Những khó khăn trong mục tiêu tiệt trừ dịch sốt rét trên toàn cầu

04-05-2020 14:59 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Khi dịch COVID-19 đang ngự trị trên các bản tin quốc tế hàng ngày, thì điều dễ hiểu là thế giới “tạm quên” những kẻ giết người tàn bạo khác. Mỗi năm tỷ lệ thành công trong điều trị sốt rét lại giảm đi một ít, và một số nơi lại tái bệnh.

Những mục tiêu tham vọng

Chiến dịch sốt rét toàn cầu đã bị bỏ rơi vào thập niên 1960 do loài muỗi phát triển cơ chế kháng thuốc diệt cỏ (DDT), thì vào những năm đầu tiên của thiên niên kỷ mới, báo chí quốc tế giật tít sốt dẻo: Các trường hợp sốt rét đã giảm mạnh trên toàn cầu, giảm nhiều tại mọi châu lục, nhờ có sự áp dụng của bộ ba dụng cụ không thể ngờ, gồm: Sự kết hợp các loại thuốc tẩm diệt côn trùng dài hạn; phun thuốc trừ sâu trong nhà để diệt muỗi; và dùng thanh hao tố (artemisinin - một loại thuốc kháng sốt rét mà ít tác dụng phụ). Ngoài ra còn có thuốc chủng ngừa sốt rét.

Trở lại năm 1998 đã có vài tổ chức toàn cầu về chống sốt rét do Tổ chức y tế thế giới (WHO) dẫn đầu đã bắt tay liên kết với một liên minh gọi là Roll Back Malaria (RBM) nhằm diệt trừ bệnh sốt rét như một mục tiêu của sức khỏe cộng đồng như đã được đề cập trong Tuyên bố Abuja năm 2000.

Loài muỗi Plasmodium vivax. Ảnh nguồn: The East African

Năm 2005, Hội đồng Y tế Thế giới (WHA) đã đề ra mục tiêu giảm các trường hợp mắc sốt rét và tử vong lên 75% vào năm 2015. Tháng 10.2007, tại Diễn đàn sốt rét Gates (GMF), vấn đề diệt sốt rét lại được đưa vào chương trình nghị sự. Năm 2011, Quan hệ đối tác RBM kết thúc, bệnh sốt rét đã cập nhật các mục tiêu đề ra trong Kế hoạch hành động sốt rét toàn cầu (GMAP) năm 2008, nhằm giảm các trường hợp sốt rét đến 75% (năm 2015), nhưng cũng có mục tiêu tham vọng hơn trong việc giảm tử vong do sốt rét đạt 0% vào năm 2015. Đã xảy ra một phép lạ nho nhỏ: Từ năm 2000 đến năm 2017, tỷ lệ tử vong do sốt rét đã giảm 60% trên bình diện toàn cầu và các trường hợp sốt rét giảm 36%. Tuy nhiên, muỗi lại bắt đầu phát triển khả năng kháng thuốc trừ sâu ở vài nơi trên thế giới.

Mỗi năm tỷ lệ thành công do diệt sốt rét lại giảm đi một ít, và một số nơi lại tái bệnh. Trong năm 2018, số liệu trên toàn cầu ghi nhận có tổng cộng 228 triệu trường hợp mắc bệnh sốt rét, và 405.000 trường hợp tử vong. Xuất phát từ thực tế này, Ủy ban Lancet về diệt sốt rét đã đề ra niên hạn diệt sạch bệnh là thời điểm năm 2050.

Lạc quan trong chống dịch ở Đông Nam Á

Trong cuộc chiến chống dịch sốt rét, khu vực Đông Nam Á nằm ở đâu khi so sánh với phần còn lại của thế giới? Châu Phi cho đến nay vẫn nặng gánh tốn kém tiền của và nhân mạng trong cuộc chiến chống dịch. Theo các thống kê mới nhất (lấy từ Báo cáo sốt rét WHO năm 2019) thì có khoảng 228 triệu trường hợp mắc bệnh trên toàn cầu trong năm 2018, trong đó 213 triệu trường hợp đến từ châu Phi (93%). Đông Nam Á chỉ chiếm 3,4% (khoảng 5/1000 người trong năm 2018, giảm từ 17/1000 người năm 2010, tức giảm 70% trong 8 năm qua). Trong toàn bộ khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Ấn Độ có lẽ là nước duy nhất bị nghi ngờ về số ca mắc sốt rét, ngoài ra các quốc gia khác có sự tin cậy cao về việc tiêu trừ sốt rét có thể sẽ đạt được vào năm 2030 (không đến năm 2050), và mục tiêu nhắm đến châu Phi.

Nhân viên chống sốt rét đang dựng biển cảnh báo muỗi tại một ngôi làng ở tỉnh Pailin, cách thủ đô Phnom Penh khoảng 350 km về hướng Tây Bắc. Ảnh nguồn: AFP/Tang Chhin Sothy.

Từng là quốc gia có số ca mắc sốt rét lên tới hàng triệu trong nhiều năm, nhưng năm 2016, WHO tuyên bố Sri Lanka không có ca bệnh nào suốt 3 năm liên tục. Trung Quốc cũng từng có 30 triệu ca sốt rét mỗi năm, nhưng vài năm gần đây cũng không còn nữa. Có 2 điều làm cho châu Á trở nên độc đáo, cụ thể là ở khu vực Đông Nam Á.

Khu vực Đông Nam Á đã quản lý hiệu quả để giảm sự sinh sôi của ký sinh trùng sốt rét Plasmodium falciparum (loài độc nhất trong số 5 loại ký sinh trùng gây nên dịch sốt rét). Loài ký sinh trùng falciparum cho đến nay là căn nguyên gây tử vong cao nhất có liên quan với sốt rét. Tuy vậy, nếu điều trị bằng thuốc hợp lý thì falciparum không đáng ngại.

Loài ký sinh trùng đáng lo nhất là Plasmodium vivax khi nó chiếm tới 72% các trường hợp sốt rét ở Đông Nam Á hiện nay. Sau khi bệnh nhân mắc loài ký sinh trùng này khỏi bệnh và được về nhà,  nhưng bệnh tái phát vài ngày/vài tuần hoặc thậm chí vài tháng. Ký sinh trùng “ngủ đông” sẽ bò từ gan vào máu của bệnh nhân. Công tác điều trị chứng sốt rét vivax rõ ràng phức tạp hơn nhiều so với các loài khác. Nhưng với cơ chế phòng chống sốt rét vivax, thì những ổ dịch ở các khu vực biên giới, hoặc các khu dân cư tồi tàn tại những vùng nông thôn đã bị siết chặt hơn, số lượng phát bệnh cũng tiêu giảm. Vì vậy ở Đông Nam Á, chúng ta tin chắc là sẽ “tiễu trừ” sạch sẽ loại ký sinh trùng này.

Nhưng, vẫn còn một vấn đề trăn trở ở châu Á, đó là sự phát triển và phát tán của hiện tượng kháng thuốc. Vào thời hoàng kim của thập niên 1950 khi ra đời thuốc chống sốt rét chloroquine, Đông Nam Á đã bị xếp vào nhóm các ổ dịch ký sinh trùng sốt rét hoành hành và chúng hình thành khả năng kháng thuốc.

Các thành viên của tổ chức Hành động y tế Myanmar (MAM) đang dạy tình nguyện viên y tế cộng đồng về sốt rét tại làng Tow Law ở huyện Lahe, thành phố Sagaing (Tây Bắc Myanmar) vào ngày 4/2/2020. Ảnh nguồn: Ye Aung Thu/AFP

Đến giữa thập niên 1990, thuốc chloroquine bị “bỏ rơi” trong cuộc chiến chống lại falciparum. Chỉ còn lại thuốc thanh hao tố mà lần đầu tiên đã được người Trung Quốc sử dụng để làm thuốc trị sốt rét từ cách đây hàng ngàn năm. Nó được “tái phát hiện” bởi You You Tu - nữ khoa học gia người Trung Quốc, và giúp cho bà đón nhận giải Nobel y học vào năm 2015. Thanh hao tố được kết hợp với các hợp chất kháng sốt rét khác và đầu thập niên 2000 đã trở thành sản phẩm dùng rộng rãi trên toàn cầu để chống lại ký sinh trùng falciparum malaria. Thuốc đã cứu mạng cho hàng triệu người với phần đông là trẻ em. Nhưng lại xuất hiện tin tức đáng sợ về tình trạng kháng các loại thuốc dựa trên thanh hao tố tại khu vực miền Đông Campuchia và sang Thái Lan, Myanmar, Việt Nam, Lào và châu Phi. Cuộc đua bây giờ là tìm ra thuốc mới hiệu quả hơn thanh hao tố, nhưng phải mất thêm vài năm và tiêu tốn hàng triệu đô la Mỹ.


Văn Chương
Ý kiến của bạn