Cùng đi có PGS. TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh; PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng; PGS.TS Trần Thị Giáng Hương, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế; TS Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế và TS Trần Thị Mai Oanh, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Y tế Bộ Y tế. Tham dự cuộc gặp còn có Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền CHXHCN Việt Nam tại Argentina Đặng Xuân Dũng.
Ông Adolfo Rubinstein, Bộ trưởng Bộ Y tế và Phát triển Xã hội Argentina cùng các quan chức của Bộ đã nồng nhiệt chào đón Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến và các thành viên trong đoàn. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết chuyến thăm Argentina lần này là bước đi tiếp theo sau Hội nghị toàn Thế giới về Phòng, chống tác hại thuốc lá tại Cape Town (Nam Phi) tháng 3/2018, nơi mà cả Việt Nam và Argentina đều được vinh danh vì những nỗ lực phòng, chống thuốc lá (Việt Nam được vinh danh vì những nỗ lực và thành tích trong theo dõi, giám sát sử dụng thuốc lá và các chính sách phòng, chống tác hại của thuốc lá, còn Argentina được vinh danh trong việc thực hiện chính sách tăng thuế thuốc lá).
Bộ trưởng Tiến nhấn mạnh: VN muốn lắng nghe và học hỏi những kinh nghiệm của Argentina trong quá trình phòng, chống thuốc lá; phòng, chống tác hại rượu bia, quản lý các bệnh không lây nhiễm tại tuyến y tế cơ sở.
Hội đàm giữa lãnh đạo Bộ Y tế Việt Nam và lãnh đạo Bộ Y tế và Phát triển Xã hội Argentina.
Từ năm 2011, Argentina đã thông qua luật kiểm soát thuốc lá. Theo Bộ Y tế và Phát triển Xã hội Argentina, số liệu năm 2013 cho thấy Argentina có 25% người trên 18 tuổi hút thuốc (dân số Argentina khoảng 40% triệu người). Nếu so với tỉ lệ 28% số người trên 18 tuổi hút thuốc năm 2009 thì có thể thấy tốc độ giảm khá chậm. Luật kiểm soát thuốc lá của Argentina tập trung vào 3 điểm: cấm hút thuốc lá nơi công cộng, cấm quảng cáo thuốc lá; đóng gói và dán nhãn thuốc lá. Sẽ có 5 địa phương cấm hoàn toàn quảng cáo thuốc lá và trợ cấp cho thuốc lá.
Argentina cũng coi trọng việc giáo dục người dân cai nghiện thuốc lá, nhiều địa phương phát thuốc và hướng dẫn điều trị cai nghiện cho người dân; có chính sách hỗ trợ những người bị viêm phổi hoặc mắc bệnh về đường hô hấp do thuốc lá.
Hai trong những biện pháp mạnh mà Argentina thực hiện là đánh thuế cao đối với thuốc lá: 85% trên giá bán lẻ và chuyển các khoản tiền thu được từ xử phạt vi phạm về thuốc lá cho cơ quan y tế tiến hành các biện pháp phòng, chống tác hại của thuốc lá. Tuy nhiên với tình trạng lạm phát do khủng hoảng kinh tế, đồng peso bị mất giá, nên một bao thuốc chất lượng tốt giá khoảng 1,5 USD, không quá cao so với thu nhập trung bình là 14 nghìn USD/người của nước này. Bên cạnh đó, do có đường biên giới dài với các nước láng giềng, nên việc ngăn chặn thuốc lá nhập lậu vào Argentina gặp nhiều khó khăn.
Bộ trưởng Y tế và Phát triển Xã hội Argentina Adolfo Rubinstein chào đón Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến.
Là nước xuất khẩu đến 80% lượng thuốc lá sản xuất ra (đứng thứ 8 trên thế giới), Argentina còn gặp nhiều cản trở từ các doanh nghiệp. Tuy nhiên, nước này đang nỗ lực để thông qua Công ước khung về kiểm soát thuốc lá của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trên cơ sở đó tiến hành những biện pháp mạnh hơn để phòng chống tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe người dân.
Về các nỗ lực phòng, chống tác hại của rượu bia, Bộ Y tế và Phát triển Xã hội Argentina cho hay nước này đã thông qua đạo luật kiểm soát rượu bia từ năm 1996, được sửa đổi năm 2009. Theo đó, luật này cấm bán rượu bia cho người dưới 18 tuổi, cấm quảng cáo các sản phẩm rượu, bia trước 20h hàng ngày, hạn chế nồng độ cồn đối với lái xe và quy định một số biện pháp phòng chống nghiện. Hiện nay, Argentina đang tập trung nỗ lực cải thiện luật nhằm cấm hoàn toàn quảng bá rượu, bia trên các phương tiện truyền thông; xiết chặt nồng độ cồn cho phép đối với lái xe (tại một số địa phương vẫn đang cho phép lái xe có nồng độ cồn nhất định được lưu thông trên đường nên cần hài hòa hóa quy định quốc tế với quy định của địa phương); tăng thuế đánh vào sản phẩm rượu bia (hiện mức thuế đối với rượu vang là 0%).
Theo số liệu mà Bộ Y tế và Phát triển Xã hội Argentina cung cấp thì hiện nay 78% người vị thành niên có thể mua rượu bia mà không gặp trở ngại, nên cần nghiêm cấm bán rượu bia cho người dưới 13 tuổi. Số lượng phụ nữ tiêu thụ rượu bia tương đương với nam giới cũng là điều đáng lo ngại. Bộ Y tế và Phát triển Xã hội Argentina chủ trương phải xiết chặt các quy định của pháp luật, coi việc phòng chống tác hại của rượu, bia nằm trong chương trình phòng chống các bệnh không lây nhiễm; ban hành nghị định gắn phòng, chống rượu bia với sức khỏe tâm thần. Bên cạnh đó, Chính quyền liên bang và chính quyền các địa phương có những khoản chi để Bộ Y tế và Phát triển Xã hội phối hợp với Bộ Giáo dục thực hiện những hoạt động truyền thông, giáo dục giúp người dân nâng cao nhận thức về tác hại rượu, bia.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến thăm Bệnh viện Nhi Garrahan.
Argentina cũng coi trọng việc phòng, chống các bệnh không lây nhiễm như ung thư, tim mạch, tiểu đường, tắc nghẽn phổi... Số liệu của Bộ Y tế và Phát triển Xã hội Argentina cho thấy hiện nước này có tới 70% tử vong do các bệnh không lây nhiễm, phần lớn là bệnh tim mạch 40% và ung thư 25%: 28% còn lại là các bệnh khác. Đặc biệt, Argentina coi bệnh béo phì là một nguy cơ lớn đối với sức khỏe người dân và tại Hội nghị thượng đỉnh 20 nền công nghiệp hàng đầu thế giới mà Argentina đăng cai tới đây (30/11-1/12/2018), với tư cách nước chủ nhà Argentina đã đưa bệnh béo phì vào chương trình nghị sự (cùng với bao phủ y tế toàn dân, chống suy dinh dưỡng ở trẻ em và kháng kháng sinh).
Argentina thực hiện việc quản lý các bệnh không lây nhiễm tại y tế tuyến cơ sở với 80% bệnh nhân mắc các căn bệnh này được thăm khám tại khoảng 8.500 trạm y tế trên toàn quốc. Mỗi trạm y tế của Argentina bao gồm 1 bác sĩ, một điều dưỡng và 4 người trợ giúp lo chăm sóc sức khỏe cho khoảng 3000 người (tức khoảng 800 hộ gia đình). Cứ hai trạm y tế thì lại có thêm bác sĩ nha khoa và bác sĩ tim mạch.
Ngoài việc tiếp nhận thăm khám ban đầu, các trạm y tế thực hiện truyền thông phòng bệnh ở những nơi công cộng, tiêm chủng, chăm sóc thai sản, quản lý các bệnh không lây nhiễm... Các trạm y tế đều triển khai tin học hóa để quản lý hồ sơ sức khỏe cá nhân. Tùy quy mô dân cư, mà các trạm y tế có thể được trang bị thêm những phòng xét nghiệm nhỏ. Người dân biết rõ họ tên, số điện thoại của các bác sĩ và nhân viên y tế của trạm y tế, mỗi khi có vấn đề về sức khỏe, họ cần liên lạc với bác sĩ của trạm y tế trước để được thăm khám và tư vấn. Chính các bác sĩ này sẽ hẹn lịch khám bệnh cho bệnh nhân tại các bệnh viện chuyên khoa nếu thấy cần thiết để tránh tình trạng quá tải cho tuyến trên.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cùng đoàn đã tới thăm Bệnh viện Nhi Trung ương Garrahan. Với quy mô 500 giường, đây là bệnh viện công điển hình kiểu mẫu của Argentina điều trị các bệnh nhi, trong đó có cấy ghép và tim mạch. Với đội ngũ 600 bác sĩ và 1300 điều dưỡng, Bệnh viện Garrahan được trang bị những thiết bị y khoa hiện đại nhất, áp dụng tiêu chuẩn quản lý chất lượng tiên tiến để phục vụ tốt nhất người bệnh. Do danh tiếng và uy tín của bệnh viện, nên nhiều bệnh nhân được đưa đến thẳng đây để điều trị, tuy nhiên bệnh viện thực hiện điều tiết thông qua Khoa Định hướng (Oriention Department) để tiến hành sàng lọc bệnh nhân, đưa các bệnh nhân nhẹ về đúng tuyến điều trị, không để xảy ra hiện tượng quá tải và tuyệt đối không để nằm ghép.
Kết thúc chuyến thăm Argentina, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng những kinh nghiệm của Argetina như chuyển các khoản tiền thu được từ xử phạt vi phạm về thuốc lá cho cơ quan y tế tiến hành các biện pháp phòng, chống tác hại của thuốc lá; xiết chặt luật về phòng, chống tác hại rượu bia; tăng cường quản lý bệnh không lây nhiễm ở tuyến cơ sở, tăng cường vai trò gác cổng của y tế cơ sở tránh quá tải cho tuyến trên và thực hiện sàng lọc bệnh nhân tại Khoa Định hướng tránh quá tải tại bệnh viện là những kinh nghiệm bổ ích nên được áp dụng tại Việt Nam.