Hội chứng “sáng thứ Hai”
Theo trang tin Smh.com.au (SMH) của Australia số đầu tháng 8/2018, đầu tuần là thời điểm khởi đầu một tuần làm việc mới mẻ nhưng đối với nhiều người thời điểm này không dễ dàng chút nào nếu không nói là “ác mộng”. Thậm chí còn dẫn đến tình trạng mãn tính, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và hiệu quả công việc, gia tăng tỉ lệ quyên sinh và nhiều hệ lụy khác như ở Nhật chẳng hạn, khiến quốc gia công nghiệp này phải đề xuất cho người lao động nghỉ thêm buổi sáng thứ hai đầu tháng.
Sáng kiến mang tên Ngày thứ hai tỏa sáng (Shining Monday) do Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản đề xuất được kỳ vọng sẽ giảm giờ làm việc của người lao động, hay nói cách khác cải thiện sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống, hạn chế tình trạng karoshi, hay chết vì làm việc quá sức. Năm ngoái, chính phủ Nhật cũng đã đề xuất sáng kiến Premium Friday (Thứ Sáu ưu đãi), trong đó, yêu cầu các công ty cho nhân viên nghỉ sớm vào thứ Sáu cuối cùng của tháng để họ có thể dành nhiều thời gian hơn cho gia đình và bạn bè.
Có tới 80% số người mắc hội chứng MS cảm thấy mệt mỏi và không còn hứng thú với công việc
Hy vọng sáng kiến nói trên sẽ làm giảm áp lực liên quan đến công việc và thúc đẩy nền kinh tế do mọi người chi nhiều tiền hơn cho giải trí. Tuy nhiên, kế hoạch này đã gặp phải “hòn đá tảng” vì các công ty ở Nhật Bản bị áp lực hoàn thành kế hoạch hàng tháng. Qua nghiên cứu do Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp thực hiện cho thấy, 89% nhân viên đã nhận thức được cái lợi của chương trình Premium Friday, chỉ 11,2% là có ý đồ lợi dụng. Vì vậy năm nay Nhật Bản quyết định áp dụng chương trình Shining Monday. Theo đó, chủ nghiệp sẽ cho nhân viên nghỉ buổi sáng thứ Hai tuần đầu tiên, mỗi tháng một lần, mọi người đến văn phòng, nhà máy sau bữa trưa. Nhật Bản áp dụng chương trình trên là để đối phó với xu hướng nghiện việc, đặc biệt là sau vụ Matsuri Takahashi, nhân viên 24 tuổi tại công ty quảng cáo Dentsu, tự tử năm 2015. Takahashi đã làm hơn 100 tiếng trong những tháng trước khi cô qua đời, từ đây thuật ngữ karoshi được ra đời để nói về hội chứng karoshi (chết vì làm việc quá sức).
Theo tạp chí British Medical Journal, Hội chứng mệt mỏi sau ngày nghỉ cuối tuần (Blue Monday) hay Hội chứng sáng thứ Hai, gọi tắt MS. Có đến 80% số người mắc MS cảm thấy mệt mỏi và không còn hứng thú với công việc thể hiện qua vẻ mặt ủ rũ, chậm chạp, ít nói, khó chịu... Có người còn kèm theo chứng nhức đầu âm ỉ, ăn không ngon miệng, khó tiêu... Trong vòng 10 năm (1986 - 1995), số ca tử vong do nhồi máu cơ tim ở nam dưới 50 tuổi vào ngày thứ Hai nhiều hơn những ngày khác trong tuần tới 19,2%. Nguyên nhân gây hội chứng MS là do tình trạng rối loạn tâm lý, đột ngột thay đổi thói quen của cơ thể. Ngay cả trong ngành y, các bác sĩ cũng rất bận việc, cực kỳ căng thẳng vào sáng thứ Hai do khối lượng công việc, số ca bệnh tăng đột biến, có khi lên tới 50%. Một lý do khác làm cho hội chứng MS thêm trầm trọng là mọi người nghỉ ngơi, ăn uống, đi lại quá nhiều vào dịp cuối tuần, tạo áp lực, cho khiến cơ thể mệt mỏi. Cách nghỉ ngơi bất lợi đã phá vỡ cuộc sống giờ giấc nên khi đến công sở phải xử lý hàng núi công việc ngay dễ khiến con người căng thẳng, sinh bệnh.
Ngủ sai tư thế có thể làm tăng Hội chứng “liệt tối thứ Bảy”
Để khắc phục, giảm thiểu thiệt hại do hội chứng MS gây ra, mọi người nên sắp đặt công việc khoa học, cố gắng hoàn tất công việc trong tuần vào thứ Sáu để một tuần mới làm việc thanh thản hơn. Tăng cường cuộc sống vận động, hạn chế lối sống buông thả theo kiểu “truy lĩnh” và những ngày cuối tuần, tránh mất ngủ, thức quá khuya... Nên ăn uống cân bằng, khoa học, đủ chất, hạn chế ăn quá nhiều thịt, đồ ngọt, chất kích thích. Vào ngày thứ Hai nên duy trì lịch làm việc trở lại, công tác chuẩn bị đóng vai trò quan trọng, bởi “chuẩn bị trước là thành công một nửa”.
Hội chứng “liệt tối thứ Bảy”
Thuật ngữ tiếng Anh Saturday-Night Palsy (liệt tối thứ Bảy) hay còn gọi là “dead arm” (hội chứng cánh tay chết), gọi ngắn là SP, là thuật ngữ nói về tình trạng liệt nhánh sâu của dây thần kinh quay (radial nerve). Khi các dây thần kinh quay bị chèn ép, tín hiệu thần kinh từ cánh tay bị gián đoạn dẫn đến cảm giác, tê cứng, đau buốt. Khác với liệt thực thể do tổn thương cấu trúc thần kinh, SP là trạng thái liệt cơ năng, xảy ra khi một hoặc cả ba dây thần kinh chính bị nén hoặc kéo căng trong một khoảng thời gian dài dẫn đến sự gián đoạn tín hiệu, suy giảm máu, gây tổn thương mô và phát sinh tê bì, suy yếu .
Theo trang tin Apexphysio, bệnh thường xảy ra ở những người sau khi chè chén lu bù, đặc biệt là uống nhiều rượu bia, nhiễm độc chì, dùng thuốc giãn cơ... khiến nách hay cánh tay chèn hay kéo dãn quá mức. Vì cơ giãn căng, bất động, nên nhánh dây thần kinh quay chạy dọc sau xương cánh tay bị đè xuống, tổn thương. Mức độ nghiêm trọng của bệnh phụ thuộc vào thời gian và mức độ bị nén ép của các dây thần kinh liên, tê đau kéo dài vài phút cho tới hàng tháng. Thông thường, khi ngủ thiếp đi, người trong cuộc không kiểm soát được vị trí, tư thế ngủ, dẫn đến tình trạng căng hoặc nén trên dây thần kinh quay, như ngủ trên ghế, kê tay dưới đầu hoặc tư thế ngủ bất thường do cơn ngủ ập đến quá nhanh mà người trong cuộc không làm chủ được. Dây thần kinh quay còn có thể bị chèn ép, kéo căng và gây liệt khi bị chèn ở nách, hôn mê vắt tay tréo qua bàn mổ, chèn ép do gãy xương cánh tay và hội chứng chèn “dây thần kinh liên cốt sau” (posterior interosseuos nerve palsy). Người mắc hội chứng SP thường có các biểu hiện như suy yếu cơ co, duỗi ở cánh tay, cổ tay và ngón tay rũ xuống, suy yếu các cơ co duỗi và tên bì, mất cảm giác ở cánh và mu bàn tay theo kiểu cánh tay bất động.
Vật lý trị liệu và châm cứu giúp hội chứng SP phục hồi nhanh
Đa số trường hợp liệt tối thứ Bảy thường sẽ hồi phục trong vòng vài phút nhưng hiếm hoi, có trường hợp gây suy yếu kéo dài, gây ra các biến chứng thứ cấp như cứng khớp hoặc teo cơ. Cũng phải nói thêm rằng, cơ chế bệnh sinh bệnh của hội chứng SP là do chèn ép cơ học khi lớp cơ bảo vệ bên ngoài bị chùng xuống, dãn nhão do rượu, thuốc mê, nằm sai tư thế… nên trong trường hợp này phòng bệnh đóng một vai trò rất quan trọng. Phương pháp điều trị phổ biến là vật lý trị liệu nhằm giảm tải cho dây thần kinh quay hạn chế các hiệu ứng thứ cấp và giúp cánh tay phục hồi nhanh. Cải thiện khả năng vận động và tăng cường cảm giác cho các khuỷu khớp . Ngoài ra có thể áp dụng kỹ thuật bảo tồn hỗ trợ, liệu pháp mát-xa, châm cứu, liệu pháp laser lạnh....
Ngoài vật lý trị liệu, người ta có thể áp dụng giải pháp dùng thuốc nội khoa, chủ yếu là nhóm thuốc tăng hoạt hóa cho thần kinh như vitamin B1, B6, B12, Methyl coban…, phẫu thuật chuyển gân, hệ thống kéo giãn đàn hồi và châm cứu… Khác với liệt thực thể do tổn thương cấu trúc thần kinh, như trong bệnh đột quỵ, tai biến mạch máu não hay chấn thương, u bướu, hội chứng SP thuộc dạng rối loạn thần kinh bị do bị chèn ép hay kéo giãn nên khả năng hồi phục nhanh nên xử lý nhanh và đúng cách. Trường hợp, suy yếu kéo dài, gây ra các biến chứng thứ cấp như cứng khớp, teo cơ hoặc xấu hơn cần tư vấn bác sĩ chuyên khoa sớm để làm các thủ thuật thăm dò cần thiết, và can thiệp kịp thời.