Những hồi ức cảm động về bác sĩ Carlo Ubani

28-04-2013 01:30 | Quốc tế
google news

BS. Carlo Ubani luôn tâm nguyện: “Tôi sinh ra để theo đuổi ước vọng. Ước mơ của tôi là chăm sóc sức khỏe cho những người thiệt thòi nhất trong xã hội“.

BS. Carlo Ubani luôn tâm nguyện: “Tôi sinh ra để theo đuổi ước vọng. Ước mơ của tôi là chăm sóc sức khỏe cho những người thiệt thòi nhất trong xã hội“. Khi đại diện cho Tổ chức Bác sĩ không biên giới nhận giải Nobel Hòa bình năm 1999, ông đã có một câu nói bất hủ: “Nhiệm vụ của bác sĩ là đến bên người bệnh”. Câu nói này đã trở thành triết lý cho tất cả những nhân viên y tế đang khoác trên mình tấm áo blouse trắng.

Carlo Urbani, người đầu tiên nhận dạng và yêu cầu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra cảnh báo về sức tàn phá nghiêm trọng của virus Sars (mặc dù vào thời điểm đó khá khó khăn để thuyết phục Chính phủ các nước tin rằng đó là một dịch bệnh nghiêm trọng). Chính ông là người đã tình nguyện hiến tặng phôi mẫu phổi của mình cho việc nghiên cứu SARS sau khi qua đời. Trước sự hoảng loạn vì dịch SARS, vợ ông nói: “Chúng ta về nước thôi”. Ông trả lời: “Tôi làm bác sĩ, nếu trước bệnh tật, người bác sĩ chạy trốn, ai sẽ ở lại?”.
Những hồi ức cảm động về bác sĩ Carlo Ubani 1
Ước mơ của ông là chăm sóc sức khỏe cho những người thiệt thòi nhất trong xã hội.

Ông được thế giới coi như người hùng, người đã đi đến tận cùng sứ mệnh của mình để cứu sống thêm bao sinh mạng. Tấm lòng của Carlo luôn hướng về những mảnh đất nghèo ở những chân trời xa, khắp châu Á, châu Phi, nơi các dịch vụ y tế cơ bản là phép màu với người dân, nơi người ta chết vì một căn bệnh đơn giản, một vết thương nhiễm trùng không được cứu chữa kịp thời, hay vì nhiễm một loại ký sinh trùng có thể loại trừ chỉ bằng vài xu euro. 10 năm ông rời xa trần thế, nhưng những ký ức đẹp về ông, những hoài bão của ông vẫn được đồng nghiệp, bạn bè, người thân của ông tiếp tục vun trồng.

*Piero Cappuccinelli, GS Khoa Vi sinh lâm sàng, Đại học Sassari, Italy đồng thời là GS danh dự, Đại học Huế, Việt Nam: Tôi chưa bao giờ có cơ hội gặp Carlo Urbani. Thực tế, vào tháng 12/2002 khi tôi nói chuyện với một đồng nghiệp của tôi tại Italy, ông Massimo Clementi là GS Khoa Vi sinh ở Milan về hoạt động gần đây của tôi đã bắt đầu ở Việt Nam và ông nói: “Tại sao anh không gặp người bạn tốt của tôi, BS. Carlo Urbani đang làm việc ở Văn phòng WHO tại Hà Nội?”. Vì vậy, tôi quyết định sẽ gặp Carlo Urbani trong chuyến thăm tiếp theo của tôi đến Việt Nam vào tháng 4/2003. Nhưng cuộc gặp gỡ đó đã không bao giờ xảy ra. Tháng 3/2003, khi tôi còn ở Thái Lan, ở Đại học Khon Kaen, đại dịch SARS đã bùng nổ ở Việt Nam và tôi nhận được tin có một số trường hợp bị nhiễm giữa các nhân viên của Bệnh viện Việt - Pháp tại Hà Nội, trong đó có một bác sĩ người Italy của WHO. Khi tôi đến Việt Nam vào tháng 4 thì Carlo Urbani đã ra đi vĩnh viễn.

Sự kiện này khiến tôi thực sự xúc động. Tôi nghĩ cần làm một điều gì đó thực tế hơn để vinh danh và tưởng nhớ BS. Carlo Urbani. Tại cuộc họp với GS. Pietro Sequi vào tháng 11/2003, lúc đó là Giám đốc của Văn phòng Hợp tác tại Hà Nội, tổ chức này đã đặt nền móng cho việc xây dựng một chương trình hợp tác để thành lập một trung tâm nhằm tăng cường kiểm soát các bệnh nhiễm trùng ở miền Trung Việt Nam được đặt tại Trường ĐH Y Dược Huế, dành riêng để tưởng nhớ đến BS. Carlo Urbani. Bản đề xuất cuối cùng của dự án mà chúng tôi chuẩn bị cùng với những đồng nghiệp khác ở Trường ĐH Y Dược Huế đã được trình bày trước Cơ quan hợp tác Italy và đã được chấp nhận vào tháng 12/2006. Số tiền tài trợ được chuyển đến một vài tháng sau đó và chúng tôi đã bắt đầu những bước đầu tiên của dự án vào tháng 10/2007. Hai giai đoạn đầu của dự án đã hoàn thành vào tháng 6/2012, dẫn đến việc thành lập hai đơn vị y tế chính: một đơn vị là phòng thí nghiệm chẩn đoán bệnh nhiễm trùng (đặc biệt là bệnh đường hô hấp), cho phép làm việc với vi khuẩn và virus có khả năng lây nhiễm cao và một đơn vị chăm sóc đặc biệt với một khu cách ly cũng đạt tiêu chuẩn an toàn sinh học cấp 3 đáp ứng việc điều trị bệnh nhân mắc bệnh với nguy cơ lây nhiễm cao. Giai đoạn thứ ba của chương trình vừa mới khởi động hơn một tháng trở lại đây, nhằm củng cố các kết quả đạt được cho đến nay, thông qua việc cải thiện đào tạo sau đại học ở mức độ đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ, cùng với việc thành lập Viện Nghiên cứu y sinh và công nghệ sinh học. Đây sẽ là một công cụ cho sự phát triển y sinh học, nghiên cứu lâm sàng, đào tạo chất lượng cao và phát triển các dịch vụ khác của Trường ĐH Y Dược Huế. Viện nghiên cứu mới này sẽ được lấy tên Carlo Urbani vì trung tâm sẵn có này sẽ trở thành xương sống của nó.

*BS. Cristobal Tunon, cán bộ quản lý chương trình của WHO, bạn thân của BS. Carlo Urbani

Carlo là một nhà dịch tễ học tận tâm, người đóng góp đến hơi thở cuối cùng cho cuộc chiến chống lại bệnh truyền nhiễm trên toàn thế giới. Ông đã làm việc tại châu Phi và một số nước ở châu Á. Giới y học quốc tế đều khẳng định những thông tin kịp thời của BS. Urbani về các đặc tính lâm sàng và dịch tễ học của các ca nhiễm SARS ở Hà Nội là cực kỳ quan trọng để cảnh báo nhà chức trách và WHO về nguy cơ đe dọa cộng đồng do SARS gây ra. Điều này góp phần đảm bảo một hệ thống ứng phó quốc gia dẫn đến khống chế dịch và có thể ngăn ngừa nhiều trường hợp tử vong ở Việt Nam. Tại Văn phòng WHO Việt Nam, tất cả chúng tôi đều biết ông là một thành viên tài năng, thân thiện và luôn giúp đỡ mọi người. Đặc biệt, ông là người vui vẻ và rất hài hước. Carlo cống hiến hết mình cho công việc với một niềm đam mê thực sự. Tôi ngưỡng mộ sự tận tâm giúp đỡ người khác từ tận đáy lòng.

Carlo dành nhiều tâm huyết hướng dẫn các chuyên gia Việt Nam cả ở Văn phòng WHO, các viện và bệnh viện quốc gia - những nơi đang triển khai dự án được WHO hỗ trợ về kiểm soát và nghiên cứu các bệnh truyền nhiễm. Ông chia sẻ với họ kinh nghiệm quốc tế và nếu họ cần ông luôn sẵn lòng hỗ trợ họ để thiết kế các đề xuất quỹ, nghiên cứu dự án, chuẩn bị báo cáo và thuyết trình. Không chỉ làm việc tại Bộ Y tế và với các cán bộ của các viện quốc gia, ông còn chung tay cùng các Sở Y tế tỉnh ở những nơi địa đầu xa xôi của đất nước.

Carlo là người yêu nghệ thuật, đặc biệt là nhiếp ảnh. Ông say mê ghi lại những cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp của Việt Nam. Ông yêu Việt Nam, yêu văn hóa  và con người nơi đây. Tôi nhớ lại khi các lãnh đạo cấp cao từ Bộ Y tế và các bệnh viện thăm văn phòng chúng tôi để bày tỏ niềm kính trọng và lòng biết ơn thành kính khi Carlo qua đời. Họ rất buồn, nhiều người trong số họ đã khóc. Tôi chắc chắn rằng họ khóc bởi họ cảm phục tấm lòng của Carlo, họ hiểu và trân trọng sự quên mình của ông.

Những hồi ức cảm động về bác sĩ Carlo Ubani 2
Con trai BS. Carlo (bên phải ảnh).

*Anh Tomaso, con trai BS. Carlo Ubani: Trên chuyến bay tới Bangkok ông phát hiện mình có triệu chứng khó thở, một cơn ho nhẹ nhói qua lồng ngực và ngay lập tức ông hiểu mình đã nhiễm bệnh, bởi loại virus này một khi đã tiếp xúc có thể bị lây nhiễm rất nhanh. Ông yêu cầu gọi xe cứu thương và lặng lẽ ngồi đợi ở một góc, tự cô lập mình, đề nghị các đồng nghiệp không lại gần. Suy nghĩ đầu tiên ông dành cho chúng tôi. Ông biết rằng ông không thể nhìn thấy chúng tôi, hay ôm hôn chúng tôi dù chỉ là lần cuối. Ông yêu cầu mẹ tôi đưa chúng tôi về nhà. Cuối ngày hôm đó, mẹ nói với tôi rằng ba tôi bị bệnh, do đó mẹ sẽ ở lại với ba ở Bangkok còn chúng tôi sẽ trở về nhà....

Ba tôi hay đi công tác, vì vậy ông ít khi ở nhà. Những khi ông ở nhà, tôi thường cảm thấy rất rõ sự hiện diện của ông.

Những hồi ức cảm động về bác sĩ Carlo Ubani 3
BS. Carlo bên người thân.

Mẹ của BS. Carlo Ubani: “Carlo không chọn cái chết. Nhưng thần chết đã đến nơi Carlo cống hiến mình cho người khác. Khi cả gia đình Carlo quyết định đi Campuchia, mang theo một đứa con trai nhỏ, tôi thấy đó là một quyết định quá khó khăn. Không thể cấm đoán một đứa con bằng cách nói không được. Sau đó, tôi thường khóc một mình. Nhưng khi đến thăm Carlo tại Việt Nam, tôi thấy mừng vì con trai tôi đang sống ở đây, đầy hạnh phúc với mơ ước của nó…

Carlo thích tìm hiểu về ẩm thực khi sống hoặc đi thăm các địa danh. Carlo thường nhận biết hương vị của mỗi vùng đất. Những hương vị ấy được thu thập trong các gia vị nấu ăn, được phân loại cẩn thận và được sử dụng để nấu nướng”.
BQT


Ý kiến của bạn