Hà Nội

Những hy sinh sẽ không còn thầm lặng!

10-07-2013 21:52 | Y tế
google news

Khi âm hưởng của Cuộc thi viết “Sự hy sinh thầm lặng” lần I và lần II vẫn còn đọng lại những ấn tượng sâu sắc và cảm động với cộng đồng, với xã hội;

Khi âm hưởng của Cuộc thi viết “Sự hy sinh thầm lặng” lần I và lần II vẫn còn đọng lại những ấn tượng sâu sắc và cảm động với cộng đồng, với xã hội; khi hình ảnh những người thầy thuốc không chỉ hy sinh mạng sống của mình mà còn hy sinh cả hạnh phúc gia đình trong cuộc chiến giành lại sự sống cho người bệnh vẫn còn làm thổn thức bao trái tim đồng cảm; và khi vẫn còn rất nhiều những viên “ngọc trong đá” chưa được phát hiện... sáng 10/7, báo Sức khỏe&Đời sống đã tổ chức Lễ phát động Cuộc thi viết “Sự hy sinh thầm lặng” lần thứ III để nối tiếp những mạch nguồn cảm xúc, để những hy sinh ấy không còn thầm lặng!

Những hy sinh sẽ không còn thầm lặng! 1
 Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tặng hoa chúc mừng Hội đồng giám khảo Cuộc thi “Sự hy sinh thầm lặng” lần thứ III.      Ảnh: Trần Minh

Nhân lên những tấm gương điển hình

Hà Nội, tháng 7 nắng và nóng, nhưng dường như cái nắng hè oi ả không làm chùn bước những tấm lòng nhiệt huyết dành cho buổi Lễ phát động Cuộc thi viết “Sự hy sinh thầm lặng” lần thứ III. Chương trình bắt đầu lúc 10h, nhưng mới hơn 9h, không gian của khán phòng tầng 3, phòng họp cơ quan Bộ Y tế  đã có mặt đông đủ các nhà báo, các khán giả và các tác giả đoạt giải ở hai kỳ thi trước. Trên gương mặt của các đồng nghiệp, những người tham dự đều sáng lên niềm vui và hy vọng, bởi có lẽ họ đang mong muốn được cùng chung tay với báo Sức khỏe&Đời sống viết tiếp những giá trị nhân văn cao đẹp của nghề y và để những hy sinh không còn thầm lặng! 

Tại buổi lễ, PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế, Trưởng ban Chỉ đạo cuộc thi đã chính thức phát động Cuộc thi viết “Sự hy sinh thầm lặng” lần thứ III. Về Cuộc thi viết “Sự hy sinh thầm lặng” lần thứ II, Bộ trưởng đánh giá: Cuộc thi viết “Sự hy sinh thầm lặng” do báo Sức khỏe&Đời sống tổ chức là sự sáng tạo, năng động và rất thành công. Đã xây dựng hình ảnh của những người thầy thuốc, cán bộ y tế tận tụy cống hiến hy sinh vì sức khỏe của hơn 80 triệu đồng bào. Đêm trao giải và tôn vinh các thầy thuốc đã gây xúc động sâu sắc cho cộng đồng xã hội, tạo được sự cảm thông, sẻ chia với những vất vả, hy sinh của cán bộ y tế. Các tác phẩm báo chí tham gia các cuộc thi “Sự hy sinh thầm lặng” vừa qua thực sự là trí tuệ, là tấm lòng, sự phát hiện, sự đồng cảm và sẻ chia của những người cầm bút dành cho nghề y, ngành y.

Những hy sinh sẽ không còn thầm lặng! 2Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại Lễ phát động Cuộc thi viết “Sự hy sinh thầm lặng”  lần thứ III, năm 2013.             Ảnh: TM

Bộ trưởng bày tỏ: Nghề y là nghề tinh tế, nhạy cảm vì liên quan đến sức khỏe và tính mạng của người dân. Trong suốt quá trình chăm sóc người bệnh, ở chỗ này, chỗ khác còn có những sai sót chuyên môn, thái độ và trách nhiệm. Nhưng bên cạnh đó, vẫn có biết bao những tấm gương, những người thầy thuốc đang hằng ngày lặng lẽ chăm sóc sức khỏe nhân dân mà chúng ta chưa phát hiện được. Chính vì thế, để phát hiện những tấm gương và nhân lên các điển hình người thầy thuốc thì vai trò của các cây bút chuyên và không chuyên trong việc tìm tòi, phát hiện và dấn thân là rất đáng trân trọng. Để từ đó, hình ảnh của những thầy thuốc áo trắng ngày đêm âm thầm vượt qua khó khăn, gian khổ, chiến đấu với bệnh tật, bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân dần trở nên thân thuộc, gần gũi hơn với cộng đồng.

Nhà báo Hữu Thọ - nguyên Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa TW, người ba lần tham gia cuộc thi ở cương vị Chủ tịch Hội đồng Giám khảo chia sẻ: Cuộc thi có mục đích và ý nghĩa hết sức cao cả, đây cũng là một phong trào đã trở thành truyền thống của tờ báo Sức khỏe&Đời sống, giúp khơi dậy sự hướng thiện, sẻ chia, nhân ái của mỗi con người trong xã hội về một nghề đặc biệt. Cũng theo nhà báo Hữu Thọ, tiêu chí để trao giải có hai mặt, một mặt là tấm gương, một mặt là những người viết về tấm gương, cho nên ở đây, vai trò nhà báo là cực kỳ quan trọng. Hiệu quả của những bài viết chính là tác động vào tình cảm của xã hội để hiểu thêm về sự hy sinh thầm lặng của những người thầy thuốc.

Những hy sinh sẽ không còn thầm lặng! 3Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long tặng hoa ông Ngô Chí Dũng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Dược phẩm ECO - nhà tài trợ cuộc thi.       Ảnh: TM

Viết tiếp những câu chuyện cảm động

Cũng tại buổi lễ, nhà thơ Trần Sĩ Tuấn, Tổng biên tập báo Sức khỏe&Đời sống, Trưởng ban Tổ chức cuộc thi đã công bố thể lệ cuộc thi. Nhà thơ Trần Sĩ Tuấn xúc động nói về những hy sinh thầm lặng của người thầy thuốc, những người luôn tận tụy hy sinh, âm thầm cống hiến trong cuộc chiến chống lại bệnh tật, đẩy lùi dịch bệnh, mang lại niềm tin và sự sống cho người bệnh. Những hy sinh ấy theo nhà thơ "như ngọc trong đá, như quặng trong đất" cần được khai phá để nhân rộng những điển hình, những tấm gương cao đẹp của người thầy thuốc.

Nhà thơ Trần Sĩ Tuấn tin tưởng rằng, bằng tài năng, tâm huyết và tình cảm dành cho ngành y, các tác giả sẽ tiếp tục phát hiện, thâm nhập vào đời sống của các y, bác sĩ và viết nên những câu chuyện xúc động về họ...

Cảm động trước những hy sinh âm thầm của những người thầy thuốc, ông Ngô Chí Dũng - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Dược phẩm ECO - nhà tài trợ cuộc thi chia sẻ, đây là vinh dự của doanh nghiệp đối với hoạt động có ý nghĩa thiết thực vì cộng đồng. Ông Dũng cũng bày tỏ: Công ty Dược phẩm ECO đã từng đồng hành với nhiều hoạt động xã hội, tuy nhiên qua đợt tài trợ Cuộc thi viết “Sự hy sinh thầm lặng” lần thứ II, được gặp gỡ, chứng kiến sự vượt khó của các y, bác sĩ trong sứ mệnh chữa bệnh, cứu người, chúng tôi thấy rằng, việc phát hiện được những tấm gương điển hình chính là nguồn cổ vũ rất lớn về tinh thần cho ngành y tế. Với  ý nghĩa đó, Công ty ECO mong muốn góp một phần công sức của mình mang lại niềm vui tinh thần cho cán bộ y tế. Tổng Giám đốc Công ty ECO cũng bày tỏ, ECO sẵn sàng đồng hành cùng cuộc thi với khả năng cao nhất của mình và kỳ vọng cuộc thi năm nay sẽ thành công hơn, đạt hiệu quả cao hơn những năm trước.

Những hy sinh sẽ không còn thầm lặng! 4
Nhà báo Hữu Thọ:  Viết về những điều cao đẹp phải là hướng chủ đạo của báo chí

Phải nói rằng, qua mỗi một cuộc thi, chúng tôi - những người trong Hội đồng giám khảo lại được tiếp xúc với những tấm gương có những nét khác và mới so với cuộc thi trước. Là người viết báo đã hơn nửa thế kỷ, tôi luôn nhớ lời dạy của Bác Hồ rằng báo chí là lực lượng xung kích trong “phò chính, trừ tà”. Tôi cũng hiểu rằng, chỉ ra những việc xấu để đấu tranh là cần thiết nhưng với những tác phẩm viết về những tấm gương người tốt việc tốt thì có thể làm người đọc, người xem, người nghe hướng tới những điều cao đẹp.

Trong cuộc thi “Sự hy sinh thầm lặng”, tôi đã được gặp những tấm lòng của các cây bút viết về những tấm gương hy sinh, đặc biệt, khi tấm lòng được chuyển tải vào bài viết sẽ tạo nên những xúc cảm. Như một nhà văn đã nói: “Anh có yêu 5 lần nhân vật ấy thì anh mới có thể chuyển được tình yêu đó đến độc giả 1 lần”, cho nên cây bút phải có tình yêu lớn thì mới có khả năng chuyển tình yêu của mình đối với các nhân vật tới độc giả.

Những hy sinh sẽ không còn thầm lặng! 5
Nhà thơ Hồng Thanh Quang - Phó Tổng biên tập báo Công an nhân dân: Trách nhiệm của chúng ta là không để những tấm gương hy sinh thầm lặng bị quên lãng

Lực lượng công an nhân dân với ngành y tế thì không có gì xa lạ với nhau, có rất nhiều hoạt động đan xen, hòa quyện với nhau trong việc bảo vệ an ninh tinh thần, bảo vệ sức khỏe con người. Chung quy là chúng ta có nhiệm vụ chăm lo sức khỏe không chỉ là thể chất mà là cả sức khỏe tinh thần của con người. Khi nhận được lời mời tham gia Hội đồng giám khảo Cuộc thi “Sự hy sinh thầm lặng” trong ngành y tế, tôi đã rất vui mừng và nhận lời ngay. Vì tôi nghĩ rằng, trong cuộc sống chúng ta bao giờ cũng tồn tại cả cái xấu và cái tốt. Những cái tốt thì thường như không khí. Khi chúng ta đầy đủ không khí thì ta lại thường không để ý đến chúng và chỉ khi thiếu không khí thì chúng ta mới cảm thấy một sự thiếu hụt lớn lao. Và trong hoạt động của ngành y tế có rất nhiều những tấm gương tốt đẹp, những sự hy sinh rất thầm lặng. Việc của những người làm công tác truyền thông và tất cả chúng ta phải làm sao để những tấm gương hy sinh thầm lặng ấy không bị quên lãng, càng ngày càng có nhiều hơn sự tốt đẹp trong công việc của ngành y cũng như của tất cả các lĩnh vực khác...

Những hy sinh sẽ không còn thầm lặng! 6
Nhà báo Nguyễn Uyển:  Tính trong sáng và nhân văn của cuộc thi đã “kéo” những người viết như chúng tôi vào cuộc

“Sự hy sinh thầm lặng” là một cuộc thi từ khi phát động đến lúc trao giải mang tính văn hóa cao và trang trọng. Có thể khẳng định rằng, chính tính trong sáng và nhân văn của cuộc thi đã “kéo” những người viết như chúng tôi vào cuộc. Chúng ta đều biết, mục đích của cuộc thi là chúng ta phát hiện nhân vật, chuyển tải đến bạn đọc và từ đó nhân rộng các tấm gương đó. Đối với cá nhân tôi, vẫn biết rằng, tìm nhân vật là trách nhiệm của nhà báo, như Bác Hồ đã nói: “người tốt ở quanh ta, ta phải tự tìm thấy”. Tuy nhiên, là một người không phải trong ngành y tế, tôi rất mong muốn BTC giới thiệu những danh y, nhà khoa học, thầy thuốc, y sĩ ở các thôn bản có những hy sinh, đóng góp cho ngành y tế và xã hội, để những người viết như chúng tôi tìm tới để chuyển tải.

Chia sẻ chân tình và sâu sắc của các nhà báo

- Nhà báo Hương Giang (báo Đất Việt): “Cuộc thi đã gây được những ấn tượng sâu sắc”

Những thành công của Cuộc thi viết “Sự hy sinh thầm lặng” do báo Sức khỏe&Đời sống phát động qua 2 lần tổ chức thực sự gây được những ấn tượng sâu sắc, khơi gợi lòng trắc ẩn của công chúng. Ý kiến đó không hề mang tính chủ quan của cá nhân tôi. Việc báo Sức khỏe&Đời sống tiếp tục phát động cuộc thi lần thứ III này chắc chắn sẽ thu hút được nhiều cây bút chuyên và không chuyên tham dự, sẽ có nhiều tấm gương hy sinh thầm lặng trong đội ngũ y, bác sĩ từ miền xuôi đến miền ngược, từ hải đảo xa xôi đến nơi biên cương núi cao được phát hiện, vinh danh trong những trang viết. Sự hy sinh của họ sẽ làm đẹp thêm hình ảnh người bác sĩ trong lòng dân.

- Nhà báo Thúy Ngà - Hệ Thời sự Chính trị tổng hợp VOV1, Đài Tiếng nói Việt Nam: "Thầm lặng hy sinh để mang lại sự sống cho hàng vạn bệnh nhân"

Điều chúng tôi cảm nhận rõ nét nhất ở hầu hết các cơ sở y tế là sự tận tụy, cống hiến hết mình của đội ngũ y, bác sĩ với nghề. Có rất nhiều y, bác sĩ giỏi hầu như không có thời gian cho bản thân và gia đình. Cuộc sống của họ gắn với sinh mạng của người bệnh. Khi rời phòng bệnh, những giáo án, giáo trình để cập nhật những kiến thức, kỹ thuật mới lại chờ đợi họ. Cuộc sống hiện ai cũng phải lo cơm áo, nhưng rõ ràng vẫn đang có hàng ngàn những thầy thuốc giỏi, tận tâm đang ngày đêm âm thầm cứu chữa người bệnh mà không đưa vật chất làm thứ mưu cầu. Và thông qua Cuộc thi viết “Sự hy sinh thầm lặng” do báo Sức khỏe&Đời sống tổ chức, bạn đọc có thể gặp được những tấm gương sáng về tài năng, về y đức trên khắp mọi miền đất nước. Chúng tôi cho rằng, dù sự hy sinh đó là thầm lặng, nhưng nó đã và đang từng ngày, từng giờ mang lại sự sống cho hàng vạn bệnh nhân hiểm nghèo.

- Nhà báo Hồng Hải (báo Dân trí): "Nếu không có cuộc thi thì sự hy sinh của các thầy thuốc sẽ rất mơ hồ đối với nhiều người"

Rất xúc động và đầy ý nghĩa khi trực tiếp theo dõi đêm trao giải “Sự hy sinh thầm lặng” lần thứ II do báo Sức khỏe&Đời sống tổ chức vừa qua. Cuộc thi và cả chương trình được tổ chức công phu và khoa học, những tác phẩm dự thi đông về số lượng bài dự thi, đa dạng về đề tài, chân dung nhân vật. Quả thật, nếu không có cuộc thi này thì những vất vả, sự hy sinh của các thầy thuốc với người bệnh sẽ rất mơ hồ đối với nhiều người. Tôi hoàn toàn ủng hộ khi báo Sức khỏe&Đời sống tiếp tục phát động Cuộc thi “Sự hy sinh thầm lặng” lần thứ III.

- Nhà báo Ngọc Dung (báo Người lao động): “Người thầy thuốc rất cần sự sẻ chia và bảo vệ của toàn xã hội”

“Sự hy sinh thầm lặng” là cuộc thi có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Bởi, trong cuộc chiến đấu đẩy lùi bệnh tật bảo vệ sức khỏe người dân có những cống hiến thầm lặng của đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế chưa một lần được nhắc tới nhưng nó đang diễn ra từng giờ, từng phút ở khắp mọi miền đất nước. Không cần phải phô trương, đánh bóng bản thân, những câu chuyện về những người khoác trên mình áo blouse trắng đã mang đến cho chúng ta những tình cảm yêu thương, trân trọng và sự cảm phục.

Ngoài sự tận tụy, hy sinh, áp lực công việc thì cuộc sống hằng ngày của người thầy thuốc cũng còn đầy rẫy lo lắng, thậm chí bị hành hung và tính mạng thường xuyên bị đe dọa. Do đó, bên cạnh sự tôn vinh thì những người thầy thuốc rất cần sự sẻ chia và bảo vệ của toàn xã hội. 

Để buổi Lễ phát động Cuộc thi viết “Sự hy sinh thầm lặng” lần thứ III thành công, báo Sức khỏe&Đời sống xin trân trọng cảm ơn sự có mặt và chỉ đạo của TTND.PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến - Ủy viên BCH TW Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế, Trưởng ban Chỉ đạo cuộc thi; PGS.TS. Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế.

Trân trọng cảm ơn Hội đồng Giám khảo cuộc thi: Nhà báo Hữu Thọ, nguyên Ủy viên BCH TW Đảng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương - Chủ tịch Hội đồng Giám khảo cuộc thi; Nhà báo Nguyễn Đức Lợi - Tổng Giám đốc TTXVN; Nhà thơ Trần Đăng Khoa - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Đài Tiếng nói Việt Nam; Nhà thơ Hải Đường - Ủy viên Bộ biên tập báo Nhân Dân; Nhà thơ Hồng Thanh Quang - Phó Tổng biên tập báo Công an Nhân dân; Nhà báo Lê Xuân Sơn - Tổng biên tập báo Tiền Phong; Nhà báo Trần Duy Phương - Tổng biên tập báo Lao Động.

Trân trọng cảm ơn sự có mặt của các đồng chí lãnh đạo các Cục, Vụ, Thanh tra, Văn phòng, Đảng ủy Bộ Y tế, Công đoàn Y tế Việt Nam; phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và Hà Nội đã đến dự và đưa tin về Lễ phát động.

Đặc biệt, xin trân trọng cảm ơn ông Ngô Chí Dũng, Tổng Giám đốc Công ty CP Dược phẩm ECO, đơn vị tài trợ cuộc thi.

Trang này do nhóm phóng viên TS - CT thực hiện


Ý kiến của bạn