Những khả năng phi thường do đột biến gene

08-03-2017 13:04 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Con người sẽ trở thành những siêu anh hùng với những khả năng phi thường nếu sở hữu một trong các đột biến gene sau đây:

Con người sẽ trở thành những siêu anh hùng với những khả năng phi thường nếu sở hữu một trong các đột biến gene sau đây:

Xương cứng như thép

Điều này có thể xảy ra nếu bạn sở hữu đột biến gene cực kỳ hiếm hoi có tên gene LRP5 - gene này chịu trách nhiệm về mật độ xương. Nguyên nhân của căn bệnh loãng xương hay mật độ xương thấp cũng do gene LRP5 quy định. Một gia đình ở bang Connecticut (Hoa Kỳ) đã được phát hiện đều sở hữu gene LRP5 và có mật độ xương dày đặc đáng kinh ngạc tới mức gần như xương không thể bị gãy. Các nhà khoa học tin rằng sự đột biến này sẽ khiến người sở hữu trở thành siêu anh hùng với khả năng xương rắn chắc. Các chuyên gia cũng hy vọng tìm hiểu được cơ chế cũng như cách kiểm soát gene LRP5 để áp dụng chữa trị các bệnh về xương.

Chạy siêu tốc

Mặc dù ai trong chúng ta cũng sở hữu gene có tên ACTN3 nhưng chỉ có rất ít người sở hữu dạng đột biến gene này. Đột biến gene ACTN3 giúp sản xuất một loại protein đặc biệt có tên Alpha - actinin 3 chịu tránh nhiệm cho việc kiểm soát sợi cơ cho phép chúng ta chạy với vận tốc tối đa. Các nghiên cứu khoa học cũng chỉ ra những người sở hữu gene ACTN3 đột biến có vận tốc chạy nhanh hơn rất nhiều lần so với những người sở hữu gene ACTN3 thông thường.Người sở hữu gene ACTN3 đột biến có vận tốc chạy nhanh hơn rất nhiều.

Người sở hữu gene ACTN3 đột biến có vận tốc chạy nhanh hơn rất nhiều.

Miễn dịch với chất độc

Cơ thể con người rất nhạy cảm với các loại chất độc, chỉ cần 1 giọt xyanua hoặc ricin có thể gây ra cái chết ngay lập tức. Nhưng hàng nghìn năm nay, người dân làng San Antonio de los Cobres ở Argentina đã quen với việc uống nước nhiễm asen vượt mức cho phép đến 80 lần và đáng ngạc nhiên là sức khỏe của họ hoàn toàn không bị ảnh hưởng bởi chất độc chết người này. Các nhà nghiên cứu lý giải tất cả là do một loại gene đột biến có tên AS3MT. Gene này cho phép cơ thể xử lý lượng asen vào cơ thể cao gấp hàng chục lần mức an toàn và ước tính hiện nay trên thế giới có khoảng 6.000 người sở hữu gene này.

Ngủ cực ngắn mỗi ngày

Sở hữu đột biến di truyền trên gene hDEC2 khiến con người chỉ cần ngủ 4 tiếng mỗi ngày mà vẫn tràn trề sức khỏe. Thậm chí biến thể hDEC2 có thể di truyền trong cả gia đình. Chỉ có 5% dân số trên toàn thế giới may mắn có loại gene này.

Người miễn dịch với điện

Chạm vào dòng điện cao thế nhưng không hề bị thương, đây là khả năng đặc biệt của người đàn ông có tên Slavisa Pajkic đến từ Pozarevac, Serbia. Khả năng được Pajkic phát hiện ra khi mới 17 tuổi. Cơ thể người bình thường được bao phủ bởi hàng triệu tuyến mồ hôi và đây là môi trường lý tưởng để dẫn truyền điện, nhưng Pajkic lại không có tuyến mồ hôi hay nước bọt do một căn bệnh di truyền hiếm gặp. Điều này có nghĩa điện không có cách nào thâm nhập vào cơ thể Pajkic. Khả năng độc đáo này khiến mọi người đặt cho Pajkic biệt danh “Pin man”, nghĩa là người pin. Ông có thể nấu thức ăn, đun nước sôi, phát sáng bóng đèn điện hay sinh ra điện cho chiếc bếp điện. Những lúc rảnh, Pajkic thường sử dụng khả năng đặc biệt của mình để chữa bệnh đau đầu, đau lưng cho hàng xóm.

Siêu tiệc tùng

Lối sống triền miên trong tiệc tùng với rượu, cocain, các chất kích thích đã không làm phá hủy cơ thể của nhạc sĩ, ca sĩ hát rock nổi tiếng người Mỹ - Ozzy Osbourne. Các nhà nghiên cứu phân tích mã di truyền của nhạc sĩ huyền thoại này và phát hiện ra một số lượng đáng kinh ngạc gene đột biến. Các gene này giúp cơ thể phá vỡ tác hại của rượu và các hóa chất khác ví dụ như đột biến enzym ADH4 - gene tiêu hóa này có trong dạ dày, cổ họng - chúng có khả năng chuyển hóa một số loại alcohol như ethanol sau khi hấp thụ vào cơ thể.

Nhai được kim loại

Michel Lotito được biết đến với danh hiệu Monsieur Mangetout (có nghĩa là Ngài ăn tuốt) bởi khả năng nhét vào dạ dày bất cứ vật gì, thậm chí cả kim loại nặng và thủy tinh. Ông có thể ăn nguyên liệu để làm nên chiếc máy bay, tivi, xe đạp hay nhẹ hơn như kính, thủy tinh, cao su. Chính vì sự khác biệt này ông được ghi tên vào sách kỷ lục Guinness. Theo các chuyên gia nhận định thì sở dĩ Michel Lotito có thể ăn và tiêu hóa tất cả mọi thứ từ thủy tinh, kim loại đến các hóa chất độc hại bởi Michel có niêm mạc dạ dày dày gấp 2 lần người bình thường và loại axit tiêu hóa của ông cũng khác với người bình thường nên ông có thể tiêu hóa cả chất độc hại mà không ảnh hưởng gì đến sức khỏe.

Em bé siêu nhân

Mới 7 tháng tuổi nhưng cậu bé kỳ lạ người Đức có thể cầm một vật nặng khoảng 3kg. Phần cơ tay và cơ chân của cậu bé này to gấp đôi những đứa trẻ bằng tuổi. Phân tích ADN cho thấy bé bị đột biến gene ngăn cản hoạt động sản xuất của một protein làm nhiệm vụ kiểm soát sự phát triển hệ cơ được gọi là myostatin. Các nhà khoa học phát hiện thêm rằng mẹ của em cũng là một phụ nữ cơ bắp - một cựu vận động viên chạy nước rút chuyên nghiệp. Ở cơ thể người mẹ phát hiện ra một bản sao của gene kiểm soát myostatin bị đột biến. Theo các chuyên gia, rất có thể cậu bé này đã được thừa hưởng món quà từ người mẹ về khả năng siêu nhân này.

Không bao giờ biết đau

Các nhà nghiên cứu Đức đã so sánh chuỗi gene của cô gái mắc chứng “vô cảm bẩm sinh với sự đau đớn” với các chuỗi gene của bố mẹ cô - những người không bị đột biến này. TS. Ingo Kurth thuộc Bệnh viện Đại học Jena (Đức) đã phát hiện một đột biến ở gene SCN11A vốn có ảnh hưởng đến việc xây dựng các kênh dẫn truyền tín hiệu trên những tế bào thần kinh cảm nhận sự đau đớn. Đột biến gene SCN11A đồng nghĩa với việc phương tiện truyền tải xung điện cần thiết của các tế bào thần kinh không thể hình thành và không thể phát hiện ra sự đau đớn. Các nhà khoa học hy vọng rằng việc khám phá ra loại đột biến gene này có thể là tiền đề cho sự ra đời của loại thuốc giảm đau mới.


Minh Huệ
Ý kiến của bạn