Hà Nội

Những khó khăn trong dự báo lũ quét, sạt lở đất ở Việt Nam

07-08-2023 09:07 | Xã hội
google news

SKĐS - Sự thay đổi về sử dụng đất, phá rừng, khai thác khoáng sản, làm đường… cũng là những nhân tố gây khó khăn trong công tác dự báo lũ quét, sạt lở đất.

Sạt lở đường từ Lào về Việt Nam, một tài xế tử vongSạt lở đường từ Lào về Việt Nam, một tài xế tử vong

SKĐS - Liên quan đến vụ sạt lở đường từ Lào về Việt Nam, cơ quan chức năng xác định có một nam tài xế đã tử vong.

Ứng dụng công nghệ cảnh báo rủi ro lũ quét, sạt lở đất

Theo GS.TS Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Việt Nam hiện chưa có khả năng dự báo được lũ quét, sạt lở đất (mới cảnh báo nguy cơ có khả năng xảy ra lũ quét tại một vùng hoặc khu vực rộng) do các mô hình dự báo quá trình mưa, lũ còn hạn chế. Mặt khác, do thiếu dữ liệu về quan trắc, địa hình, thiếu thông tin số liệu về cấu trúc thảm phủ, lớp đất, tính chất cơ lý của đất. Sự thay đổi về sử dụng đất, phá rừng, khai thác khoáng sản, làm đường… cũng là những nhân tố gây khó khăn trong công tác dự báo lũ quét, sạt lở đất.

Trước những khó khăn của công nghệ, Tổng cục Khí tượng Thủy văn đã bước đầu có các giải pháp tăng cường chất lượng bản tin cảnh báo lũ quét, sạt lở đất như: tăng cường độ phân giải trong bản đồ dự báo mưa định lượng lên 1 - 3 km, sử dụng đồng hóa nhiều nguồn dữ liệu tạo bản đồ mưa như dữ liệu quan trắc, ra đa, mô hình số. Bản đồ cảnh báo nguy cơ lũ quét được xử lý kết hợp bổ sung các lớp thông tin về nguy cơ lũ quét, sạt lở đất kết hợp với phân ngưỡng mưa để tạo ra bản đồ cảnh báo nguy cơ lũ quét, sạt lở đất thời gian thực.

Những khó khăn trong dự báo lũ quét, sạt lở đất ở Việt Nam - Ảnh 2.

Lũ quét, sạt lở đất sau mưa lớn dài ngày đe dọa đời sống người dân các tỉnh miền núi.

Mức cảnh báo nguy cơ từ cao đến rất cao, chi tiết theo địa danh hành chính được hiển thị theo phổ màu khác nhau trên bản đồ kèm bảng biểu địa danh khu vực để các cấp quản lý, cơ quan chỉ đạo về phòng chống thiên tai có thể nắm bắt nhanh chóng, trực quan khu vực được cảnh báo.

Theo ông, về lâu dài, chúng ta sẽ triển khai các nghiên cứu, điều tra về trượt lở đất đá, lũ ống, lũ quét trên diện rộng ở tỷ lệ lớn. Cùng với đó là phân vùng cảnh báo nguy cơ để giúp Chính phủ cũng như các địa phương có thể nằm bắt, hiểu biết về hiện trạng và nguy cơ trượt lở đất đá, lũ ống, lũ quét và có định hướng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời có giải pháp phòng tránh và giảm thiểu thiệt hại về tính mạng và tài sản cho nhân dân.

PGS.TS Phạm Hồng Quang, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam đánh giá, ở Việt Nam, mỗi mùa mưa bão đều xảy ra các hiện tượng sạt lở và lũ quét. Nhà nước đã đầu tư rất nhiều kinh phí kiện toàn bộ máy dự báo, cứu hộ cứu nạn và phòng chống thiên tai, nhưng chưa thực sự đạt hiệu quả mong muốn. Qua khảo sát cho thấy rất nhiều hộ dân sống ngay cạnh các triền đồi núi có nguy cơ sạt lở cao, các nhà khoa học ví von là "sống cạnh tử thần".

Những vụ sạt lở, lũ quét xảy ra lẻ tẻ ở các địa phương miền núi rất nhiều. Số người chết cùng lúc không nhiều, nhưng trượt lở khiến 1-2 người thiệt mạng lại là chuyện không hiếm. Khu vực miền núi phía Bắc có nhiều đặc điểm dễ khiến thiên tai xảy ra. Cụ thể, các tỉnh hầu hết có địa hình chia cắt, phổ biến là núi cao, độ dốc lớn. Địa chất phức tạp, nhiều sông, suối và công trình hồ đập. Không chỉ vậy, đây còn là khu vực có lượng mưa lớn nhất cả nước, thường xuyên gây ra tai biến địa chất kèm theo lũ quét, sạt lở đất.

Trong khi đó, cơ sở hạ tầng nói chung và phục vụ công tác phòng chống thiên tai trong khu vực kém phát triển; khả năng chống chịu hạn chế, dễ bị tổn thương. Đây cũng là khu vực có tốc độ gia tăng dân số nhanh. Sinh kế của người dân chủ yếu là sản xuất nông, lâm nghiệp ven các sông suối và sườn đất dốc, dễ bị tổn thương. Thiệt hại do tác động thiên tai có thể gây ra bởi vậy rất lớn.

Hạn chế đi lại qua sông, suối sau lũ

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, lũ quét, sạt lở đất là hiện tượng thiên nhiên cực đoan rất khó dự báo. Ở các khu vực miền núi, lũ quét gây ra những thiệt hại lớn do tính chất bất ngờ và khó phòng tránh. Lũ quét thường không kéo dài, chỉ xảy ra từ 10 - 18 giờ, hiếm khi kéo dài quá 1 ngày. Nguyên nhân gây ra lũ quét là do các trận mưa lớn kéo dài, do các công trình xây dựng quy hoạch không hợp lý làm cản trở dòng chảy, do đê, đập hay hồ bị vỡ, do dòng chảy bị bồi lấp, lấn chiếm, do rừng đầu nguồn bị tàn phá làm tăng cường lũ và gây xói mòn.

Các dấu hiệu nhận biết lũ quét là mưa lớn kéo dài nhiều giờ đồng hồ hoặc mưa lớn đều đặn diễn ra trong nhiều ngày, khi có gió xoáy gây ảnh hưởng vào khu vực, khi nước đang dâng lên nhanh chóng trên sông suối... Nơi có núi cao, độ dốc lớn, địa hình bị chia cắt... cần đề phòng lũ quét. Khi có lũ quét thì cũng thường kèm theo sạt lở.

Ths Lê Xuân Cầu, nguyên Cán bộ nghiên cứu Viện Khoa học Khí tượng Thuỷ văn và Môi trường cho biết, thông thường sạt lở xảy ra tại nơi có độ dốc mặt đất lớn, là nơi dễ tích tụ nước dưới đất và phải có nguồn cung cấp nước đủ lớn (lưu vực nước ngầm đủ lớn), đất có độ kết dính không cao. Đó là nơi nước dưới đất chảy chậm lại và đường dòng hội tụ sẽ gây tích tụ nước và mực nước dưới đất sẽ dâng khi có nguồn cung nước đến.

Cả hai nơi xảy ra sạt lở tại Lâm Đồng: Đèo Bảo Lộc và Phường 10, TP Đà Lạt đều không phải là nơi thỏa mãn các điều kiện trên. Trên bản đồ nguy cơ sạt lở đất (từ phân tích địa hình và thủy văn học) khẳng định khả năng cao sạt lở đất tại hai vị trí trên không do điều kiện tự nhiên gây ra. Dự đoán nguyên nhân do hoạt động của con người kết hợp với mưa lớn cực đoan làm mực nước dưới đất tăng cao bất thường gây ra sạt lở.

Chuyên gia khuyên, khi xảy ra mưa lớn, cần quan sát những thay đổi xảy ra xung quanh khu vực sinh sống như các rãnh thoát nước mưa trên các sườn dốc (đặc biệt là những nơi mà dòng nước chảy tụ lại), xuất hiện dấu vết sạt lở, cây bị sạt… Cửa hoặc cửa sổ bị kẹt, không thể mở ra. Vết nứt mới xuất hiện trên tường, trần, gạch, hoặc nền. Bức tường ngoài, lề đường hoặc cầu thang không nguyên dạng. Xuất hiện các vết nứt mở rộng trên mặt đất hoặc trên lối đi. Vỡ mạch nước ngầm. Mặt đất có hiện tượng phồng rộp, đường bấp bênh. Nước phun ra từ mặt đất tại nhiều vị trí mới. Hàng rào, tường chắn, cột điện, cây cối bị nghiêng hoặc di chuyển. Chú ý sự thay đổi của dòng nước. Nếu nước đang từ trong chuyển sang đục thì đây cũng là một dấu hiệu cho thấy sắp có sạt lở đất.

Khi bắt đầu nghe thấy tiếng rơi của đất đá và âm lượng tăng dần, mặt đất bắt đầu dịch chuyển xuống theo chiều dốc, các lớp đất thụt xuống, những âm thanh lạ, như tiếng cây gãy hoặc tảng đá va chạm với nhau tức là sạt lở đất sắp xảy ra và việc cần làm là nhanh chóng di dời khỏi khu vực nguy hiểm và thông báo cho chính quyền địa phương và hàng xóm để có thể được hỗ trợ kịp thời.

Lũ quét thường xảy ra rất nhanh và bất ngờ. Vì thế, bà con cần hạn chế đi lại qua sông suối sau lũ. Ngoài ra, nên di chuyển nhà tới những nơi an toàn trong trường hợp chỗ ở cũ bị san lấp hoàn toàn hoặc quá nguy hiểm. Để đề phòng lũ lụt nói chung và lũ quét nói riêng cần phải tích cực khôi phục rừng phòng hộ đầu nguồn, đặc biệt là các khu vực thường gây ra lũ quét, nhằm bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ lớp phủ thực vật, tăng khả năng giữ nước của lưu vực, hạn chế khả năng tập trung dòng chảy lũ.

Chuyên gia chỉ rõ nguyên nhân mưa lớn gây sạt lở, lũ quét ở nhiều nơiChuyên gia chỉ rõ nguyên nhân mưa lớn gây sạt lở, lũ quét ở nhiều nơi

SKĐS - Các tỉnh miền Bắc từ nay đến hết ngày 8/8 có khả năng xảy ra đợt mưa vừa, mưa to diện rộng. Nguyên nhân chính là do hoạt động của rãnh áp thấp đi qua Vịnh Bắc Bộ, kết hợp với một vùng rãnh thấp trên khu vực Đông Bắc.

Xem thêm video đang được quan tâm:

140 Năm Qua: Bắc Kinh Lại Gặp Thiệt Hại Nặng Nề Do Mưa To Và Lũ Lụt | SKĐS



Tô Hội
Ý kiến của bạn