu giúp chúng thích hợp với môi trường ẩm ướt và lạnh giá bên cạnh các núi lửa đã tắt.

Năm 2017, các nhà khoa học còn phát hiện thấy loài chuột mới ở đảo Solomon, phía nam Thái Bình Dương, được đặt tên là Vika, dài 45,7 cm và nặng tới gần 1 kg. Loài chuột này sống trên cây cao, thích ăn dừa, răng của chúng đủ khỏe để cắn thủng quả dừa.

Chuột Vika.

Loài chuột có đôi tai vĩ đại

Đó là chuột Bilby ở Australia, lai giữa thỏ và kangaroo, kích thước nhỏ nhưng lại có đôi tai khổng lồ và cực thính, kèm theo chiếc đuôi dài ngộ nghĩnh. Đặc biệt, Bilby còn có chiếc mõm dài đỏ rực, cộng với móng vuốt chi trước sắc nhọn. Đây là loài gặm nhấm ăn tạp, kể cả củ quả cho tới côn trùng hoặc các loài động vật nhỏ khác.

Chuột Bilby có đôi tai vĩ đại.

Khả năng sinh sản khủng khiếp

Một con chuột cái có thể giao phối tới 500 lần với nhiều con đực trong thời gian thụ thai dài chừng sáu giờ, trạng thái này tồn tại khoảng 15 lần mỗi năm. Trung bình, một con chuột cái đẻ sáu lứa một năm, mỗi lứa khoảng 12 con. Nếu không được kiểm soát, một cặp chuột trong ba năm có thể cho ra đời các thế hệ là con, cháu, chút, chít...  lên tới 482.508.800 con (gần nửa tỷ). Đây là nghiên cứu chu kỳ sinh sản của chuột nâu sống trong môi trường lý tưởng.

Nếu không được kiểm soát, sau 3 năm một cặp chuột có thể cho ra đời nửa tỷ con cháu hậu duệ.

Loài chuột “cực xấu nhưng cực thọ”

Trong cộng đồng loài chuột, có chuột dũi không lông (NMR), mù nhưng chúng lại rất tinh, sở hữu những kỷ lục đáng nể về sinh sản và sức khỏe. Chuột NMR có hình hài kỳ dị, sống nhiều ở vùng Đông châu Phi. Chúng có lớp da nhăn nheo màu hồng, trụi lông và hàm răng kiếm, có xúc giác rất nhạy, có thể để thay thế đôi mắt gần như mù và có tuổi thọ cao ngất ngưởng tới 28 năm. Đứng đầu là chuột nữ hoàng, làm nhiệm vụ sinh con. Bình quân hằng năm, chuột nữ hoàng có thể cho ra đời 100 con, mỗi lứa đẻ trung bình từ 12 đến 28 con, khả năng này được duy trì cho đến khi nó được ít nhất 20 tuổi. Chuột NMR có khả năng loại bỏ những protein bị tổn thương, đồng thời giữ lại những protein ổn định và có chất lượng cao. Nhờ đó, chúng không mang những biểu hiện thông thường của bệnh ung thư và lão hóa nên tuổi thọ được nối dài.

Chuột dũi không lông.

Răng cửa của chuột liên tục phát triển

Ngoài sinh sản,  chuột còn nhiều khả năng đặc biệt khác như có răng mòn và phát triển... vô tận, đặc biệt là răng cửa. Chính nhờ lợi thế này mà chuột cắn được mọi thứ như xi măng, bê tông, gỗ... cho đến ống dẫn, dây điện. Các nhà nghiên cứu động vật ví đây là những chiếc cưa vạn năng liên tục dài ra mà không có một giới hạn hay điểm dừng. Những chiếc răng cửa không quá dài khiến chúng không bị vướng vào đồ vật hay đâm thủng hộp sọ, luôn sắc nhọn và bị ngắn lại do phải mài mòn vào các vật cứng. Tuy vậy nó lại không ngừng dài ra. Trung bình, ba chiếc răng cửa của chuột mỗi năm dài 4½ đến 5½ inch (khoảng 9- 12,5 cm). Nó có thể hoạt động độc lập giống như một đôi đũa.

Nước nào có "dân số" chuột đông nhất thế giới?

Theo tạp chí Worldatlas, chuột là động vật có vú đông đúc nhất, có ở mọi châu lục với số lượng lên tới hàng tỷ. Riêng Trung Quốc hiện có hơn 2 tỷ con chuột với hơn 64 loại chuột với kích thước dài từ 9 đến 12 inch (22,86 - 30,48 cm) không kể đuôi mặc dù một số loài có thể phát triển đến hơn 30 inch (76,2 cm). Trong vòng 1 năm từ tháng 9/2018 đến tháng 9/2019 Công ty kiểm soát dịch hại của Mỹ Orkin đã tiến hành điều tra xếp hạng các khu vực có nhiều chuột nhất, phát hiện thấy 25 thành phố của Mỹ có dân số  chuột lớn toàn liên bang. Đứng đầu là TP Chicago thuộc bang Illinois, nơi có dân số đông hàng thứ 3 nước Mỹ và cũng là thành phố có số lượng chuột đông đúc nhất tại quốc gia này.


Duy Khoa
Ý kiến của bạn