Những khó khăn của nền kinh tế không thể khắc phục trong 'một sớm, một chiều'

19-09-2023 09:52 | Thời sự
google news

SKĐS - Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, nền kinh tế Việt Nam đã vượt qua thời điểm khó khăn nhất nhưng cũng cần thẳng thắn nhìn nhận rằng, những khó khăn không thể khắc phục chỉ trong một sớm, một chiều.

"Dĩ bất biến, ứng vạn biến"

Phát biểu tại Diễn đàn KT-XH năm 2023, ông Nguyễn Xuân Thắng – GĐ Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh, giữ vững ổn định vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn là tiền đề và là điều kiện quan trọng để nền kinh tế Việt Nam bảo vệ được những thành quả phát triển, tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực tăng trưởng bền vững.

Là một nền kinh tế có độ mở cao, trong gần một năm qua, Việt Nam đã phải đối diện với nhiều "cơn gió ngược" liên tục đổi chiều và có hiệu ứng mạnh đến từ bên ngoài, kéo theo sức ép lớn về lạm phát, tỷ giá cùng với những rủi ro về thu hẹp thị trường, đứt gãy chuỗi cung ứng, đứt gãy lao động và biến động giá cả của các mặt hàng chiến lược…

Những khó khăn của nền kinh tế Việt Nam không thể khắc phục trong 'một sớm, một chiều' - Ảnh 1.

Diễn đàn KT-XH năm 2023 với sự tham gia trực tiếp của khoảng 450 đại biểu. Ảnh: Quochoi.vn.

Vận dụng linh hoạt, sáng tạo nguyên tắc "dĩ bất biến, ứng vạn biến", Việt Nam đã triển khai đồng bộ các chính sách vừa tập trung chống chịu, thích ứng với các sức ép đến từ bên ngoài; vừa tháo gỡ, xử lý những yếu kém, điểm nghẽn ở bên trong.

"Dĩ bất biến" là việc củng cố, duy trì ổn định vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, củng cố niềm tin của nhân dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư, để nền kinh tế-xã hội có đủ năng lực chống chịu, có dư địa để ứng phó với các diễn biến bất ngờ.

"Ứng vạn biến" là việc điều hành chủ động, linh hoạt, kịp thời hiệu quả chính sách tiền tệ, phối hợp đồng bộ, hài hoà, chặt chẽ với chính sách tài khoá và các chính sách kích cầu, như: hạ mặt bằng lãi suất, giảm thuế VAT, tăng lương trong khu vực công, hỗ trợ mở rộng xuất khẩu, quyết liệt thực hiện tăng giải ngân đầu tư công, đẩy mạnh đối tác công tư, thực hiện quyết liệt hơn các chương trình mục tiêu quốc gia… để đưa nền kinh tế ra khỏi tình trạng trì trệ, giảm sút, từng bước tạo lập và dịch chuyển sang trạng thái cân bằng mới.

Những khó khăn của nền kinh tế Việt Nam không thể khắc phục trong 'một sớm, một chiều' - Ảnh 2.

Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng phát biểu đề dẫn diễn đàn.

Ông Nguyễn Xuân Thắng cho rằng, nền kinh tế Việt Nam đã vượt qua thời điểm khó khăn nhất nhưng chúng ta cũng cần thẳng thắn nhìn nhận rằng, những khó khăn không thể khắc phục chỉ trong một sớm, một chiều.

Để xác định kịch bản tăng trưởng trong thời gian tới, ông Nguyễn Xuân Thắng đề nghị các đại biểu, nhà khoa học thảo luận, tìm ra những giải pháp thực tiễn, khả thi, đột phá nhằm khôi phục các động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế: Đánh giá đầy đủ và chủ động khôi phục tiêu dùng trong nước; Khôi phục dòng vốn đầu tư; Tháo gỡ những khó khăn, khôi phục sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

"Trải qua gần ba năm cầm cự, chống chọi với đại dịch, nguồn lực của các doanh nghiệp đã bị suy kiệt, lại thêm những biến cố gần đây trên thị trường tiếp tục bào mòn niềm tin, tinh thần và ý chí sản xuất, kinh doanh. Quốc hội, Chính phủ đã khẩn trương ban hành nhiều chính sách, giải pháp tháo gỡ những rào cản, khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Điều quan trọng là cần tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả, đưa những chính sách, giải pháp này vào cuộc sống", ông Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh.

3 bài học kinh nghiệm sâu sắc

Ông Nguyễn Xuân Thắng cho rằng, nhìn lại những nỗ lực phấn đấu, những kết quả đạt được và chưa làm được trong năm 2023 và qua nửa nhiệm kỳ 2021-2025, chúng cần tiếp tục kế thừa những bài học kinh nghiệm sâu sắc đã đúc kết được:

Thứ nhất, bài học về hoán chuyển những rủi ro, thách thức từ bên ngoài trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn tạo ra sự phân mảng, đứt gãy của nền kinh tế thế giới. Sự dịch chuyển, phân tách của các chuỗi cung ứng toàn cầu trở thành cơ hội để Việt Nam phát huy vai trò tâm điểm kết nối, thu hút các dòng vốn đầu tư và thúc đẩy xuất khẩu.

Những khó khăn của nền kinh tế Việt Nam không thể khắc phục trong 'một sớm, một chiều' - Ảnh 3.

Toàn cảnh Diễn đàn KT-XH Việt Nam 2023.

Thứ hai, bài học về vượt khó và càng trong khó khăn, càng cần phải chú ý đến mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội, tích cực hỗ trợ những người lao động, người nghèo trước nguy cơ bị mất việc làm, thu nhập giảm sút và giá cả của nhiều mặt hàng thiết yếu gia tăng. Đây cũng là dịp để phát huy vai trò của hệ thống chính sách giảm nghèo, bảo đảm an ninh và an sinh xã hội…

Thứ ba, bài học trong việc tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách trên nguyên tắc: phải bám sát chương trình, kế hoạch hành động; chủ động, sáng tạo, linh hoạt đề ra những giải pháp khả thi, bám sát thực tiễn gắn với cụ thể hoá, cá thể hóa trách nhiệm; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với uỷ quyền, trao quyền và giao quyền cụ thể; phát huy trí tuệ và bản lĩnh "dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm" của người đứng đầu…

Chủ tịch Quốc hội: Phát huy nội lực, vận dụng, khai thác hiệu quả ngoại lực để phát triển KT-XHChủ tịch Quốc hội: Phát huy nội lực, vận dụng, khai thác hiệu quả ngoại lực để phát triển KT-XH

SKĐS - Sáng 19/9, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã phát biểu khai mạc Diễn đàn KT-XH Việt Nam 2023 với chủ đề "Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững".


Lê Bảo
Ý kiến của bạn