Hà Nội

Những khu vực trên thế giới dễ xảy ra động đất hủy diệt

09-02-2023 13:53 | Xã hội
google news

SKĐS - Những trận động đất lớn thường xảy ra ở các khu vực ranh giới các mảng lục địa như mảng Âu Á, mảng Ấn Độ. Khi các mảng xô húc với nhau gây ra động đất khủng khiếp.

Động đất kinh hoàng ở Thổ Nhĩ Kỳ: Khoảnh khắc kỳ diệu giải cứu bé trai kẹt 52 giờ dưới đổng đổ nátĐộng đất kinh hoàng ở Thổ Nhĩ Kỳ: Khoảnh khắc kỳ diệu giải cứu bé trai kẹt 52 giờ dưới đổng đổ nát

SKĐS - Những bức ảnh ghi lại những khoảnh khắc cảm động khi các nạn nhân được giải cứu sau nhiều giờ kẹt dưới đống đổ nát trong trận động đất kinh hoàng ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria.

Động đất trúng vào khu đông dân cư thì thiệt hại rất lớn

Ngày 6/2, tại 2 quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đã xảy ra những trận động đất lớn 7.8 độ. Rung chấn do trận động đất ở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, Syria đã gây ra hậu quả trên diện rộng.

TS Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đánh giá, đây là trận động đất lớn. Trên thế giới hàng năm chỉ xảy ra một vài trận động đất có độ lớn cao. Với độ lớn lên đến 7.8 thì năng lượng phát sinh của trận động đất rất lớn.

Trận động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ có độ lớn M=7,8 được phân loại động đất lớn, với nhiều dư chấn tiếp theo có sức tàn phá nghiêm trọng với nhiều nhà bị sụp đổ một phần, hoàn toàn hoặc hư hại nghiêm trọng.

Những khu vực trên thế giới dễ xảy ra động đất hủy diệt - Ảnh 2.

Con số thương vong trong trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ vẫn ngày càng tăng.

Theo TS Xuân Anh, trận động đất này rơi vào khu vực đông dân cư, có thể nhiều nhà cửa, công trình được xây dựng kháng chấn kém chưa đạt tiêu chuẩn, thời gian xảy ra động đất vào buổi sáng sớm (lúc 4 giờ sáng giờ địa phương) khi người dân chủ yếu ngủ trong nhà, nên dẫn tới thiệt hại rất lớn. Và theo dự báo, con số thiệt hại về người và tài sản sau trận động đất trên vẫn chưa dừng lại. Đây là một trong những cơn động đất mạnh trong thời gian gần đây gây thiệt hại lớn về người và tài sản.

Theo TS Nguyễn Xuân Anh, Thổ Nhĩ Kỳ dễ xảy ra động đất vì nó nằm ở giao điểm của ba mảng kiến tạo vỏ Trái đất: mảng Anatolia, mảng Ả Rập và châu Phi. Trong đó, mảng Ả Rập đang di chuyển về phía bắc, hướng vào châu Âu, khiến mảng Anatolia (Thổ Nhĩ Kỳ nằm trên mảng này) bị đẩy ra phía tây. Các quốc gia nằm trong vùng ranh giới các mảng kiến tạo quy mô châu lục có những đứt gãy phát sinh động đất rất mạnh.

Trong lịch sử Thổ Nhĩ Kỳ từng xảy ra nhiều trận động đất rất mạnh do nằm trong ranh giới các mảng kiến tạo có khả năng sinh ra các trận động đất lớn. Cụ thể như vào năm 1999, một trận động đất đã khiến 17.000 người thiệt mạng. Vào tháng 12.1939 ở đông bắc Thổ Nhĩ Kỳ đã có trận động đất mạnh 7,8 độ richter diễn ra gần thành phố Erzincan, phá hủy 116.720 tòa nhà và khiến 32.968 người thiệt mạng.

Điều đáng nói, dù là khu vực này từng xảy ra động đất, nhưng công tác kháng chấn cho các công trình giao thông, nhà ở tại nơi xảy ra động đất Thổ Nhĩ Kỳ chưa được quan tâm đúng mức. Trong khi đáng lẽ ở những khu vực này phải có các công trình nhà ở kiên cố, tính toán cho khả năng xảy ra động đất cao nhất. Khi được tính toán đến yếu tố kháng chấn cho công trình, nếu có động đất, hiếm khi xảy ra sụp đổ toàn bộ công trình giống như ở Thổ Nhĩ Kỳ mà nếu có chỉ đổ sụp một phần.

"Động đất mạnh trong khu vực đông dân cư mà công trình xây dựng lại chưa được tính toán kháng chấn là nguyên nhân chính gây ra thiệt hại lớn ở Thổ Nhĩ Kỳ", TS Nguyễn Xuân Anh nhận định.

Theo TS Nguyễn Xuân Anh, những trận động đất lớn thường xảy ra ở các khu vực ranh giới các mảng lục địa như mảng Âu Á, mảng Ấn Độ. Khi các mảng xô húc với nhau gây ra động đất khủng khiếp. Hay ở các vành đai lửa như Nhật Bản, Philippin, Indonexia... thường xảy ra động đất mạnh. Có thể dự báo được các trận động đất lớn nhưng công nghệ hiện nay chưa cho phép dự báo được thời điểm chính xác xảy ra các trận động đất này.

Việt Nam ít có nguy cơ xảy ra động đất lớn

TS Nguyễn Xuân Anh cho biết, Việt Nam may mắn nằm trong nội mảng địa chất nêu trên. Trận động đất khủng khiếp như ở Thổ Nhĩ Kỳ chưa từng xảy ra ở Việt Nam. Những trận động đất lớn xảy ra ở Việt Nam ở khu vực Tây Bắc (tỉnh Điện Biên) năm 1935 và năm 1983 cũng chỉ khoảng 6.7 đến 6.8 độ. Thời điểm đó, động đất ít gây thiệt hại vì dân cư thưa thớt.

"Nhưng cùng với sự phát triển kinh tế xã hội, chúng ta phải biết nếu xảy ra động đất 6-8 độ ở khu vực này thì sẽ gây thiệt hại rất lớn nếu các công trình xây dựng không tính toán đến kháng chấn. Kịch bản của Việt Nam sẽ không có các trận động đất hủy diệt, nhưng động đất 6.8 độ cũng gây thiệt hại rất lớn đặc biệt ở các khu vực có hạ tầng phát triển", TS Nguyễn Xuân Anh nói.

Mỗi quốc gia cần nghiên cứu đánh giá nguy cơ động đất, Việt Nam cũng đã có bản đồ phân vùng cảnh báo nguy hiểm động đất trên toàn lãnh thổ, cùng với đó là các kịch bản ứng phó khác nhau. Trong bản đồ cũng đã có những cảnh báo cụ thể từng khu vực phải xây dựng nhà ở ứng phó với động đất cấp mấy.

Việt Nam đã ban hành tiêu chuẩn quy định như tiêu chuẩn kháng chấn, quy định phòng chống động đất. Hàng năm các cơ quan chính quyền phải rà soát, tổ chức diễn tập phòng chống động đất thường xuyên ở các nơi có nguy cơ cao. Chính phủ đã ban hành quy chế chống thảm họa động đất, trong đó có các kịch bản phù hợp.

Thời gian gần đây, ở Việt Nam có những hoạt động xảy ra động đất kích thích do hiện tượng tích nước ở các hồ chứa ở Quảng Nam, KonTum. Các quan trắc cho thấy, những trận động đất ở các khu vực này có  độ lớn dưới M<5. Các nghiên cứu cần được triển khai để đánh giá độ nguy hiểm động đất trên phạm vi cả nước.

Những động đất ở vùng lân cận cũng gây ra rung lắc ở vùng đất Việt Nam gần đây, ví dụ động đất có độ lớn M=6,8 xảy ra năm 2011 tại khu vực biên giới Myanmar - Lào - Thái Lan, gây rung động cảm nhận được ở các tỉnh miền bắc Việt Nam. Cần có lắp đặt các thiết bị đo ở các nhà cao tầng để đánh giá mức độ rung lắc.

"Về cơ bản, người ta có thể đánh giá được hoạt động động đất của từng khu vực là mức độ nào, yếu hay mạnh, tần suất xảy ra. Tuy nhiên, việc dự báo thời gian chính xác thời điểm xảy ra động đất là rất khó. Tức là, các cơ quan nghiên cứu và dự báo chỉ mới xác định được vùng xảy ra động đất và độ lớn của chúng, còn thời gian chính xác thì chưa thể xác định trước được", TS Nguyễn Xuân Anh nói.

Theo phân loại của các trận động đất, những trận động đất có độ lớn M=4- 5 là những trận động đất nhẹ. Những trận động đất từ M=5-6 là những trận động đất trung bình. Những trận động đất từ M=6-7 độ là những trận động đất mạnh, những trận động đất từ M=7-8 là những trận động đất lớn, những trận động đất từ M=8-9 là những trận động đất hủy diệt.

"Một trận động đất lớn luôn có tiền chấn và dư chấn, điều đó có nghĩa là trước trận động đất lớn đó đã có những trận động đất nhỏ báo trước. Và sau trận động đất lớn nhất sẽ luôn có dư chấn là các trận động đất nhỏ hơn. Dư chấn này là bình thường, bởi khi có kích động chính sẽ gây tác động đến khu vực lân cận, dẫn tới động đất liên hoàn", TS Nguyễn Xuân Anh.

Những trận động đất kinh hoàng nhất trong lịch sửNhững trận động đất kinh hoàng nhất trong lịch sử

SKĐS - Trận động đất có cường độ lớn nhất ghi nhận được xảy ra ở Chile vào ngày 21/5/1960 với độ lớn 9.5, gây ra sóng thần, làm 5000 người chết.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Sáng 9/2: Học Sinh Lớp 3 Bị Xe Cán Tử Vong Trước Cổng Trường, Mẹ Khóc Ngất Bên Thi Thể Con Gái |SKĐS


Tô Hội
Ý kiến của bạn