Bệnh tim mạch là căn bệnh cướp đi sinh mạng của nhiều người Mỹ nhất hiện nay. Năm 2008, hơn 600.000 người Mỹ tử vong do căn bệnh này và hàng trăm nghìn người khác trải qua các cơn đau tim dữ dội. Liệu có phải căn bệnh này đã luôn đeo bám loài người, gây hẹp động mạch và tạo ra các cục máu đông, khiến bệnh nhân đột tử? Hay nó được gây ra bởi lối sống hiện đại với hàm lượng cholesterol cao và vòng eo lớn? Những khám sau về bệnh có thể sẽ làm bạn ngạc nhiên.
Các Pha-ra-ông cũng mắc bệnh tim mạch
Trong cuộc gặp mặt Hiệp hội Tim mạch học ở Florida (Mỹ) năm 2009, các nhà khoa học đã trình bày kết quả nghiên cứu chỉ ra các xác ướp Ai Cập có niên đại khoảng 3.500 năm, có các dấu hiệu của bệnh tim mạch, đặc biệt là xơ vữa động mạch, một căn bệnh gây hẹp động mạch. Pha-ra-ông Merenptah chết năm 1203 trước Công nguyên, mắc chứng xơ vữa động mạch. Ngoài ra, 9 trong số 16 xác ướp được nghiên cứu khác cũng có dấu hiệu của căn bệnh này.
Tại sao điều này lại có thể xảy ra? Các nhà nghiên cứu đưa ra giả thiết rằng chế độ ăn của họ chính là tác nhân gây bệnh. Quý tộc Ai Cập ăn rất nhiều thịt mỡ từ gia súc, vịt, ngỗng và sử dụng rất nhiều muối để bảo quản thực phẩm. Ngoài ra, nghiên cứu đặt ra một số câu hỏi hấp dẫn, khuyến khích các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu để hiểu hơn về căn bệnh này. Theo GS.TS. Gregory Thomas, một trong những người thực hiện nghiên cứu cho biết: “Các kết quả cho thấy chúng ta cần phải nhìn rộng hơn các yếu tố nguy cơ hiện đại để hiểu cặn kẽ về bệnh”.
Khám phá đầu tiên về bệnh động mạch vành
Rất khó để nói chính xác lần đầu tiên nền văn minh nhân loại có ý thức về bệnh động mạch vành, hay hẹp động mạch là khi nào. Tuy nhiên, chúng ta biết rằng Leonardo da Vinci (1452 - 1519) cũng đã từng nghiên cứu về bệnh này. Còn William Harvey (1578 - 1657), bác sĩ của vua Charles I được biết đến vì đã khám phá ra đường đi của máu: từ tâm thất phải của tim, qua phổi trở về tim rồi tới động mạch chủ đến các mạch máu ngoại biên và quay trở lại tim. Sau đó, GS. Friedrich Hoffmann (1660 - 1742), Trưởng khoa Tim mạch , Đại học Halle nhận thấy rằng, bệnh mạch vành bắt đầu bằng “con đường cho máu đi qua trong các động mạch vành bị hẹp lại”.
Phát hiện ra chứng đau thắt ngực
Đau thắt ngực - chứng tức ngực thường là dấu hiệu của bệnh tim mạch - làm bối rối rất nhiều bác sĩ ở thế kỷ 18 và 19. Bệnh được mô tả lần đầu tiên năm 1768, rất nhiều người tin rằng nó có liên quan đến sự tuần hoàn máu trong các động mạch vành, mặc dù những người khác nghĩ đó chỉ là một triệu chứng vô hại.
Nhà tim mạch học William Osler (1849 - 1919) đã nghiên cứu sâu về đau thắt ngực và là một trong những người đầu tiên chỉ ra đó là một triệu chứng hơn là một bệnh. Sau đó, vào năm 1912, nhà tim mạch học người Mỹ James B. Herrick (1861 - 1954) kết luận rằng, sự hẹp dần động mạch vành ở tốc độ chậm có thể là nguyên nhân gây đau thắt ngực. Ông được biết đến vì đã tạo ra thuật ngữ “heart attack” (đau tim).
Học cách phát hiện bệnh tim mạch
Những năm 1900 đánh dấu thời kỳ con người quan tâm, nghiên cứu và hiểu về bệnh tim mạch hơn. Năm 1915, một nhóm bác sĩ và nhân viên xã hội thành lập “Hiệp hội Phòng và Giảm nhẹ bệnh tim mạch” đầu tiên ở thành phố New York. Năm 1924, hiệp hội này trở thành Hiệp hội Tim mạch Mỹ. Những bác sĩ này quan tâm đến căn bệnh bởi họ biết rất ít về nó. Thông thường, bệnh nhân mắc bệnh này ít có hy vọng chữa được bệnh.
Chỉ một vài năm sau, các bác sĩ bắt đầu thử khám phá các động mạch vành với một ống thông. Phương pháp này sau này được gọi là thông tim hoặc chụp mạch vành. Ngày nay, các phương pháp này thường được sử dụng để đánh giá hoặc khẳng định sự xuất hiện của bệnh động mạch vành và để đánh giá mức độ điều trị cần thiết sau này.
Bác sĩ người Bồ Đào Nha Egas Moniz (1874 - 1955) và bác sĩ người Đức Werner Forssman (1904 - 1979) được biết đến như những người đi tiên phong trong lĩnh vực này. Mason Sones (1918 - 1985), bác sĩ tim mạch nhi khoa ở Bệnh viện Cleveland hoàn thiện kỹ thuật tạo ra hình ảnh chẩn đoán chất lượng cao của động mạch vành. Với kỹ thuật mới này, lần đầu tiên chúng ta có thể chẩn đoán chính xác bệnh động mạch vành.
Bắt đầu quan tâm đến chế độ ăn
Năm 1948, các nhà nghiên cứu dưới sự chỉ dẫn của Viện Tim quốc gia Mỹ đã khởi xướng nghiên cứu tim mạch Framingham. Đây là nghiên cứu lớn đầu tiên giúp tìm hiểu bệnh tim mạch. Năm 1949, thuật ngữ “xơ vữa động mạch” được thêm vào Bảng phân loại bệnh quốc tế khiến cho số lượng báo cáo tử vong vì bệnh tim mạch tăng mạnh.
Tới năm 1950, nhà nghiên cứu John Gofman (1918 - 2007) ở Đại học California cùng các cộng sự đã xác định hai loại cholesterol phổ biến hiện nay là lipoprotein mật độ thấp (LDL) và lipoprotein mật độ cao (HDL). Ông phát hiện thấy những người đàn ông mắc bệnh xơ vữa động mạch có cả hàm lượng LDL cao và HDL thấp.
Cũng trong những năm 1950, nhà khoa học người Mỹ Ancel Keys (1904 - 2004) nhận thấy từ những chuyến đi của ông rằng bệnh tim mạch rất hiếm gặp ở một số cộng đồng Địa Trung Hải, nơi mọi người có chế độ ăn ít chất béo hơn. Ông cũng nhận thấy rằng, người Nhật Bản có chế độ ăn ít chất béo và ít mắc bệnh tim mạch; điều này khiến ông đặt ra giả thiết chất béo là nguyên nhân gây bệnh tim mạch. Những điều này, bao gồm cả kết quả nghiên cứu từ Nghiên cứu tim mạch Framingham dẫn tới những nỗ lực đầu tiên nhằm kêu gọi người Mỹ thay đổi chế độ ăn để cải thiện sức khỏe.
Và tương lai của bệnh tim mạch
Những phương pháp điều trị như phẫu thuật bắc cầu và nong mạch vành được sử dụng lần đầu tiên để điều trị bệnh tim mạch vào những năm 1960 - 1970. Vào những năm 1980, việc sử dụng stent để giúp chống đỡ, mở động mạch bị hẹp trở nên thông dụng. Nhờ có các tiến bộ kỹ thuật này, bệnh tim mạch không còn là án tử hình.
Ngày nay, chúng ta biết nhiều hơn về các phương pháp chữa trị bệnh hẹp động mạch để kéo dài và cải thiện chất lượng cuộc sống. Chúng ta cũng biết cách làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch ngay từ đầu. Song, như đã thấy từ nghiên cứu xác ướp Ai Cập, chúng ta chưa biết hết về căn bệnh này. Và việc xóa sổ căn bệnh khỏi lịch sử loài người vẫn còn là một điều xa vời.
Phương Hà (Theo Health Line)