Những kiểu dị ứng... bạn ít biết

11-02-2019 07:49 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Dị ứng là một triệu chứng xảy ra ngày càng phổ biến trong xã hội hiện đại. Chúng ta thường nghe tới các loại dị ứng như dị ứng thực phẩm, dị ứng thuốc, dị ứng các hóa chất có trong sơn, hóa mỹ phẩm, ứng phấn hoa, bụi nhà, lông thú... nhưng có một số loại dị ứng mà bạn không ngờ tới.

Dị ứng wifi

Trong xã hội hiện đại, nhiều người phàn nàn mắc chứng mẫn cảm điện từ (EHS). Ví dụ, năm 2015, một bé gái 15 tuổi người Anh đã tự sát. Sau đó, gia đình phát đơn kiện, giải thích trước tòa rằng các tín hiệu wifi của trường học đã khiến con gái họ buồn nôn, không thể tập trung và đau đầu vì suy nhược. Trường hợp khác, bố mẹ một bé trai 12 tuổi đã kiện trường tư thục của con vì đã lắp wifi cấp công nghiệp khiến con họ mắc bệnh. Xuất hiện các triệu chứng chóng mặt, kích ứng da và chảy máu cam. Hoặc một trường hợp khác, một phụ nữ Pháp đã thắng kiện vì chứng mẫn cảm điện từ do wifi gây ra.

Liên quan đến EHS, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho rằng đây không phải là một “chẩn đoán y khoa”. Triệu chứng của EHS rất đa dạng, những người mắc bệnh cho biết họ có các dấu hiệu chung như đau đầu, chóng mặt, phát ban, buồn nôn và khi sống ngoài vùng ảnh hưởng của tín hiệu điện từ thì họ lại cảm thấy dễ chịu hơn, song các nhà khoa học vẫn không tin bởi khi thử test, bệnh nhân EHS không biết khi nào tín hiệu được bật lên và khi nào thì tắt đi. Các triệu chứng là có thật song việc mô phỏng EHS trong phòng thí nghiệm lại cho thấy, có nhiều yếu tố kích hoạt khác nhau tạo ra EHS chứ không riêng wifi.

Các loại thực phẩm dễ gây dị ứng.

Các loại thực phẩm dễ gây dị ứng.

Dị ứng sau cực khoái

Dị ứng sau cực khoái hay hội chứng mắc bệnh sau cực khoái (Post-Orgasmic Illness Syndrome, gọi ngắn là POIS) được ghi nhận lần đầu vào năm 2002, do dị ứng tinh dịch gây ra. Các nhà khoa học không chắc chắn về nguyên nhân vì nó rất mới mẻ, chưa có nhiều nghiên cứu được thực hiện, bởi có rất ít người bệnh được báo cáo. Khoa học nghi ngờ, những người bệnh đã bị dị ứng với chính tinh dịch của họ. POIS được kích hoạt bởi sự xuất tinh, sau đó xuất hiện bệnh kiểu như cúm (mệt mỏi và suy nhược khủng khiếp). Các triệu chứng xuất hiện trong vòng vài giây hoặc vài giờ, đôi khi kéo dài đến hàng tuần.

Một số trường hợp mắc bệnh trầm trọng, gây suy giảm trí nhớ và nói năng lắp bắp, nhất là ở nhóm mắc bệnh mạn tính. Theo số liệu thống kê hiện có khoảng 50 trường hợp mắc bệnh POIS được báo cáo. Thực tế có thể nhiều hơn bởi có người mắc bệnh lại bị chẩn đoán sai hoặc không biết bản thân đang mắc POIS. Là căn bệnh lạ, mới nổi lại chứa đựng nhiều bí ẩn nên phòng tránh và điều trị hiện còn hạn chế.

Ngộ nhận dị ứng

Ngay đầu năm 2019, các nhà khoa học Mỹ đã công bố một nghiên cứu thú vị, làm nhiều người ngạc nhiên. Dự án tuyển dụng 40.000 người lớn ở Mỹ tham gia làm các xét nghiệm và trả lời bảng câu hỏi cho sẵn. Kết quả, cứ 10 người thì có 1 bị dị ứng thực phẩm. Ngoài ra, còn có tới 19% mắc bệnh “ngộ nhận dị ứng”, khăng khăng khẳng định bản thân mắc bệnh mặc dù thực tế không hề bị dị ứng. Đây là kết quả của việc tự chẩn đoán sau khi ăn một số thực phẩm nhất định.

Tuy nhiên, nghiên cứu lại phát hiện thấy những cá nhân này mắc chứng không dung nạp thực phẩm chứ không phải là dị ứng. Về cơ bản, không dung nạp thực phẩm, có nghĩa, khi cơ thể không có khả năng tiêu hóa một loại thực phẩm nào đó và không nguy hiểm đến tính mạng. Một phản ứng dị ứng thực sự xảy ra khi hệ thống miễn dịch nhầm lẫn với một điều gì đó là mối đe dọa và phản ứng mạnh mẽ, ảnh hưởng đến tính mạng chủ thể.

Trẻ nhỏ mắc chứng mẫn cảm điện từ (EHS).

Trẻ nhỏ mắc chứng mẫn cảm điện từ (EHS).

Xuất hiện dị ứng mới sau khi ghép tạng

Nếu được cấy ghép, người bệnh sẽ có thêm một cơ quan mới. Tuy nhiên, ngoài nội tạng “hữu hình” người bệnh còn nhận được thêm nhiều thứ khác, trong đó có bệnh dị ứng thực phẩm. Vào năm 2018, tại Mỹ, một người phụ nữ 68 tuổi sau khi được ghép phổi đã bị dị ứng khi ăn các loại hạt, mà trước đó bà chưa từng bị dị ứng này. Sau khi nhận phổi mới để điều trị chứng khí phế thũng thì ngay lập tức người phụ nữ này xuất hiện dị ứng bơ đậu phộng và thạch. May mắn thay bệnh tình xuất hiện khi vẫn đang trong bệnh viện nên đã được can thiệp kịp thời.

Sau khi kiểm tra lại vật liệu hiến tặng thì thấy, người cho phổi là một nam thanh niên 22 tuổi có tiền sử bị dị ứng các loại hạt rất trầm trọng. Chuyện bắt đầu xảy ra một ngày trước khi xuất viện, người phụ nữ thấy khó thở và tức ngực. Tiến hành các xét nghiệm sâu hơn, các bác sĩ còn phát hiện thấy ngoài đậu phộng, người phụ nữ này còn bị dị ứng với hạnh nhân, hạt điều, dừa và quả phỉ.


Duy Khoa
Ý kiến của bạn