Những hội chứng lạ làm đau đầu các nhà khoa học

03-05-2010 08:06 | Thời sự

Không ai muốn mang bệnh, mà lại là bệnh khó chữa trị thì lại càng không muốn. Thế nhưng trong lịch sử y khoa lại có những hội chứng bệnh học kỳ lạ như bệnh chân voi

Không ai muốn mang bệnh, mà lại là bệnh khó chữa trị thì lại càng không muốn. Thế nhưng trong lịch sử y khoa lại có những hội chứng bệnh học kỳ lạ như bệnh chân voi, căn bệnh già trước tuổi, người mọc lông nhiều như sói, hay hội chứng giả tử thi, bản thân họ vẫn sống hiện hữu nhưng lại cứ khăng khăng cho rằng mình không còn tồn tại nữa... Liệu pháp chữa trị các căn bệnh này cho đến ngày hôm nay, khoa học hiện đại vẫn đang hết sức bối rối.

Hội chứng người da xanh

Hội chứng người da xanh là một loại bệnh lý kỳ lạ khiến cho da người có màu xanh da trời hay màu xanh tái. Hội chứng bệnh lý này còn ảnh hưởng tới cả mắt. Ít nhất là đầu thế kỷ 20, các bác sĩ đã nhận thức được rằng các hợp chất bạc có thể khiến cho một số vùng trên da và các mô trên cơ thể chuyển thành màu xám hay xanh xám. Hội chứng người da xanh có thể do người mắc bệnh đã hít phải các bụi bạc với số lượng lớn trong một thời gian dài (từ vài tháng cho đến nhiều năm). Những người làm việc tại các phân xưởng chế tác bạc cũng thường xuyên phải hít thở các lớp bụi bạc, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khoẻ. Trong quá khứ, một số công nhân khi tiếp xúc với bạc đã trở thành người da xanh. Vào thập niên những năm 1940, nhằm triệt giảm căn bệnh da xanh và các hệ quả tác dụng phụ của nó đối với sức khoẻ con người, các nhà bào chế y dược đã phát triển một loại thuốc an toàn hơn và hiệu quả điều trị bệnh cao hơn.

 Cảm giác sai lệch về không gian là biểu hiện của hội chứng Todd.

Hội chứng ăn phi dinh dưỡng

Đây là một hội chứng bệnh học mà khoa học hiện đại tỏ ra bất lực trong công tác tư vấn sức khoẻ và điều trị, vì người mắc bệnh có thói quen ăn uống những chất phi dinh dưỡng như kim loại hoặc đồng xu, đất sét, than, đất, phân, phấn bảng, giấy, xà bông... hoặc ăn những thứ mà người bình thường không sao "nhấm nháp" nổi như bột mì sống, khoai tây sống, lúa chưa tách vỏ, đá cục và muối. Căn bệnh này thường bắt gặp ở đủ mọi lứa tuổi, đặc biệt là phụ nữ đang mang thai, trẻ nhỏ và những người mắc bệnh thiểu năng phát triển. Nếu trẻ em bị mắc bệnh thường là rất nguy hiểm. Trẻ em ăn các mảng tranh tường có thể gây nên chứng ngộ độc chì, tổn thương nghiêm trọng cho não. Người bị mắc căn bệnh này còn có hành vi ăn những thứ dơ bẩn bên đường. Các nghiên cứu thực hiện vào thập niên 90 ở Mỹ và Arập Xêut cho thấy khoảng 8,1% - 8,8% phụ nữ trong thời gian mang thai mắc căn bệnh ăn uống phi dinh dưỡng. Tỷ lệ phụ nữ mang thai ở các quốc gia đang phát triển mắc phải hội chứng ăn uống phi dinh dưỡng thường cao hơn, thậm chí chiếm đến 63,7% và 74,0% tại 2 cộng đồng dân tộc ở châu Phi.

Bệnh chân voi

Bệnh chân voi là một loại bệnh kỳ lạ, nó khiến cho da trở nên dầy hơn, đặc biệt là ở phần chi dưới, cơ quan sinh dục nam giới và vùng vú ở phụ nữ. Trong một số trường hợp, căn bệnh này còn làm biến dạng một số cơ phận cơ thể người như chứng phù bộ phận sinh dục, vùng da ở bìu dái bị sưng phồng to bằng kích cỡ của quả bóng chày hay bóng rổ. Nguyên nhân căn bệnh này là do chứng bệnh giun chỉ. Căn bệnh chân voi này chỉ được khám phá kể từ khi có kính hiển vi, nó được gây ra bởi 3 loài giun ký sinh tên là Wuchereria bancrofti, Brugia malayi và B. timori, tất cả các loài giun này đều được lây lan từ loài muỗi. Căn bệnh này thường xuất hiện ở các vùng nhiệt đới và châu Phi. Những con giun trưởng thành chỉ sống trong mạch bạch huyết ở người. Ở vùng phụ cận hoang mạc Sahara thuộc châu Phi, người ta kết hợp hai loại thuốc albendazole với ivermectin để chữa trị căn bệnh này, tuy vậy kết quả cũng chưa mấy khả quan.

Hội chứng Alice trong xứ sở thần tiên

Hội chứng bệnh này được viết tắt là AIWS, hay còn gọi là hội chứng Todd, là một dạng bệnh thần kinh mất phương hướng ảnh hưởng nghiêm trọng tới khả năng nhận thức ở người. Người bị mắc phải căn bệnh này trông vật gì cũng to lớn vượt mức bình thường. Bị mắc phải căn bệnh này thường biểu hiện với căn bệnh đau nửa đầu, u não và thói quen sử dụng nhiều biệt dược tác động đến trí tuệ. Một số báo cáo khoa học còn nói rằng người bị mắc hội chứng AIWS thường hay có cảm giác như đang ở xứ sở nào đó, nhiều người tỏ ra phát triển khác xa với tuổi của họ. Hội chứng AIWS còn biểu hiện ở giấc ngủ của họ, theo đó mắt của người mắc bệnh có biểu hiện hoạt động sai lệch, không đúng chức năng như người thường. Nhưng biểu hiện sức khoẻ thường thấy ở người bị mắc chứng AIWS là đau nửa đầu. AIWS còn tác động đến người bệnh thông qua năng lực thị giác, cảm giác, xúc giác, thính giác cũng như là hình ảnh cơ thể của họ. Mắt họ vẫn bình thường, song khi nhìn vào các vật thể xung quanh thì nó lại không đúng kích thước và hình dạng thường thấy, mọi thứ đều sai lệch nghiêm trọng. Điều này có nghĩa là khi nhìn người, xe cộ, nhà cửa xung quanh thì chúng có vẻ nhỏ xíu hoặc to lớn khổng lồ, hoặc khoảng cách cũng bị sai lệch, chẳng hạn như đường hành lang trở nên dài vô tận hoặc không gian chung quanh trở nên chật chội vô cùng. Một số người bệnh lại mắc chứng ảo giác cực độ, có khi nơm nớp lo sợ có kẻ thù tấn công mình. Các liều thuốc đặc trị là: thuốc chống co giật, thuốc chống suy nhược...

Hội chứng da vằn vện

Hội chứng da vằn vện được biểu hiện khi trên da có những sọc kỳ lạ ở những điều kiện hình thành không bình thường. Những sọc này phơi bày rõ ràng trên da. Thường có dạng hình chữ "V" trên vùng lưng, chữ "S" trên vùng ngực, bụng, hai bên hông và một vài nơi trên vùng đầu. Sự hình thành các sọc kỳ lạ này có thể bắt nguồn từ các tế bào sơ khai. Nó là một dạng khảm gen trên cơ thể. Nó không ảnh hưởng gì tới thần kinh, cơ bắp hay hệ mạch bạch huyết trên cơ thể. Bác sĩ chuyên khoa da liễu người Đức là Alfred Blaschko là người đầu tiên phát hiện ra loại bệnh kỳ lạ này vào năm 1901.

 Hội chứng giả tử thi.

Hội chứng giả tử thi

Đây là một chứng bệnh thần kinh đặc biệt hiếm gặp, nó là một dạng bệnh đánh lừa cảm xúc mà người mắc bệnh có cảm tưởng như họ đã chết, không tồn tại, cơ thể bị thối rữa hay cơ thể không có máu hoặc bị mất một số cơ quan nội tạng trong cơ thể. Hội chứng này được đặt tên bởi một người tên là Jules Cotard (1840 - 1889), một nhà thần kinh học người Pháp, cũng chính là người đầu tiên khám phá ra căn bệnh này. Một số người bị mắc bệnh đã bắt đầu phủ nhận sự tồn tại của chính họ cũng như phủ nhận sự hiện hữu của chúa trời, quỷ dữ hay phủ nhận sự mất mát một số bộ phận cơ thể họ. Cuối cùng họ nguyền rủa hình thức chết phù hợp lẽ tự nhiên. Chữa trị căn bệnh này quả là cực khó, nếu chữa bằng thuốc chống suy nhược cơ thể thì hiệu quả thuyên giảm rất mong manh.

NGUYỄN THANH HẢI  (Theo Science)


Ý kiến của bạn