Những khuyến cáo không thể bỏ qua về cạo gió chữa cảm

23-10-2013 14:28 | Y học cổ truyền
google news

BS. Nguyễn Xuân Hướng, nguyên Chủ tịch Hội Đông Y Việt Nam khuyến cáo, người bị sốt phong nhiệt cạo gió rất dễ biến chứng méo mồm, liệt nửa người, xuất huyết não, đột quỵ do huyết áp tăng cao và tử vong.

Từ lâu, cạo gió được xem là phương pháp chữa bệnh dân gian hiệu quả được dùng rất phổ biến để chữa các chứng cảm. Tuy nhiên, BS. Nguyễn Xuân Hướng, nguyên Chủ tịch Hội Đông Y Việt Nam khuyến cáo, người bị sốt phong nhiệt cạo gió rất dễ biến chứng méo mồm, liệt nửa người, xuất huyết não, đột quỵ do huyết áp tăng cao và tử vong.

BS. Hướng giải thích: Cảm phong nhiệt tức là nhiệt đã đi vào máu. Cơ thể đã nóng lại cạo gió làm cơ thể nóng hơn khiến huyết áp tăng cao dễ dẫn đến xuất huyết não.

Những khuyến cáo không thể bỏ qua về cạo gió chữa cảm 1
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Thông thường, chỉ những người bị cảm phong hàn, hàn tà đang nằm ở phần biểu người ta mới tiến hành cạo gió, đánh cảm. Những trường hợp bị cảm phong nhiệt thì tuyệt đối không cạo gió, đánh cảm mà phải điều trị bằng thuốc. Người bị cảm phong nhiệt ra mồ hôi cũng không thể đánh gió…

Không khó để phân biệt cảm phong hàn và cảm phong nhiệt. Người bị cảm phong hàn thông thường có triệu chứng đau đầu, chảy nước mũi trong, ớn rét. Người bị cảm phong nhiệt thường có biểu hiện đau họng, miệng khô, sốt nóng, ra mồ hôi, sợ gió, ho có đờm, đau lưng, miệng khô, khát, nước tiểu vàng,…

Trẻ em là đối tượng chống chỉ định với mọi hình thức cạo gió. Cách an toàn nhất là xoa dầu. Da của trẻ rất non và mỏng nên rất dễ hỏng da, khí huyết cũng rất yếu sẽ không chịu được nhiệt độ cao khi cạo gió. Ngoài ra, người bị bệnh tim, cao huyết áp, phụ nữ có thai và người bị các bệnh da liễu ở những vị trí cần cạo gió cũng là những đối tượng tuyệt đối không nên tiến hành cạo gió dưới bất kỳ trường hợp cảm nào.

Cách cạo gió: Chú ý không nên cạo quá lâu và không dùng lực quá mạnh khiến cho da bị xước hoặc xuất huyết làm bệnh nhân đau đớn và rát bỏng nhiều ngày. Dụng cụ cạo gió cần cầm thẳng không nên cầm nghiêng vì dễ gây xuất huyết. Không cho bệnh nhân đi ra ngoài ngay sau khi cạo gió để tránh bị cảm lại.

Vị trí cạo: Thông thường là dọc hai bên cổ gáy, từ cổ dọc xuống đến vai, kín hết diện vai, dọc hai bên cột sống rồi tỏa ra hai bên mạng sườn, kín hết diện lưng, chứ không được đánh ở giữa cột sống. Đánh hai bên cột sống, đông y gọi là đánh hai bên kinh bàng quang chứ không được đánh giữa kinh đông (giữa cột sống). Nếu người bệnh ho, ngứa cổ họng thì cạo thêm dọc xương mỏ ác ở ngực. Nếu bụng lạnh đau cạo thêm vùng bụng, nếu nhức dọc chi trên thì cạo thêm cánh tay và cẳng tay.

Kỹ thuật cạo: Chọn nơi kín gió, bảo người bệnh nằm ngay ngắn, tĩnh tâm, toàn thân thư giãn. Sát trùng dụng cụ cạo gió, thoa dầu gió lên vùng cần cạo rồi dùng lực vừa phải miết đều theo hướng một chiều từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài sao cho người bệnh cảm thấy nóng ấm, dễ chịu là được. Ở vùng lưng có thể dùng lực mạnh hơn một chút. Lần lượt cạo từ vùng này sang vùng khác. Thông thường, mỗi vùng cạo từ 3 đến 5 phút là da ửng đỏ. 

Sau khi cạo, cho người bệnh uống một cốc sữa hoặc một cốc trà gừng nóng hoặc ăn một bát cháo giải cảm có hành tươi và tía tô rồi đắp chăn nằm nghỉ.
 
Theo Soha News

Ý kiến của bạn